Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu Chính phủ Đức đưa mục tiêu rõ ràng về khí thải sau 2030

18:13 | 04/05/2021

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo CNBC, AP ngày 29/4, Tòa án Hiến pháp Đức đã đưa ra phán quyết ngày 29/4/2021 yêu cầu Chính phủ Đức đề ra các mục tiêu rõ ràng cho việc giảm khí thải nhà kính sau năm 2030, lập luận Điều luật hiện nay không đủ để bảo đảm rằng biến đổi khí hậu sẽ nằm trong giới hạn chấp nhận được.
Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu Chính phủ Đức đưa mục tiêu rõ ràng về khí thải sau 2030
Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu Chính phủ Đức đưa mục tiêu rõ ràng về khí thải sau 2030. Ảnh: AP

Một số cá nhân người Đức với sự ủng hộ của các nhóm môi trường, đã đưa ra 4 khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp Đức lập luận rằng các quyền của họ đã bị vi phạm vì chưa có mục tiêu đủ hiệu quả cho việc giảm khí thải trong thập kỷ tới.

Nước Đức cũng như những quốc gia khác trong EU đề ra mục tiêu vào năm 2030 cắt giảm 55% khí thải so với mức của năm 1990. Điều luật được thông qua năm 2019 đưa ra mục tiêu cụ thể cho các lĩnh vực như giao thông, nhà ở cho tới thời điểm 2030; nhưng chưa đưa ra mục tiêu dài hạn cho giai đoạn cân bằng khí thải vào năm 2050. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu Chính phủ vào cuối năm 2022 phải đưa ra các mục tiêu cho giai đoạn từ 2030 trở đi.

Luật sư Felix Ekardt, là người đã đưa một trong 4 khiếu nại ra Tòa án Hiến pháp Đức, cho rằng phán quyết là “đột phá” đối với nước Đức; “chính sách khí hậu của Đức sẽ cần phải điều chỉnh mạnh mẽ”. Luật sư Roda Verheyen, cũng là người tham gia đưa khiếu nại, cho rằng phán quyết này trên thực tế có nghĩa là lộ trình sử dụng than tới năm 2038 sẽ được xem xét thêm để có thể đạt mục tiêu lâu dài giảm khí thải thật sự.

Nhiều nhà vận động khí hậu bày tỏ vui mừng với phán quyết. Luisa Neubauer, là một nguyên đơn trẻ tuổi, cho rằng đây là một ngày vui mừng đối với hàng trăm ngàn người trẻ tuổi; “quyết định ngày hôm nay có nghĩa là công lý được thực thi”; “các quyền và tự do của các thế hệ tương lai không hề kém quan trọng hơn so với các quyền và tự do của thế hệ ngày hôm nay”.

Nước Đức sẽ tổ chức bầu cử liên bang trong tháng 9/2021. Đảng Xanh vì môi trường, một đảng ủng hộ những mục tiêu giảm khí thải cứng rắn hơn, hiện đang dẫn đầu trong một số cuộc thăm dò dư luận. Annalena Baerbock, ứng cử viên của Đảng Xanh vào vị trí của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng phán quyết là “một quyết định lịch sử”; viết trên tweet cho rằng “bảo vệ khí hậu có nghĩa là bảo vệ tự do của chúng ta, tự do của con, cháu chúng ta”; “những năm tới có tính quyết định cho một hành động cương quyết”.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói phán quyết “có ý nghĩa đáng kể”, “sẽ tạo cho cộng đồng kinh doanh một sự chắc chắn có kế hoạch”. Những khiếu nại như thế này ở Đức là một trong nỗ lực toàn cầu của những nhà hoạt động khí hậu muốn buộc các chính phủ có những hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Vụ việc thành công đầu tiên là ở Hà Lan, khi Tòa án Tối cao Hà Lan từ 2 năm trước đã thông qua phán quyết yêu cầu chính phủ cắt giảm khí thải ít nhất là 25% so với mức của năm 1990 vào cuối năm 2020./.

Thanh Bình