Tin tức kinh tế ngày 7/10: Gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm
Gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm (Ảnh minh họa). |
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 7/10, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2646,35 USD/ounce, giảm 7,17 USD so với cùng thời điểm ngày 6/10.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 7/10, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 6/10.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 6/10.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 6/10.
Gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2024 do Ngân hàng Nhà nước công bố, có 15,9% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và kết quả này cao hơn tỷ lệ 11% tại kỳ điều tra trước.
Trong khi đó, tỷ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023 đã giảm từ 86,2% trong kỳ điều tra trước, xuống chỉ còn 79,6% tại kỳ điều tra này. Ngoài ra, còn có 4,4% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Tỷ giá tăng mạnh, NHNN hút ròng 56.567 tỷ đồng
Ngày 7/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm tăng 20 đồng/USD, kéo theo sự tăng giá của USD tại các ngân hàng thương mại. So với phiên 4/10, giá USD đã tăng tới 90 đồng mỗi chiều mua và bán.
Tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng 2,13%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 1,3% của quý 3. Để ổn định thị trường và kiểm soát lạm phát, NHNN đã thực hiện các biện pháp hút tiền thông qua thị trường mở.
Trong tuần qua, NHNN hút ròng hơn 56.567 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng. Các hoạt động này bao gồm việc chào thầu 23.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%, trong đó 10.791 tỷ đồng đã trúng thầu, đồng thời có 67.359 tỷ đồng đáo hạn. Động thái này giúp giảm lượng tiền lưu thông, nhằm kiềm chế áp lực lên tỷ giá và giảm thiểu rủi ro lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt tăng hơn 24% về lượng
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 557.111 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt với kim ngạch trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 125.140 tấn với kim ngạch 413,6 triệu USD, chiếm 22,5% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024.
So với cùng kỳ năm trước, lượng và kim ngạch nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ tăng lần lượt 22,7% và 37,9%.
9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%.
P.V (t/h)