Tiếc thương người luôn đi đầu trong công tác tìm kiếm cứu nạn

22:15 | 17/10/2020

155 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các anh yên tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các công nhân hiện đang mất liên lạc tại Thuỷ điện Rào Trăng 3. Các anh trở về, yên nghỉ bên đồng đội, gia đình, trong niềm tiếc thương của các đồng chí...

Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố - thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Cao Lục chia sẻ khi kết thúc cuộc điện thoại với người viết khi trời còn tờ mờ sáng.

“Tôi đã công tác tại Văn phòng Chính phủ gần 30 năm, trực tiếp phục vụ nhiều đồng chí lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó các sự cố, thảm họa lớn (như sự cố sập cầu dẫn cầu Cần Thơ; sự cố sập hầm dẫn thủy điện Đạ Dâng - Lâm Đồng; sự cố sập mỏ đá Thủy điện Bản Vẽ...), lần nào cũng rất xót xa, thương tiếc trước những đau thương, mất mát của cán bộ và người dân. Nhưng lần này, khi phải chứng kiến những đồng chí, đồng đội của mình hi sinh khi làm nhiệm vụ, thì thực sự đau đớn quá em à”, ông Lục nói khi giọng đã lạc đi vì xúc động.

Tiếc thương người luôn đi đầu trong công tác tìm kiếm cứu nạn - 1
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng sau khi cứu các công nhân ra khỏi hầm Thủy điện Đạ Dâng, tháng 12/2014.

Quyết đoán, sáng tạo trong vụ cứu công nhân sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng

Đồng chí Nguyễn Cao Lục kể: “Tôi gặp Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng lần đầu tiên khi đồng chí chỉ huy lực lượng công binh giải cứu 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng. Thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng là Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh. Tôi tháp tùng đồng chí Hoàng Trung Hải (khi đó là Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn) vào hiện trường chỉ đạo xử lý vụ việc.

Tôi còn nhớ, chiều ngày 18/12/2014, sự cố xảy ra đã bước sang ngày thứ 3, tôi cùng đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ có mặt ở hiện trường (đi tiền trạm). Tại thời điểm đó, việc triển khai các phương án đào hầm, tiếp cận vị trí nhóm công nhân mắc kẹt gặp rất nhiều khó khăn, thời gian không còn nhiều. Khi đến nơi, tôi được các anh ở tỉnh Lâm Đồng và anh em công binh dẫn vào thực địa (ngay vị trí đất sập, lấp kín đường hầm), lúc đó rất đông bộ đội và lực lượng của Tập đoàn Than – Khoáng sản đang tập trung phía trong để mở các hầm phụ để cứu nạn những người mắc kẹt bên trong. Anh Hùng đang chỉ huy các chiến sĩ công binh, tính toán gì đó bên vách trái của Hầm”.

Khi Phó Thủ tướng đến hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và đồng chí Hùng dẫn vào tận điểm sạt lở trong hầm, vừa đi đồng chí Hùng vừa báo cáo nhanh và cho biết phía công binh đã nghiên cứu phương án đào thêm một nhánh hầm bên trái, đồng thời với nhánh hầm bên phải do lực lượng của Tập đoàn Than – Khoáng sản triển khai để làm thế nào tiếp cận nhanh nhất nơi 12 công nhân mắc kẹt...

Tại cuộc họp các đơn vị cứu nạn ngay sau đó trong nhà bạt dã chiến cạnh cửa hầm thủy điện. Tôi còn nhớ, đồng chí Hùng ngồi hàng ghế phía sau, nổi bật với dáng người cao lớn và đôi mắt sáng, rất cương nghị.

Sau khi các lực lượng báo cáo tình hình, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng xin có ý kiến. Bằng chất giọng quyết đoán và cương nghị, anh đề xuất giao quân đội làm tổng chỉ huy lực lượng tìm kiếm, giao công binh chủ trì đào nhánh hầm bên trái để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tăng khả năng tiếp cận nhóm công nhân còn mắc kẹt, cứu người nhanh nhất có thể.

Lúc đó, phương án giải cứu duy nhất là đào đường hầm đi vòng qua điểm sạt lở. Phương án này được nhiều người đồng tình vì an toàn hơn cho lực lượng tìm kiếm do đào vào nền đất cứng, tránh được rủi ro sập hầm. Tuy nhiên để tiếp cận được các nạn nhân, cần ít nhất 3 ngày, như vậy quá lâu, ảnh hưởng tính mạng người bị nạn.

Anh Hùng đề nghị giải pháp đào đường hầm theo nhánh bên trái, xuyên thẳng qua khối đất đá sạt lở. Theo đó, lực lượng công binh sẽ huy động các chiến sĩ tinh nhuệ nhất, đào liên tục ngày đêm theo phương pháp “đào hầm trong cát”, giúp tạo một lối thông qua khối bùn đất nhão, có căn cứ khoa học về độ an toàn. Với cách đào này, chắc chắn sẽ nhanh tiếp cận các nạn nhân hơn đào theo đường vòng.

Đại tá Hùng khẳng định, có rủi ro, nhưng sẽ tăng cơ hội giải cứu các nạn nhân, nếu được tin tưởng, công binh sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ.

“Thú thật, lúc đó nhiều người chưa đồng tình với phương án này. Bản thân tôi cũng chưa hiểu về chuyên môn và rất lo ngại nếu tình huống rủi ro xảy ra với lực lượng tìm kiếm” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ và cho biết: Trước tính mạng của 12 công nhân đang mắc kẹt trong hầm, bị thuyết phục bởi sự quyết đoán, lãnh đạo Chính phủ đã giao Đại tá Nguyễn Hữu Hùng làm chỉ huy trực tiếp các lực lượng cứu nạn tại hiện trường. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì, chỉ đạo các mặt công tác cứu nạn, cứu hộ.

Ngay lập tức, hơn 100 chiến sĩ công binh tinh nhuệ được đưa vào hiện trường để đào một hầm cứu nạn thẳng đến vị trí các nạn nhân, và như chúng ta đã biết, họ đã thành công. 12 công nhân lần lượt được đưa ra ngoài trong tiếng vỗ tay của các lực lượng tìm kiếm. Mọi người nhớ mãi ánh mắt, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cương nghị của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng hôm đó.

Sau này, một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất được rút ra, đó là việc các lực lượng vũ trang, luôn được tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy tuyến đầu khi ứng phó với các sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Họ luôn là người lính tiên phong trên mặt trận này - đồng chí Nguyễn cao Lục nhấn mạnh.

Tiếc thương người luôn đi đầu trong công tác tìm kiếm cứu nạn - 2
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra sạt lở tại Hòa Bình.

Người luôn có mặt trong các cuộc cứu nạn

Theo đồng chí Nguyễn Cao Lục, “không lâu sau đó, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng được điều động về Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, kiêm nhiệm Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Từ đó đến nay, chúng tôi có điều kiện làm việc thường xuyên hơn”.

Những năm qua, đồng chí Hùng luôn là người có mặt trong tất cả các cuộc cứu hộ, cứu nạn. Theo phân công của Văn phòng Ủy ban Quốc gia, có lúc đồng chí Cục trưởng – Chánh Văn phòng, có lúc đồng chí Cục phó khác đi, nhưng gần như tất cả các “điểm nóng” thiên tai hay sự cố, đồng chí Hùng luôn là người có mặt để chỉ huy các lực lượng tìm kiếm.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục kể: Cùng làm việc với anh Hùng, tôi càng cảm nhận anh là người xông xáo, trách nhiệm, quyết đoán.

Khi có bất cứ sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nào, người đầu tiên tôi liên lạc để nắm thông tin ban đầu báo cáo các đồng chí lãnh đạo Chính phủ thường là đồng chí Hùng.

Được biết chiều 12/10, anh Hùng đang trên đường tiếp cận hiện trường cùng đoàn công tác do Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân khu 4 Nguyễn Văn Man chỉ huy. Sáng sớm hôm sau, khi có thông tin về vụ sạt lở, tôi gọi cho đồng chí. Điện thoại không liên lạc được, tôi gọi thêm 2 lần nữa nhưng vẫn không liên lạc được. Lúc đó tôi nghĩ có thể đồng chí cùng đoàn đi vào vùng không có sóng điện thoại.

Tiếc thương người luôn đi đầu trong công tác tìm kiếm cứu nạn - 3
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại Quảng Ninh.

Khoảng 6h sáng, đồng chí Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn liên tục gọi điện cho tôi. Phó Thủ tướng rất sốt ruột vì không liên lạc được với đồng chí Man, đồng chí Hùng, trong khi thông tin báo cáo cũng chưa rõ ràng.

Đến khoảng 7h sáng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khi đó đang có mặt tại Nha Trang để dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu tôi cùng cán bộ Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quốc gia và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai khẩn trương có mặt tại hiện trường. Phó Thủ tướng cũng sẽ có mặt ở hiện trường sớm nhất có thể.

Lúc đó, các cơ quan tham mưu báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đinh Dũng nên chờ chuyến bay ra Huế, nhưng Phó Thủ tướng rất sốt ruột, linh cảm có chuyện chẳng lành nên cương quyết yêu cầu đi đường bộ, dù khoảng cách là khoảng 620km (có thể mất 10 tiếng đồng hồ). Tuy nhiên, trên đường di chuyển, do nước lũ tiếp tục dâng, Quốc lộ 1 có nhiều đoạn ngập lụt, chia cắt nên đoàn của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phải quay lại, bay vào TP. Hồ Chí Minh để đón chuyến bay sớm nhất ra Huế.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho biết, nhận lệnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tôi cùng một số đồng chí của Văn phòng Chính phủ lập tức bay vào Huế. Đến sân bay, tôi yêu cầu một nhóm ở lại chờ đón Phó Thủ tướng. Tôi cùng một cán bộ chuyên về công tác phòng chống thiên tai đi trước lên hiện trường. Lúc đó, dù đã giữa trưa, nhưng chúng tôi không ai thấy đói, chỉ mong sao có mặt sớm nhất ở Sở Chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) để nắm bắt thông tin, từ đó sẵn sàng mọi phương án huy động lực lượng, phương tiện với tâm nguyện tìm thấy các đồng chí trong thời gian sớm nhất.

Ngay tại thời điểm đó, dù rất lo lắng, nhưng thực lòng tôi mong sao anh Man, anh Hùng và các đồng chí trong đoàn chỉ bị mất liên lạc tạm thời và các lực lượng sẽ sớm tìm thấy các anh.

Tiếc thương người luôn đi đầu trong công tác tìm kiếm cứu nạn - 4
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại Bình Định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào kiểm tra thực địa và họp chỉ đạo rất quyết liệt (như bạn đọc đã biết). Cuộc họp diễn ra rất gọn, để dành thời gian tối đa cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu triển khai ngay lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn bị mất liên lạc với tinh thần quyết liệt nhất, tiếp cận nhanh nhất, ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhất.

Hàng trăm phương tiện, hàng ngàn cán bộ đã được huy động với quyết tâm cao nhất để đưa các anh trở về... Nhưng thật tiếc, đó sẽ là chuyến trở về cuối cùng, chuyến cứu nạn cuối cùng của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban... người luôn có mặt nơi tuyến đầu, người luôn sẵn sàng đi đến nơi hiểm nguy nhất để đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân.

“Anh Hùng là như thế, hết mình vì công việc, hết sức trách nhiệm với nhiệm vụ, với nhân dân” - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục bùi ngùi.

Anh Man, anh Hùng và các anh hãy yên tâm

“Lúc này, tôi cũng như mọi người dân Việt Nam vô cùng tiếc thương 13 đồng chí đã hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ cao cả là tìm kiếm, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Họ là những tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập và noi gương” – Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục bày tỏ và cho biết: “Chiều nay, tôi sẽ cùng đoàn của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào Huế để chuẩn bị chu đáo nhất cho Lễ tang các đồng chí, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các lực lượng đẩy nhanh công tác tìm kiếm các công nhân Thuỷ điện Rào Trăng 3 còn mất tích. Đây là yêu cầu của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, đó cũng là tâm nguyện của chúng tôi.

Các anh yên tâm! Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà các anh đã hi sinh cả tính mạng của mình nhưng còn dang dở.

Các anh trở về, yên nghỉ bên đồng đội, gia đình, trong niềm tiếc thương của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, quân đội và của mọi người dân Việt Nam!”.

Theo Chi Hân

Chinhphu.vn

(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Cao Lục – Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn).

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc