Tội ác bị tố cáo qua lá thư ‘giấu đầu hở đuôi’

07:29 | 08/02/2020

430 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bill Guthrie chờ tới phút cuối mới đưa ra chứng cứ bất ngờ hòng gỡ tội, nhưng chính thứ này lại khiến tội ác càng lộ rõ.

7h ngày 14/5/1999, tổng đài 911 của thị trấn Wolsey, bang South Dakota tiếp nhận tin báo một phụ nữ bị đuối nước trong bồn tắm. Tới nơi, nhân viên y tế thực hiện hồi sức tim phổi nhưng người này đã chết não khi đến bệnh viện và ngừng thở vào sáng hôm sau.

Theo cảnh sát, nạn nhân tên Sharon Guthrie, 54 tuổi. Người đầu tiên phát hiện sự việc là chồng nạn nhân, Bill Guthrie.

Làm việc với cảnh sát, Bill kể sáng hôm đó đi ra làm chút việc. Lúc đi, vợ vẫn khỏe mạnh và đang xả nước nóng vào bồn tắm. Khoảng 10 phút sau, Bill quay lại thì phát hiện vợ nằm sấp trong bồn tắm tràn nước. Bill cố kéo vợ ra ngoài nhưng không thành công nên tháo hết nước, lật người rồi gọi cấp cứu.

Qua giải phẫu, chuyên viên nhận định thi thể người vợ không thương tích. Mẫu máu của Sharon xuất hiện ba loại thuốc, trong đó chỉ hai loại được bác sĩ chỉ định. Loại còn lại là thuốc chữa chứng khó ngủ, có liều lượng đủ mạnh để khiến bất tỉnh.

Từ đó, chuyên viên giám định kết luận cái chết của nạn nhân một phần do quá liều temazepam. Tuy vậy, bản chất cái chết không thể được xác định rõ là tự tử, tai nạn, hay bị sát hại.

Khi điều tra sự việc, cảnh sát gặp phải trở ngại vì hiện trường không được bảo quản kỹ nên đã được những người hàng xóm có ý tốt dọn sạch. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn có thể xác định nguồn gốc của temazepam trong thi thể qua lọ thuốc được kê cho Bill.

Tội ác bị tố cáo qua lá thư ‘giấu đầu hở đuôi’
Bill Guthrie cùng vợ Sharon Guthrie. Ảnh: Filmrise.

Khi được hỏi tới, Bill cho rằng vợ có thể đã uống nhầm thuốc khi mộng du, tuy nhiên cả ba con gái đều cho biết mẹ chưa bao giờ như vậy. Đặc biệt, con gái út của Bill kể từng nghe bố nói rất ghét mẹ vì "xấu xí" và sẽ ly hôn. Sự nghi ngờ đổ dồn vào Bill.

Tiếp tục điều tra, cảnh sát phát hiện Bill được phát thuốc temazepam vào ngày 12/5, nhưng ngay hôm sau lại tới tiệm thuốc khác để yêu cầu cấp lại với lý do làm mất thuốc. Ngoài ra, Bill khai cố kéo vợ ra khỏi bồn nước, nhưng nhân viên y tế làm chứng rằng quần áo ông ta khi ấy khô ráo.

Tìm hiểu về quan hệ xã hội, cảnh sát phát hiện Bill từng bị công ty thuyên chuyển khỏi nơi làm việc tại bang Nebraskatới do có tình nhân ở đây. Dù vậy, quan hệ bất chính này vẫn tiếp tục. Bill từng xin cấp trên cho quay lại bang Nebraska để chữa chứng bất lực, nhưng theo tình nhân của Bill, ông ta không bị bệnh này.

Tình nhân của Bill kể vì quá chán chường với việc phải giấu kín mối quan hệ nên từng nhiều lần thúc giục. Sau thời gian dài không thấy gì Bill có hành động gì, chị ta cắt đứt quan hệ vào tháng 1/1999.

Cảnh sát thấy Bill có động cơ và thời gian sát hại vợ nhưng chưa có chứng cứ chắc chắn nên thuyết phục con gái cả của Bill giúp đỡ. Theo kế hoạch, cảnh sát cài thiết bị nghe lén trong khi cô này chất vấn Bill về cái chết của mẹ. Tuy nhiên, kế hoạch không thành công vì Bill luôn phủ nhận dính líu tới sự việc.

Cuối tháng 7/1999, cảnh sát được toà án cho phép tịch thu máy tính tại nơi làm việc của Bill nhằm tìm kiếm manh mối trong thư từ gửi người tình tại Nebraska. Song cuộc tìm kiếm không cho ra kết quả đáng kể.

Không bỏ cuộc, cảnh sát tiếp tục mời chuyên gia máy tính để khôi phục lại dữ liệu có thể đã bị xóa. Bằng phần mềm chuyên dụng, chuyên gia tìm kiếm mọi dữ liệu trên ổ cứng liên quan tới thuốc temazepam, từ đó phát hiện vào khoảng một tháng trước khi Sharon chết, máy tính của Bill nhiều lần tìm kiếm về công dụng của temazepam và về tai nạn trong bồn tắm.

Với dữ liệu trên máy tính, cảnh sát bắt giữ Bill về tội Giết người vào cuối tháng 8/1999. Công tố viên cáo buộc Bill muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân hơn 30 năm nhưng sợ ảnh hưởng tới công việc nên đã tìm cách dàn dựng cái chết của vợ.

Tội ác bị tố cáo qua lá thư ‘giấu đầu hở đuôi’
Bill khi bị bắt giữ. Ảnh: Filmrise.

Theo công tố viên, sáng 14/5/1999, Bill đã bỏ lượng lớn temazepam vào món sữa socola, đồ uống yêu thích của Sharon. Chờ vợ bất tỉnh, ông ta lôi vợ bỏ vào bồn tắm trong tư thế nằm sấp rồi xả nước...

Dựa trên chứng cứ đã có, công tố viên cho rằng có thể dễ dàng buộc tội. Nhưng khi công tố viên kết thúc phần buộc tội, luật sư của Bill bất ngờ xuất trình vật chứng mới – lá thư tuyệt mệnh được cho là do Sharon viết. Bill cho biết vào ngày 10/6/1999 (khoảng ba tuần sau khi vợ mất) đã tìm thấy lá thư kẹp giữa quyển sổ hai vợ chồng dùng chung để trong phòng làm việc. 5 ngày sau, Bill đưa lá thư cho luật sư nhưng không tiết lộ với cảnh sát hoặc gia đình.

Trước tòa, chuyên gia của luật sư bào chữa làm chứng rằng trong máy tính cá nhân của Bill không có dấu vết của lá thư này. Kết quả giám định độc lập còn tìm thấy nhiều vết mồ hôi trên giấy, phù hợp với hiện tượng người sắp tự tử thường đổ nhiều mồ hôi khi cầm thư tuyệt mệnh. Từ đó, luật sư lập luận rằng lá thư không phải do Bill viết.

Luật sư cũng cho rằng khi Bill thông báo ý định ly hôn một ngày trước khi sự việc xảy ra, Sharon tỏ ra suy sụp. Điều này có thể giải thích cho vụ tự sát.

Bất chấp sự phản đối của công tố viên, thẩm phán chấp nhận đưa lá thư vào hồ sơ vụ án nhưng cho bên công tố thời gian để kiểm chứng thông tin. Trước diễn biến trên, công tố viên thừa nhận cảm thấy sốc song vẫn mời chuyên gia xem xét lại lá thư.

Chuyên gia nhận định lá thư được gõ trên máy tính, nhưng không được ký tên. Lá thư được đề ngày 13/5/1999, một ngày trước khi Sharon chết, và gửi tới con gái thứ hai sắp kết hôn. Trong thư, "Sharon" xin lỗi con gái vì "phá hỏng đám cưới", đồng thời nhắc lại sự kiện từng xảy ra trong lễ thành hôn vài năm trước của con gái út.

Chuyên gia dùng hóa chất và tìm được nhiều dấu vân tay trên lá thư. Bill khai rằng đã đưa thư cho luật sư, nhưng các dấu vân tay này không trùng khớp với cả hai người. Tuy vậy, chuyên gia lại không thể đối chiếu vân tay này với Sharon vì người chết chưa bao giờ được lấy dấu vân tay.

Để tìm ra nguồn gốc lá thư được đánh máy, công tố viên rà soát lại các vật chứng trong vụ án. Từ đây, công tố viên phát hiện ngoài máy tính tại nơi làm việc, Bill còn có bộ máy tính khác ở nhà, nhưng ông ta đã đưa cho vợ chồng con gái giữ trước thềm vụ xét xử.

Trong ổ cứng của bộ máy tính thứ hai, chuyên gia của công tố viên tìm được một file văn bản bị xóa có câu "mẹ yêu các con" và đề ngày 13/5/1999. Chuyên gia chỉ ra rằng kiểu chữ, khoảng cách giãn dòng và dàn trang của văn bản này giống với lá thư khả nghi. Con số 1999 bị dính liền với dấu phẩy, đây là lỗi soạn thảo giống lá thư khả nghi. Đặc biệt, file này được tạo ra vào tháng 8, sau khi Sharon chết và trước khi Bill bị bắt.

Tội ác bị tố cáo qua lá thư ‘giấu đầu hở đuôi’
Ở cả hai văn bản, con số 1999 đều bị lỗi dính liền với dấu phẩy phía trước. Ảnh:Filmrise.

Không chỉ vậy, chuyên gia tiếp tục tìm được file văn bản thứ hai được tạo ra cũng vào tháng 8. Trong file này, "Sharon" bày tỏ sự buồn bực khi biết Bill ngoại tình và thể hiện rõ ý định tự sát. Bị truy vấn, Bill thừa nhận là tác giả bức thư nhưng cho biết đây là cách bản thân gỡ rối tâm trạng trước cái chết do tự sát của vợ.

Dù vậy, lập luận của Bill không thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Ông ta bị kết án Giết người cấp độ I và lãnh án chung thân không ân xá. Bill chết trong tù vào tháng 7/2011 ở tuổi 66.

Sau phiên tòa, gia đình quật mộ của Sharon để chuyển di cốt về quê hương tại Nebraska. Nhân cơ hội ấy, nhà chức trách lấy vân tay của Sharon và đối chiếu với dấu vết trên thư. Kết quả cho thấy vân tay trên lá thư không phải của nạn nhân.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc