Tiền lương công chức chưa đáp ứng nhu cầu sống

13:07 | 11/02/2012

1,311 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là một trong những vấn đề nổi cộm nhất được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 20112020” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đã tổ chức ngày 10/2.

Với mục đích tiếp tục hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra, Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội nói chung và đông đảo các nhà Khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội và đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ Tài chính.

Nhiều bất cập

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo đã tập trung đánh giá đầy đủ và toàn diện thực trạng chính sách tiền lương đối với khu vực hành chính sự nghiệp hiện nay cũng như thực trạng đảm bảo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn vừa qua; chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới; đề xuất, gợi mở các quan điểm, các giải pháp để có thể thực hiện có hiệu quả việc đa dạng hóa nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết: Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Tiếp theo những lần cải cách tiền lương trong thập niên 1980 và 1990, trong 10 năm qua, hệ thống chính sách tiền lương của nước ta tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới.

“Tuy nhiên, thực tế thực hiện những năm gần đây cũng đã cho thấy hệ thống chính sách tiền lương hiện hành đã bộc lộ một số vấn đề đòi hỏi cần phải tiếp tục được xem xét để có các điều chỉnh thời gian tới, qua đó từng bước phát huy được vai trò của chính sách tiền lương trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, TS Vũ Như Thăng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự đều có chung nhận xét, mức lương hiện nay mới chỉ đáp ứng được 65-70% mức sống tối thiểu của cán bộ công chức. Trong khi đó, thu nhập ngoài lương của một bộ phận công chức lại rất cao, tùy thuộc vào vị trí, lĩnh vực quản lý, vùng, miền. Nếu so sánh mức lương tối thiểu năm 2002 là 210.000 đồng/tháng với hiện nay, tiền lương danh nghĩa tăng 295,2% nhưng chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng 147,2%. Như vậy, tiền lương thực tế sau 9 năm chỉ tăng 59,9%, không theo kịp với đà tăng giá, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm với mức tăng trên 200%.

Đa dạng hoá nguồn lực cải cách

Tiền lương công chức mới đáp ứng được 70% nhu cầu sống.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của công chức, tối thiểu là chiếm 90%. Ở Việt Nam hiện nay, khoản thu nhập từ lương chỉ chiếm từ 30-100% tùy thuộc vào vị trí công tác. Vì vậy, hệ thống tiền lương cần được thiết kế sao cho đủ để bản thân mỗi công chức và gia đình của họ có thể sống được bằng lương thậm chí có tích lũy. Nếu đạt được mục tiêu này thì công chức mới có thể tận tụy với công việc, góp phần hạn chế tham nhũng.

Còn TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tiền lương là vấn đề quan trọng, nếu có cơ chế tiền lương bất hợp lý sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả nền tài chính quốc gia, phải tái cấu trúc cả bên cung lẫn bên cầu.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Quan trọng là phải quyết tâm cải cách cơ bản chính sách tiền lương và chính sách có liên quan cho dù có thay đổi nhiều vấn đề, đụng chạm đến quyền lợi của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương. Đổi mới cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập khu vực công và khu vực hành chính. Đổi mới công cụ giám sát, điều tiết, quản lý thu nhập ngoài.

Kết thúc buổi Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức là công việc rộng lớn, phức tạp, tác động to lớn đến hiệu quả, hiệu suất lao động, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đây được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra.

Thanh Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc