Tin nóng thế giới hôm nay - 31/12

20:56 | 31/12/2018

279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi thông điệp hòa giải tới Tổng thống Mỹ. Hàn Quốc hủy khoản viện trợ 8 triệu USD dành cho Triều Tiên. Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO để phản đối tâm lý chống Israel. 
tin nong the gioi hom nay 3112Tin nóng thế giới hôm nay - 30/12
tin nong the gioi hom nay 3112Thế giới đêm qua - 29/12
tin nong the gioi hom nay 3112
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore ngày 11/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi thông điệp hòa giải tới Tổng thống Mỹ

Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên ngày 31/12 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thông điệp hòa giải tới Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington đang rơi vào bế tắc. Thông điệp giống như bức thư đã được gửi tới người đứng đầu Nhà Trắng từ 28/12 thông qua một kênh chưa được xác nhận. Mặc dù không nêu chi tiết, nhưng nội dung được cho là liên quan đến các cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên. Hiện cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc đều chưa đưa ra bình luận nào liên quan đến thông điệp của ông Kim Jong-un gửi đến Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, ngày 30/12, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) cũng xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thư tới người đồng cấp Hàn Quốc, bày tỏ mong muốn tiến hành nhiều hơn các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trong năm 2019 nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

2. Hàn Quốc hủy khoản viện trợ 8 triệu USD dành cho Triều Tiên

Bộ Thống nhất Hàn Quốc sáng 31/12 thông báo khoản viện trợ nhân đạo trị giá 8 triệu USD của nước này dành cho Triều Tiên sẽ bị hủy bỏ do các lệnh trừng phạt quốc tế đang nhằm vào Bình Nhưỡng. Đây là năm thứ hai, Seoul hủy bỏ khoản viện trợ này. Trước đó, hồi tháng 9/2017, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định viện trợ cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế, tuy nhiên các công tác này sau đó đã bị đình chỉ do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Khoản viện trợ này cũng sẽ không được thực hiện trong năm mới 2019, bởi theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ có thể hoãn sử dụng các khoản quỹ nhà nước được chỉ định cho tài khóa sắp tới nếu khoản tiền này không được dùng tới vì những lý do bất khả kháng, song cũng sẽ không được để dồn sang năm tiếp theo.

3. Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO để phản đối tâm lý chống Israel

Quyết định của Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), được công bố hồi tháng 10 năm 2017, chính thức có hiệu lực vào ngày 31/12 theo điều lệ của tổ chức. Như vậy, Washington bảo lưu tư cách quan sát viên, nhưng sẽ không còn đóng góp và được bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới nữa. Năm 1984, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan quyết định rút khỏi tổ chức này, với cáo buộc UNESCO có lập trường phản đối Mỹ và lãng phí. Năm 2003, Mỹ quay trở lại UNESCO. Lý do cho việc rời bỏ tổ chức lần này là vì Mỹ phản đối tâm lý chống Israel tại đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: "Không dễ dàng để đưa ra quyết định này. Điều đó phản ánh khoản đóng góp ngày càng tăng của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong nội bộ tổ chức, và lập trường phản đối Israel vẫn được duy trì trong UNESCO".

4. Anh, Pháp đẩy mạnh kế hoạch phối hợp hành động trong vấn đề nhập cư

"Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn những nhóm buôn người đưa người bất hợp pháp từ Pháp sang Anh qua eo biển Anh". Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner với người đồng cấp Anh Sajid Javid ngày 30/12. Phóng viên TTXVN thường trú tại London cho biết trong cuộc hội đàm, hai bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tiến hành họp song phương về vấn đề này trong tháng 1/2019 để đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng người vượt biển trái phép bằng thuyển nhỏ từ Pháp vào Anh. Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ sau khi tiếp tục có một nhóm người vượt biển cập bến tại Kent (Anh) cùng ngày. Nhóm 6 người đàn ông trên thuyền tại khu vực bờ biển Kingsdown, cách cảng Dover chừng 6 dặm về phía Bắc, được phát hiện đến Anh đều là mang quốc tịch Iran, nâng tổng số người vượt eo biển đi từ Pháp sang Anh bằng thuyền nhỏ là 220 người kể từ tháng 11 đến nay.

5. Đụng độ làm 4 người chết trong cuộc bầu cử tổng thống ở CHDC Congo

Người phụ trách chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên phe đối lập ở CHDC Congo Felix Tshisekedi, ông Vital Kamerhe cho biết đã có 4 người thiệt mạng trong ngày 30/12, thời điểm người dân Congo bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu tổng thống mới của nước này, trong đó có một cảnh sát và một quan chức phụ trách bầu cử tại tỉnh Nam Kivu. Vụ việc diễn ra tại một điểm bỏ phiếu ở khu vực Walungu. Theo ông Kamerhe, đụng độ đã xảy ra sau khi quan chức trên bị cáo buộc có những hành vi gian lận trong bầu cử để ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Ramazini Shadary của Tổng thống Joseph Kabila. Một đám đông người dân đã tấn công lực lượng cảnh sát, làm một cảnh sát thiệt mạng. Ngay sau đó, họ tiếp tục tấn công và cướp đi sinh mạng của quan chức phụ trách bầu cử. Ngoài những người này, cuộc đụng độ cũng đã làm 2 dân thường thiệt mạng. Hiện chính quyền tỉnh Nam Kivu đã mở cuộc điều tra về vụ tấn công trên.

Lâm Anh (t/h)