Tin tức kinh tế ngày 20/10: Hàng ngàn trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm ở TP HCM
Hàng ngàn trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm ở TP HCM
![]() |
Hơn 11.000 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm ở TP HCM. (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo của UBND TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2019, TP tập trung kiểm tra có trọng điểm các nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ nấu ăn, các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể tại khu chế xuất - khu công nghiệp có giá vừa và thấp, nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm tập thể, hướng đến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho tầng lớp công nhân, nhân dân lao động cũng như các thực khách.
Cụ thể, TP thanh tra, kiểm tra 87.350 cơ sở, trường hợp; phát hiện vi phạm 11.056 cơ sở, trường hợp (tỉ lệ vi phạm 12,65%); phạt 2.697 cơ sở, trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 39 tỉ đồng.
11.702 mẫu thực phẩm được lấy để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Kết quả có 10.933 mẫu đạt (tỉ lệ 93,43%), 769 mẫu không đạt (tỉ lệ 6,57%). Các mẫu được lấy có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mẫu có nguy cơ không an toàn. Đối với các mẫu không đạt, đã tiến hành xử lý theo quy định.
Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam
![]() |
Nhiều thị trường xuất khẩu lớn vẫn tín nhiệm các sản phẩm thủy sản Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2019 xuất khẩu thủy sản đạt 731 triệu USD, giảm 10,1% so với tháng 8/2019 và giảm 5,3% so với tháng 9/2018. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản đạt 6,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mặc dù trị giá xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,08 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong tháng này xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm 2018, trừ xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan và Đài Loan tăng. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 9/2019 tăng 39,8% so với tháng 9/2018, đạt 113,1 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 831,8 triệu USD, tăng 14,2% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hợp tác dệt may với Việt Nam
![]() |
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hợp tác dệt may với Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Theo Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc (CNTAC), nước này sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dệt và may mặc với 5 quốc gia khu vực sông Mekong, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar.
CNTAC cho biết, kể từ khi thành lập cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt và may mặc giữa Trung Quốc và 5 quốc gia khu sông Mekong đã chứng kiến đà tăng trưởng ổn định với quy mô đầu tư ngày càng mở rộng. Trong năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt và may mặc giữa Trung Quốc với 5 quốc gia khu vực sông Mekong đạt 29,79 tỷ USD, chiếm 9,6% tổng giá xuất nhập khẩu các mặt hàng này của Bắc Kinh.
Tại hội nghị Hợp tác dệt và may mặc Lan Thương-Mekong được tổ chức tại thành phố Tô Châu, phía đông Trung Quốc, một cơ chế đối thoại của ngành dệt và may mặc đã chính thức được khởi động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên. Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy sự tương tác đầu tư và thương mại, cũng như cải thiện các cơ chế hợp tác nhằm đẩy mạnh hội nhập trong các chuỗi công nghiệp bao gồm quần áo, sợi và thiết bị dệt may.
Chi 2,8 tỷ USD nhập thức ăn chăn nuôi
![]() |
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 9 tháng 2019 là 2,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa) |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 9/2019 đạt 262 triệu USD, giảm 29,47% so với tháng trước đó và giảm 31,99% so với cùng kỳ tháng 9 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2019 Việt Nam đã chi hơn 2,8 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Argentina là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 120 triệu USD, giảm 29,31% so với tháng trước đó và giảm 18,75% so với cùng tháng năm ngoái, nâng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2019 lên hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 40,5% thị phần. Kế đến là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 9/2019 đạt hơn 33 triệu USD, và 9 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã nhập khẩu từ thị trường này Mỹ đạt 451 triệu USD, giảm 10,14% so với cùng kỳ năm 2018. Đứng thứ ba là Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu hơn 140 triệu USD, giảm 18,99% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện, sản lượng ngô và đậu tương trong nước chỉ đáp ứng được 50-55% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, do đó nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu lúa mỳ, các loại dầu mỡ động thực vật để pha trộn sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 9/5: Hơn 165.000 gian hàng thương mại điện tử đóng cửa
-
Tin tức kinh tế ngày 8/5: Dòng vốn tín dụng chảy vào nền kinh tế tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 7/5: Trung Quốc vượt Mỹ dẫn đầu về nhập thủy sản Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 6/5: Vốn FDI vào Việt Nam tăng gần 40%
-
Phân tích diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Thuyết âm mưu về chính sách của OPEC+?