Tin tức kinh tế ngày 5/11: Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục
Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục (Ảnh minh họa) |
Giá vàng giảm nhẹ
Ghi nhận vào đầu giờ trưa ngày 5/11, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2730,62 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 5/11, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 87-89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 87-89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 87-89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Vốn FDI đổ vào bất động sản cao gấp 2,4 lần
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.
Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và gần 1 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục
Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,86 tỷ USD, tăng lần lượt 10,2% và 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gạo cũng chứng kiến mức tăng chưa từng thấy, khi 10 tháng qua, các doanh nghiệp Việt đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu các loại gạo, tăng tới 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số nhập khẩu cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của năm 2023.
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Theo số liệu của Hiệp hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng, lãi suất chào bình quân VND tăng rất mạnh 1,38 - 2,23 điểm % ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm tăng lên 6,20%; 1 tuần lên 6,18%; 2 tuần là 5,95% và 1 tháng là 5,75%.
Thị trường liên ngân hàng diễn ra sôi động hơn trong những ngày qua trong bối tỷ giá USD/VND liên tục tăng thời gian gần đây. Theo đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã liên tục niêm yết sát, thậm chí kịch trần suốt hai tuần qua và đã tăng 4,3% kể từ đầu năm. Nguyên nhân tỷ giá tăng được chỉ ra do sức ép từ thị trường quốc tế, nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng do các yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước cũng là một trong những yếu tố khiến giá ngoại tệ tăng nhanh gần đây.
Hàng Việt xuất khẩu tăng tốc
Theo Tổng cục Hải quan, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... đang tăng nhập khẩu hàng hóa ở mức hai con số. Theo đà tăng trưởng như vậy, khả năng đến cuối năm, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta có thể đạt 800 tỷ USD.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
Ngày 5/11, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 10 cho thấy có sự điều chỉnh về tăng trưởng so với tháng 9. Theo đó, Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8%, từ mức 6,0% trước đó.
"Đà tăng trưởng mặc dù đã chậm lại từ quý 3 nhưng vẫn duy trì ở mức ổn định, với dự báo tăng trưởng quý IV/2024 đạt 6,9%", báo cáo nhận định.
Theo các chuyên gia Standard Chartered, các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Việt Nam vẫn giữ được sức mạnh đáng kể. Standard Chartered dự báo, doanh số bán lẻ có khả năng đạt ở mức 6,2%, từ mức tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước tháng 9/2024; lĩnh vực xuất khẩu dự báo đạt ở mức 6,2%, từ mức tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước tháng 9/2024.
P.V (t/h)