Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2022:

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới

17:24 | 11/03/2022

69 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với thông điệp “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, ngày 11/3 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội phối hợp với tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Bình Dương đã tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2022 (ngày 15/3) và khai mạc “Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” năm 2022.
Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, do những tác động nghiêm trọng, phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19, năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, cũng như đối với các các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng.

Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị… công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2021 đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Trong đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được những kết quả tích cực như, bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương không ngừng được hoàn thiện; hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tại Bộ Công Thương đã được kết nối với trên 50% số tỉnh, thành phố để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng nghìn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước; hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp…

Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại Phiên họp tháng 10/2022.

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi lễ

Năm 2022, Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường. Đồng thời, kêu gọi các cấp, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, những năm qua, việc đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Riêng năm 2021, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được triển khai kịp thời, thường xuyên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sở Công Thương thành phố đã chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thực thi pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Thành phố đã vận động các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình khuyến mại tri ân người tiêu dùng (40.000 chương trình với giá trị khuyến mại trên 20.000 tỷ đồng); tổ chức Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” thu hút gần 100 doanh nghiệp tham gia, 30.000 lượt người tiêu dùng tới tham quan, mua sắm; tổ chức 24 sự kiện kích cầu, khuyến mại lên tới 100% để tri ân người tiêu dùng…

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Người tiêu dùng Thủ đô tham quan các gian hàng tại hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng”

Trong khuôn khổ Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 của thành phố, hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” cũng được diễn ra từ ngày 11 đến 15/3 với quy mô 120 gian hàng (tại quảng trường khu đô thị Royal City, Hà Nội). Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân (tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm) được tổ chức tập trung nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng.

Thông qua hội chợ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu về các sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, kết nối tiêu thụ, làm cho người tiêu dùng hiểu rõ, tin tưởng hơn vào các sản phẩm, từ đó tăng tiêu dùng - kích cầu nội địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Các doanh nghiệp tham gia Lễ ký cam kết “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” với Bộ Công Thương

Cũng tại lễ phát động, đại diện một số các doanh nghiệp đã thực hiện Lễ ký cam kết “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” với Bộ Công Thương nhằm thể hiện mong muốn cũng như khẳng định cam kết của mình trong việc thực thi các chính sách, hoạt động vì người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng; tăng cường hiệu quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng cũng như thực hiện có hiệu quả hoạt động tri ân, chăm sóc người tiêu dùng trong bối cảnh tình hình mới…

N.H

Bộ Công Thương: Cơ bản kiểm soát bán hàng đa cấpBộ Công Thương: Cơ bản kiểm soát bán hàng đa cấp
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tửBảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử
Không để lưu thông hàng hóa không bảo đảm chất lượngKhông để lưu thông hàng hóa không bảo đảm chất lượng