Tin Thị trường: Căng thẳng leo thang tại Trung Đông tiếp tục tác động tới giá dầu

14:43 | 22/07/2024

308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lượng khí đốt từ Nga chảy vào EU vẫn tăng bất chấp nhu cầu tiêu thụ giảm; Căng thẳng tại Trung Đông đẩy giá dầu leo dốc;...
Tin Thị trường: Căng thẳng leo thang tại Trung Đông tiếp tục tác động tới giá dầu
Ảnh: Internet

Căng thẳng tại Trung Đông đẩy giá dầu leo dốc

Tính đến đầu giờ chiều nay 22/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 80,49 USD/thùng - tăng 0,45%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 82,93 USD/thùng - tăng 0,36%.

Tuần này, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, các dữ liệu kinh tế, và biến động tăng, giảm của đồng USD sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) về lãi suất vào ngày 30-31/7. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng tại cuộc họp Fed sẽ tuyên bố giữ nguyên lãi suất và những tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã từ bỏ nỗ lực tái tranh cử dưới áp lực từ các đảng viên Dân chủ, khi họ ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên của Đảng để đối đầu với ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump vào tháng 11 tới.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định giữ nguyên lãi suất như dự kiến và không đưa ra gợi ý nào về các động thái tiếp theo, với lý do áp lực giá trong khu vực vẫn ở mức cao và lạm phát sẽ cao hơn mức mục tiêu cho đến tận năm sau.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến ở mức 4,7% trong Quý II, đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu của nước này và tiếp tục gây sức ép lên giá cả.

Sau đó, Trung Quốc đã công bố một văn bản chính sách nêu rõ những kế hoạch từ phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến đến cải thiện môi trường kinh doanh, trong khi các nhà phân tích không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy sự thay đổi cơ cấu sắp xảy ra trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng ngày càng tăng hầu hết các mặt hàng chủ chốt, ngoại trừ dầu thô.

Khối lượng nhập khẩu LNG, than, đồng và quặng sắt của Trung Quốc đã tăng vọt trong nửa đầu năm so với mức cùng kỳ năm trước, bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn tiếp diễn và nền kinh tế trì trệ. Điều này khiến các nhà đầu cơ giá lên thất vọng vì mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng trong Quý II.

Theo nhà báo Clyde Russell của Reuters, những diễn biến kể trên phản ánh xu hướng tích trữ hàng hóa với giá rẻ hơn của Trung Quốc.

Trong nửa đầu năm 2024, nhập khẩu dầu thô, khí tự nhiên bao gồm LNG, than đá, quặng sắt và đồng của Trung Quốc dường như tỷ lệ nghịch với xu hướng giá của những mặt hàng này trên thị trường quốc tế.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm 2,9% xuống khoảng 11,05 triệu thùng mỗi ngày trong sáu tháng đầu năm. Nhu cầu dầu thô dường như không ổn định ở Trung Quốc trong bối cảnh tiêu thụ nhiên liệu và lợi nhuận lọc dầu thấp, điều này đã thúc đẩy nhiều nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc cắt giảm công suất xử lý dầu thô.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu thấp hơn cũng có thể xuất phát từ giá dầu ổn định và tăng dần.

Ngược lại, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc, bao gồm qua đường ống và LNG, đã tăng 14,3% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy, mặc dù khối lượng nhập khẩu cao hơn nhưng hóa đơn nhập khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm đã giảm 0,8% xuống còn 31,7 tỷ USD do giá LNG thấp hơn mức cùng kỳ vào đầu năm nay.

Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 khi nước này tìm cách dự trữ nhiên liệu cho các nhà máy điện trước mùa hè trong bối cảnh giá quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2024 chỉ bằng một nửa mức của năm ngoái. Theo ước tính, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã tăng 21% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 so với một năm trước đó.

Nhập khẩu than cũng tăng 12,5% trong nửa đầu năm nay so với một năm trước đó. Giá quốc tế tương đối thấp cũng góp phần khiến khối lượng nhập khẩu tăng cao, mặc dù sản lượng than trong nước thấp hơn vào đầu năm nay và cần tránh tình trạng thiếu điện vào mùa hè cao điểm có thể góp phần lớn vào mức nhập khẩu than cao hơn.

Theo nhà báo Russel, xu hướng nhập khẩu quặng sắt trong nửa đầu năm có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất về việc Trung Quốc tận dụng giá thấp để tăng lượng tồn kho trong khi nhu cầu trước mắt rõ ràng là yếu.

Lượng khí đốt từ Nga chảy vào EU vẫn tăng

Hãng thông tấn Cộng hòa Czech (CTK) mới đây dẫn báo cáo tháng 7 của Tổ chức các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cho biết, trong nửa đầu năm 2024 tổng cộng 80 tỷ m3 khí đốt tự nhiên đã được vận chuyển vào Liên minh châu Âu (EU) thông qua các hệ thống đường ống.

Hơn một nửa trong số khí đốt này là nhập khẩu từ Na Uy. Các nước xuất khẩu chủ yếu tiếp theo lần lượt là Algieria, Nga và Azerbaijan.

GECF không nêu số liệu cụ thể về từng nhà xuất khẩu, song cho biết so với cùng kì năm 2023, lượng khí đốt tự nhiên EU nhập từ Nga đã tăng tới 24%.

Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU vẫn có xu hướng giảm khi lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu vào khối trong tháng 6 giảm xuống còn 7,4 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu LNG vào EU giảm 19% so với cùng kì năm 2023, xuống còn 47,22 triệu tấn.

Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, các quốc gia thành viên EU đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, chủ yếu là khí đốt tự nhiên. Các thành viên EU vẫn đang cố gắng giảm mức tiêu thụ và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, chẳng hạn như LNG từ Mỹ hoặc khí đốt từ Azerbaijan.

Bình An