Tin Thị trường: Mọi sự chú ý đổ dồn về cuộc họp chính sách của Fed

15:07 | 16/09/2024

1,402 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thị trường dầu tuần này kỳ vọng vào cuộc họp của Fed; Vị thế bán ròng hợp đồng dầu lần đầu tiên trong lịch sử...
Ảnh: PVoil
Ảnh: PVoil

Thị trường dầu kỳ vọng vào Fed

Tính đến đầu giờ chiều nay 16/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 68,95 USD/thùng - tăng 0,44%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 71,78 USD/thùng - tăng 0,24%.

Thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày bắt đầu từ 17/9. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí vay, giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao nhu cầu về dầu.

Giá dầu tuần trước tăng khi lo ngại sản lượng tại mỏ dầu ngoài khơi của Mỹ giảm do bão Francine.

Trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm nay, chỉ tăng 2,03 triệu thùng/ngày và nhu cầu toàn cầu năm 2025 tăng 1,74 triệu thùng/ngày thì Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm là đạt trung bình khoảng 103,1 triệu thùng/ngày, cao hơn dự báo đạt 102,9 triệu thùng/ngày trước đó.

Số liệu từ EIA cho thấy tồn kho xăng, dầu của Mỹ tăng lần lượt là 833.000 thùng và 2,3 triệu thùng trong khi tồn kho ghi nhận mức giảm mạnh trong tuần trước đó.

Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế quan trọng khác như dữ liệu sản xuất khu vực, dữ liệu thị trường nhà ở, số liệu bán lẻ, quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Nhật Bản cũng sẽ có tác động nhất định đến giá dầu.

Vị thế bán ròng hợp đồng dầu lần đầu tiên trong lịch sử

Dầu thô Brent hiện có giá 71,78USD/thùng, tăng nhẹ 0,24% trong ngày. Tuy nhiên, đằng sau sự gia tăng nhỏ này là một câu chuyện lớn hơn nhiều đang diễn ra trên thị trường dầu mỏ.

Theo nhà đầu tư năng lượng và nhà bình luận thị trường Eric Nuttall, nhu cầu tài chính đối với dầu, được gọi là "vị thế mua ròng", đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Về cơ bản, "vị thế mua ròng" đề cập đến sự khác biệt giữa số lượng nhà đầu tư đặt cược giá dầu sẽ tăng so với số lượng nhà đầu tư đặt cược giá dầu sẽ giảm. Khi vị thế mua ròng thấp, điều đó có nghĩa là người ta ít tin rằng giá sẽ tăng.

Điều đáng chú ý hơn nữa là, lần đầu tiên, thị trường kỳ hạn cho dầu thô Brent đang "bán ròng". Điều này có nghĩa là hiện nay số nhà đầu tư đặt cược rằng giá dầu sẽ giảm nhiều hơn những người kỳ vọng giá dầu sẽ tăng. Điều này rất quan trọng vì hiếm khi thấy sự bi quan như vậy trên thị trường, đặc biệt là khi tồn kho dầu thực tế toàn cầu đang giảm với tốc độ khoảng một triệu thùng mỗi ngày.

Thông thường, khi nguồn cung dầu thấp, giá có xu hướng tăng do khan hiếm. Tuy nhiên, tình hình hiện tại là bất thường khi số thùng dầu thực tế đang giảm, thị trường tài chính dường như đang đặt cược vào mức giá thấp hơn. Đối với những người muốn đi ngược lại đám đông, điều này có thể báo hiệu một cơ hội. Họ có thể tin rằng thị trường đang đánh giá thấp tiềm năng tăng giá trong tương lai do tình hình nguồn cung thắt chặt.

Sự căng thẳng giữa các khía cạnh tài chính và thực tế của thị trường dầu mỏ cho thấy sự biến động giá cả có thể sắp xảy ra.

Kpler dự đoán thặng dư dầu sẽ tiếp tục

Nhà phân tích Homayoun Falakshahi của Kpler cho rằng sản lượng dầu thô sẽ tiếp tục vượt xa nhu cầu vào năm 2025 bất chấp OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng.

Vị chuyên gia này lưu ý đến nhu cầu tăng trưởng chậm chạp ở Trung Quốc nhưng cũng có dấu hiệu nhu cầu tăng trưởng yếu ở Mỹ, ngay cả tình trạng gián đoạn sản xuất gần đây ở Libya cũng không thể bù đắp được, ít nhất là dựa trên hành vi của nhà giao dịch.

Falakshahi lưu ý rằng sự gia tăng gần đây trong tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất trung gian ở Mỹ là tín hiệu giảm giá đối với dầu, cho biết mùa hè là mùa nhu cầu nhiên liệu cao điểm và mức tăng gần đây đi ngược lại kỳ vọng.

Mặt khác, nhà phân tích Falakshahi cho biết giá dầu sẽ điều chỉnh do khả năng phục hồi của thị trường giao ngay. Sự phục hồi giá cũng sẽ là kết quả của việc các nhà giao dịch bắt kịp với những tác động của quyết định hoãn việc cắt giảm sản lượng của OPEC trong hai tháng. Tuy nhiên, động thái cuối cùng đó cũng có thể được coi là giảm giá, cho thấy nhu cầu không đủ mạnh để có thêm sản lượng của OPEC đưa vào thị trường.

Giá dầu tuần trước ghi nhận xu hướng tăng, được thúc đẩy bởi cơn bão Francine, với cả dầu thô Brent và WTI đều tăng khoảng 2%, sau khi các giàn khoan ngoài khơi ở Vịnh Mexico và các nhà máy lọc dầu dọc theo Bờ biển Vịnh đóng cửa để đối phó bão. Khu vực này chiếm khoảng 15% sản lượng dầu của Mỹ, với bất kỳ sự gián đoạn nào trong khai thác đều có khả năng thắt chặt nguồn cung trong thời gian tới.

"Cả hai chuẩn dầu, WTI và Brent, dường như đã tìm thấy sự hỗ trợ trong bối cảnh lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu của Mỹ", Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Phillip Nova, nói với Reuters.

Bình An