Tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

06:25 | 01/07/2023

95 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP HCM đang triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM - có những chia sẻ xung quanh các chương trình tín dụng ưu đãi này.

PV: Ông đánh giá NHTM đã hỗ trợ doanh nghiệp ra sao sau đại dịch Covid-19?

Tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Ông Nguyễn Đức Lệnh

Ông Nguyễn Đức Lệnh: Sau đại dịch Covid-19, mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định và các yếu tố rủi ro tiềm ẩn khó lường, song thị trường tiền tệ nói chung, thị trường tiền tệ TP HCM nói riêng vẫn đạt được những kết quả quan trọng, phù hợp và phản ánh chính sách, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Đó là thị trường tiền tệ diễn biến tích cực. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong quý I/2023, việc NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), cùng với những hành động cụ thể từ các NHTM như giảm lãi suất huy động vốn, điều chỉnh lãi suất cho vay... đã và đang tạo hiệu ứng tốt đối với thị trường tiền tệ.

Đó là kết quả quan trọng, là cơ sở nền tảng để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định hoạt động ngân hàng trong quý II/2023 và thời gian tiếp theo.

NHTM hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất hợp lý để duy trì ổn định và phát triển. Hoạt động này luôn là mục tiêu của ngành ngân hàng, cùng song hành với doanh nghiệp để cả hai cùng “win - win”. Song, sự khác biệt trong những tháng đầu năm 2023, mang đậm dấu ấn về trách nhiệm, tinh thần chia sẻ từ các NHTM, là việc NHTM chủ động giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp với mức giảm từ 0,5-2%/năm, đồng thời đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

PV: Thời gian qua, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM đã tạo những thuận lợi như thế nào cho doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lệnh: Việc ký kết và thực hiện chương trình phối hợp giữa NHNN Chi nhánh TP HCM, Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM để thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp là hoạt động rất có ý nghĩa, cụ thể hóa trách nhiệm của các NHTM trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao và thiết thực để đạt được mục tiêu chung là tăng trưởng kinh tế.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM được xây dựng từ đầu năm 2023. Chương trình có 20 NHTM đăng ký gói hỗ trợ tín dụng, với quy mô 453.070 tỉ đồng để cho vay doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp gắn với việc tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp; cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất ưu đãi; cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Theo đó, việc thực hiện giải ngân gói tín dụng này, với các tiêu chí đặt ra của chương trình, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trên nhiều góc độ từ chi phí đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn và việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi. Đến nay, chương trình đã giải ngân 117.000 tỉ đồng cho 31.492 khách hàng, bằng 25,8% gói tín dụng các NHTM đăng ký trong năm 2023.

Ngoài ra, thông qua thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các hội nghị ký kết vay vốn trực tiếp được tổ chức tại các quận, huyện như Củ Chi, Tân Phú, Gò Vấp, quận 12, quận 4, TP Thủ Đức... theo các chuyên đề: Cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, là động lực tăng trưởng kinh tế; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hợp tác xã... Số vốn cho vay 17.000 tỉ đồng, với lãi suất ưu đãi và giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, đã góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2023 duy trì, phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh kinh tế TP HCM gặp nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu thụ và những tác động từ những yếu tố khác có liên quan.

Tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

PV: Ông đánh giá những chính sách giảm, giãn lãi suất của NHNN vừa ban hành gần đây đã tác động như thế nào đến doanh nghiệp và người dân?

Ông Nguyễn Đức Lệnh: Tháng 4-2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Hai thông tư quan trọng này có tác động trực tiếp đến thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp. Điều này được phản ánh trên 3 phương diện.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi ngắn hạn (không kỳ hạn và loại kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống), tác động trực tiếp đến lãi suất tiền gửi của các NHTM. Trên cơ sở lãi suất huy động vốn giảm, các NHTM có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đây là nguyên tắc trong quá trình khai thác và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng, cũng là nguyên tắc quản trị và kế toán tài chính về xác định chi phí vốn. Nhờ đó, chi phí sử dụng vốn, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ giảm.

Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp thông qua thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn). Đây là cơ chế rất hiệu quả trong trường hợp doanh nghiệp, nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng, do thiên tai, dịch bệnh... và những biến động khó lường từ yếu tố bên ngoài, khách quan cần thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp mạnh. Theo đó, cơ chế này sẽ trực tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay (do khó khăn về dòng tiền, do thu nhập và doanh thu sụt giảm, từ những khó khăn phát sinh về thị trường, về tiêu thụ và trong hoạt động sản xuất kinh doanh...). Việc được gia hạn nợ, giãn nợ... nhưng không chuyển nhóm nợ, vừa giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn vay thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển, mang ý nghĩa rất lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Cuối cùng, xét về góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về vốn tín dụng, gồm chi phí sử dụng vốn (lãi suất) và việc trả nợ vay, thời hạn nợ..., hai thông tư của NHNN có tác động trực tiếp và hỗ trợ toàn diện, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất hợp lý, giảm áp lực về chi phí, về việc trả nợ, từ đó có điều kiện phục hồi sản xuất và tạo lập dòng tiền, tạo động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh

PV: Theo ông, tăng trưởng tín dụng TP HCM gần đây có những tín hiệu tích cực nào?

Ông Nguyễn Đức Lệnh: Tín dụng ngân hàng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và chịu tác động điều chỉnh bởi nhiều yếu tố, từ cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh đến các yếu tố trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, các thị trường khác có liên quan. Chỉ số tăng trưởng tín dụng hằng tháng, từng năm cũng phản ánh và liên hệ trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, đến sự phát triển của doanh nghiệp và các thị trường, ngược lại, những diễn biến thực tế của nền kinh tế, thị trường, doanh nghiệp cũng phản ánh và tác động đến tăng trưởng tín dụng.

Với ý nghĩa đó, tín dụng trên địa bàn TP HCM quý I/2023 tăng 1,25%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước, song vẫn cao hơn nhiều so với các năm 2012, 2013 và 2014 (các năm nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu). Nếu phân tích chi tiết hoạt động tín dụng và tăng trưởng tín dụng trong từng tháng đầu năm 2023 trên địa bàn TP HCM thì thấy rõ, tháng 3-2023 là tháng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, tăng 1,37% so với tháng 2. Đây là mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân tháng trong những năm trước đây, một tín hiệu tích cực.

Trong những tháng đầu năm 2023, mang đậm dấu ấn về trách nhiệm, tinh thần chia sẻ, các NHTM trên địa bàn TP HCM đã chủ động giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp với mức giảm từ 0,5-2%/năm, đồng thời đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

PV: Hiện nay, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp đang triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lệnh: Trong năm 2023, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Các chương trình tín dụng dành cho doanh nghiệp hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phát triển trong năm 2023.

Ngoài các giải pháp đã nói ở trên, thành phố đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp (gói 20.000 tỉ đồng từ các công ty tài chính tiêu dùng đăng ký) nhằm góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Năm 2023, với dự báo còn nhiều khó khăn thách và tiềm ẩn các yếu tố khó đoán định từ tình hình thế giới, việc giữ ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của năm 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình này, ổn định thị trường tiền tệ sẽ là cơ sở nền tảng để thực hiện tốt các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM được xây dựng từ đầu năm 2023. Chương trình có 20 NHTM đăng ký gói hỗ trợ tín dụng, với quy mô 453.070 tỉ đồng để cho vay doanh nghiệp với lãi suất hợp lý.

PV: Thời gian tới TP HCM và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có những giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, khôi phục sản xuất?

Ông Nguyễn Đức Lệnh: Trong thời gian tới, TP HCM sẽ ưu tiên tập trung vào nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn duy trì ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách về tín dụng, lãi suất của NHNN để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất trần không quá 4,5%/năm đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ; tổ chức giải ngân các gói tín dụng ưu đãi như cam kết từ các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục, hồ sơ nhằm giảm bớt thời gian giao dịch cho khách hàng, để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với chi phí hợp lý nhất, giúp doanh nghiệp tăng trưởng.

Đồng thời, thành phố cụ thể hóa giải pháp cải cách hành chính nhằm tiết giảm chi phí cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng các hành động cụ thể. Trong đó, việc công khai minh bạch, thông tin đầy đủ, rõ ràng và trách nhiệm chia sẻ phải được thực hiện nghiêm túc từ chính mỗi tổ chức tín dụng như một cam kết và hành động cụ thể để tiếp tục củng cố niềm tin với khách hàng, củng cố mối quan hệ truyền thống ngân hàng - khách hàng để ngân hàng và doanh nghiệp cùng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần duy trì cơ chế phối hợp và tiếp tục phản ánh vướng mắc, khó khăn với NHNN Chi nhánh TP HCM để có biện pháp tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và cho chính tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông suốt, ổn định, từ đó có cơ hội tăng trưởng và phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

TP HCM sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất trần không quá 4,5%/năm đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” - Cần tìm lối ra từ chính sách tài khóaHỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” - Cần tìm lối ra từ chính sách tài khóa
Miễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp bị lỗ - Giải pháp cần thiếtMiễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp bị lỗ - Giải pháp cần thiết
Hỗ trợ doanh nghiệp Hỗ trợ doanh nghiệp "hấp thụ" vốn để chờ phục hồi

Phương Vy