Tín dụng kỳ vọng "bật tăng" vào cuối năm nhờ xuất nhập khẩu

13:00 | 09/09/2020

274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện mới đây cho thấy, có tới 49% các tổ chức tín dụng kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm và cả trong năm 2021.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối tháng 8/2020 các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước xuất khẩu đạt 26,1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 19,9 tỷ USD, giảm tương ứng 0,9% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên nông nghiệp cả nước vẫn xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD.

Với kết quả trên, Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu tình hình thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì dự báo ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm.

0924-unnamed-symk
Tín dụng kỳ vọng bật tăng vào cuối năm nhờ xuất nhập khẩu

Ở lĩnh vực dệt may, da giày, trong các tháng cuối năm do Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi nên kim ngạch xuất khẩu được dự tính sẽ "khởi sắc". Do thị trường EU chiếm tới 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép, với trị giá khoảng 6 tỷ USD mỗi năm nên dự báo kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV/2020 sẽ đạt mức 10% cho những tháng cuối năm 2020.

Đối với ngành dệt may, dự tính nhiều khả năng xuất khẩu dệt may cả nước vẫn đạt khoảng 33-34 tỷ USD trong năm nay, vì hiện tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), đến thời điểm này, nhiều hợp đồng mới đã được DN da giày thương thảo. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn như: Công ty CP Tập đoàn Gia Định, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và giày da An Thịnh… đã tiến hành thương thảo với một số đối tác về các đơn hàng, đặc biệt từ thị trường EU, dự kiến sẽ được ký vào những tháng cuối năm. Hiện nay, những doanh nghiệp này đang chuẩn bị cho các kế hoạch đẩy mạnh sản xuất trở lại.

Nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày là những nghành hàng đóng góp phần lớn vào tỷ trọng xuất nhập khẩu của nước ta. Do đó, nếu những ngành này từ nay đến cuối năm khởi sắc thì cơ hội cho kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh sẽ rất lớn.

Chính vì nắm bắt được tình hình, nên mới đây, kết quả khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, có tới 49% các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm và cả trong năm 2021 trên cơ sở dự báo về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, cơ hội, nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy nhu cầu tín dụng của các nhóm khách hàng.

Nhìn nhận mức độ rủi ro tín dụng trong 6 tháng cuối năm, các TCTD cho rằng mức độ rủi ro sẽ tăng ít hơn so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tính chung trong cả năm 2020, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tín dụng chủ yếu “tăng” lên so với năm 2019.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đối diện với các yếu tố khó lường khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và sẽ khó đạt được kết quả tích cực như các năm trước.

“Diễn biến tình hình thực tế cho thấy xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm nhập khẩu khó có thể sớm cải thiện. Dự báo cho năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến phòng, chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế trên thế giới”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.

M.L

Kinh tế Việt Nam không hề Kinh tế Việt Nam không hề "chông chênh"!
Thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm tăng mạnh lên 8,4 tỷ USDThặng dư thương mại 7 tháng đầu năm tăng mạnh lên 8,4 tỷ USD
Nửa đầu tháng 6 nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 65,6%Nửa đầu tháng 6 nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 65,6%

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps