Thủy điện nhỏ: Nên dẹp bỏ dự án không hiệu quả
Ông Trần Viết Ngãi.
PV: Lâu nay, tiêu chí để phê duyệt, triển khai một dự án thủy điện nhỏ là gì, thưa ông?
Ông Trần Viết Ngãi: Bộ Công Thương làm nhiệm vụ quy hoạch tổng thể thủy điện vừa và nhỏ, riêng với các dự án thủy điện có công suất nhỏ vài MW thì các địa phương có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch.
Để được phê duyệt dự án phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ tác động đến môi trường… Nhưng lâu nay, tâm lý lãnh đạo các địa phương muốn tăng tỷ trọng của công nghiệp của tỉnh lên nên rất dễ dãi trong việc phê duyệt cũng như đưa vào quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ.
PV: Đánh giá của ông về chất lượng và hiệu quả các công trình thủy điện nhỏ hiện nay trong hệ thống điện quốc gia?
Ông Trần Viết Ngãi: Chất lượng các công trình thủy điện nhỏ hiện nay rất đáng báo động. Nhiều công trình yếu, kém về chất lượng. Đó là hệ quả tất yếu vì cả người làm công tác quản lý lẫn chủ đầu tư dự án đều “A ma tơ”. Nhiều dự án chỉ có công suất vài MW và đưa vào vận hành được vài tháng đã phải đại tu, sửa chữa vì lỗi thiết bị. Thực tế là các địa phương có tiềm năng về thủy điện thì đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm thủy điện lớn, vừa hết cả rồi (trên 30MW). Các dự án thủy điện vừa và nhỏ hiệu quả là các dự án nằm bậc thang dưới các dự án lớn của Nhà nước đã triển khai. Hiện giờ, các dự án thủy điện nhỏ thường làm ở những vùng rừng núi sâu, hiểm trở. Để xây dựng thủy điện phải làm đường vào, do vậy kéo theo nạn phá rừng, khai thác vàng, khoáng sản, làm hư hỏng đường sá. Về sản lượng điện phát và bán được cũng không đáng kể, do đơn vị mua buôn duy nhất là EVN, mùa mưa các nhà máy vốn dĩ thừa điện, mùa khô EVN thiếu điện thì các thủy điện nhỏ cũng không tích đủ nước để phát.
PV: Như vậy, số phận của thủy điện nhỏ sẽ đi về đâu, thưa ông?
Ông Trần Viết Ngãi: Quan điểm của tôi là thủy điện nhỏ - những dự án nào có hiệu quả, thu hồi vốn nhanh, sinh lợi tốt… thì cho triển khai. Còn công suất nhỏ quá và nằm ở vùng sâu, vùng xa… không phải là bậc thang của những dự án thủy điện lớn thì tốt nhất nên dẹp bỏ.
Và thực tế là thời gian qua, Nhà nước, Bộ Công Thương cũng đã loại bỏ một loạt dự án thủy điện nhỏ. Thời gian tới sẽ tiếp tục siết chặt và không khuyến khích thủy điện nhỏ xây dựng ở những nơi quá hiểm trở, vùng núi sâu. Lẽ tất nhiên, nếu cách đây độ vài năm, phong trào làm thủy điện nhỏ được nhiều đơn vị tư nhân xem là mảnh đất màu mỡ dù không phải là dân chuyên nghiệp thì thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã tháo chạy khỏi lĩnh vực này. Bởi rõ ràng, làm thủy điện, chỉ có tiền thôi chưa đủ, cần có kiến thức, chuyên môn và am hiểu về lĩnh vực này. Và nhất là những dự án thủy điện phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, an sinh…
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thọ
-
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện
-
EVNGENCO1: Chủ động ứng phó thiên tai, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định
-
Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Vượt tiến độ trong quý 3 năm 2024
-
"Có một sự cố mất điện làm tôi nhớ suốt đời"
-
2 đơn vị trong EVN nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024