Tin tức kinh tế ngày 31/5: Giá gas hạ nhiệt sau 5 tháng leo thang
Giá gas hạ nhiệt sau 5 tháng leo thang
![]() |
Giá gas tháng 6 giảm mạnh. (Ảnh minh họa) |
Từ 1/6, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng TP HCM sẽ giảm 33.000 đồng, xuống 325.000 đồng. Người dùng sẽ tiết kiệm được 2.750 đồng cho mỗi kg gas so với tháng 5, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Đây là tháng đầu tiên giá nhiên liệu này điều chỉnh mạnh tại các điểm bán lẻ ở TP HCM và các tỉnh phía Nam sau năm tháng liên tiếp leo thang trong năm 2019. Nguyên nhân giá gas tháng 6 giảm mạnh được các nhà bán lẻ trong nước giải thích, là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 422,5 USD một tấn, giảm 105 USD mỗi tấn so với tháng trước.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Ngành nông nghiệp xuất siêu đạt gần 3,3 tỷ USD sau 5 tháng đầu năm
![]() |
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tháng 5 vừa qua ước đạt 3,62 tỷ USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 3,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có sự tăng trưởng trở lại, trong khi những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại. Trong 5 tháng, nhóm hàng nông sản chính xuất khẩu ước đạt 7,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như chè tăng 30%; rau quả 10,3%; cao su 2,4%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở dĩ tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm 2018 là do những thay đổi về mặt chính sách của Trung Quốc, cũng như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả lợn châu Phi
![]() |
Lực lượng chức năng đưa lợn nhiễm dịch đi tiêu hủy. (Ảnh minh họa) |
Tại phiên họp Quốc hội sáng 31/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo trước Quốc hội về tình hình ngành nông nghiệp, trong đó đặc biệt là dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị nông nghiệp vào 1 triệu tỷ thì chăn nuôi lợn chiếm 94.000 tỷ (gần 10%). Trong cơ cấu thực phẩm, hiện thịt lợn chiếm 70% cơ cấu về thịt trong bữa cơm của người dân. Đây còn là ngành là giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ dân và 10.000 hộ chăn nuôi lớn. Trước diễn biến của thời tiết phức tạp như hiện tại, với đặc thù của bệnh và điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu không có biện pháp quyết liệt, hữu hiệu, khả năng dịch bệnh sẽ lan ra các vùng chưa có dịch còn lại, thậm chí dịch bệnh sẽ quay trở lại các vùng đã qua 30 ngày không xuất hiện dịch.
Về giải pháp kỹ thuật trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh về biện pháp an toàn sinh học trong phòng chống dịch. Theo Bộ trưởng, vấn đề cần thực hiện lúc này là giảm thiệt hại về mặt kinh tế trong quá trình phòng, chống dịch.Về giải pháp trung hạn, dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ phối hợp với quốc tế tập trung vào các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu vắc-xin và các giải pháp an toàn sinh học trong công tác phòng, chống dịch.
Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã họp bàn cùng với các doanh nghiệp có biện pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh. Về giải pháp hỗ trợ nông dân, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cùng với các ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi phù hợp với điều kiện hiện nay.
Khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động vốn cho nền kinh tế
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm nay có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018, đây là số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua.
Các doanh nghiệp thành lập mới có tổng vốn đăng ký 669.000 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả 987.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm nay là 1.657.000 tỷ đồng.
Các lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước là doanh nghiệp ngành xây dựng; doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; doanh nghiệp ngành kinh doanh bất động sản; doanh nghiệp ngành dịch vụ việc làm, du lịch… Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…
EVN sẽ hoàn thành thoái vốn trong năm nay
![]() |
EVN sẽ hoàn thành thoái vốn trong năm nay. (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn đã thực hiện thoái, giảm vốn tại 2 trong 6 doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, thu về hơn 296 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách gần 63 tỷ đồng. Hiện EVN đang tích cực triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại và dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành thoái vốn trong năm 2019.
Trước đó, EVN đã hoàn thành việc chuyển Tổng công ty Phát điện 3 sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 1/10/2018. Ngay sau đó, cổ phần của Tổng công ty Phát điện 3 (mã chứng khoán PGV) đã được giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom.
Trong sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, EVN đã khẩn trương phê duyệt Đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc 9 Tổng công ty trực thuộc nhằm triển khai đồng bộ việc sắp xếp, cơ cấu lại toàn bộ các doanh nghiệp cấp II, cấp III trong tập đoàn. Đến nay, EVN đã cơ bản hoàn thành các nội dung sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của EVN.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Cháy rừng tại Kim Bảng (Hà Nam) không ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia
-
Tin tức kinh tế ngày 16/4: Đồng USD rơi xuống sát đáy 3 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 15/4: Thanh long soán ngôi “vua” trái cây
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng