Tin Thị trường: Khí đốt Nga chiếm 17% tổng lượng nhập khẩu của Châu Âu
Khí đốt Nga chiếm 17% tổng lượng nhập khẩu của Châu Âu
Nhóm nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho hay, trong Quý II/2024, khí đốt của Nga chiếm khoảng 17% tổng lượng nhập khẩu của Châu Âu.
Theo các số liệu, nhóm khách hàng Châu Âu nhận được 12,27 tỷ m³ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong Quý II/2024. Trong khi đó, Nga đã giao 12,73 tỷ m³ khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU).
Ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế tại Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, diễn biến này là minh chứng cho thấy, các biện pháp trừng phạt Moscow của EU đang thất bại.
Người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế tại Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, ưu tiên hàng đầu của Nga là chuyển hướng thương mại từ Châu Âu sang các quốc gia ở phía Đông và Nam toàn cầu.
Kể từ nổ ra xung đột Nga - Ukraine, các nước Châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt Nga, trong đó có việc nhập khẩu LNG từ Mỹ. Tuy nhiên, giá LNG nhập khẩu từ nước ngoài đắt hơn rất nhiều so với khí đốt tự nhiên được cung cấp qua đường ống từ Nga theo các hợp đồng dài hạn.
Ngoài ra, LNG của Nga cũng được các nước Châu Âu lựa chọn vì mặt hàng này không bị trừng phạt. Điều này gây ra nghịch lý khi khu vực giảm mua khí đốt từ Nga qua đường ống nhưng lại tăng nhập khẩu LNG.
Giá dầu tiếp tục giảm khi lo ngại về nhu cầu tiếp diễn
Tính đến đầu giờ chiều nay 5/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 69,57 USD/thùng - tăng 0,53%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,08 USD/thùng - tăng 0,52%.
Giá dầu tiếp tục cho thấy xu hướng giảm khi các nhà giao dịch lo ngại về nhu cầu trong những tháng tới, trong bối cảnh các nhà khai thác dầu thô đưa ra những tín hiệu trái chiều về việc nguồn cung tăng.
Nguyên nhân nhu cầu dầu trên thế giới yếu một phần đến từ việc nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc suy yếu. Trong tháng 8, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng khi tốc độ tăng trưởng giá nhà chậm lại. Tương tự, dữ liệu của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ cũng không mấy tích cực.
Theo Viện Dầu khí Mỹ, trong tuần trước, tồn kho dầu của Mỹ đã giảm sốc 7,4 triệu thùng, gấp hơn 9 lần so với dự báo giảm 900.000 thùng của các nhà phân tích. Tồn kho xăng giảm ít hơn, là 300.000 thùng.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đang thảo luận về việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu từ tháng 10 trong bối cảnh sản lượng của Libya dự kiến sẽ sớm được khôi phục, có thể giúp nguồn cung từ Trung Đông ổn định trở lại và hỗ trợ giá dầu.
Ả Rập Xê-út giảm giá dầu sang Châu Á trong tháng 10
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy biên lợi nhuận lọc dầu ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc và khu vực Châu Á rộng hơn và giá chuẩn Dubai thấp hơn có thể khiến nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Ả Rập Xê-út giảm giá dầu thô tại thị trường Châu Á trong tháng 10.
Theo kết quả khảo sát, Saudi Aramco dự kiến sẽ giảm giá bán chính thức (OSP) cho tất cả các loại dầu thô tới Châu Á vào tháng 10. Ba trong số các nguồn tin dự đoán loại dầu thô hàng đầu Arab Light, sẽ có giá thấp hơn từ 0,50 đến 0,70 USD/thùng so với giá tháng 9. Việc cắt giảm 0,70 USD sẽ khiến các nhà máy lọc dầu châu Á phải trả cao hơn 2 USD/thùng so với mức trung bình của chuẩn Oman/Dubai.
Các nhà máy lọc dầu được thăm dò cho hay, giá dầu Arab Light dự kiến giảm và giá các loại dầu nặng hơn có thể theo sau giá dầu Dubai thấp hơn trong tháng 8.
Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu khác dự kiến giá dầu thô của Ả Rập Xê-út ở Châu Á không thay đổi hoặc ít thay đổi trong tháng 10 do giá Dubai tăng mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 8.
Ngoài xu hướng giá chuẩn Dubai, giá OSP của Ả Rập Xê-út trong tháng tới có thể bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận lọc dầu yếu ở Châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Nhìn chung, các nhà máy lọc dầu dự kiến giá dầu thô của Ả Rập Xê-út tại thị trường Châu Á sẽ có những thay đổi nhỏ, dự kiến sẽ thấp hơn so với giá tháng 9.
Bình An