Thượng đỉnh EU tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng

21:17 | 24/03/2022

521 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 24/3 đưa tin, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong 2 ngày, từ 24-25/3 tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU dự kiến ​​sẽ nhất trí cùng nhau mua chung khí đốt, tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga và xây dựng vùng đệm trước các cú sốc về nguồn cung, nhưng vẫn chia rẽ về việc cấm vận dầu và khí đốt của Nga. Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu, cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của EU, 27% lượng dầu nhập khẩu và 46% lượng than nhập khẩu.
Thượng đỉnh EU tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng
Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels ngày 24-25/3/2022. Ảnh: Brussels.be

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy giá năng lượng tiếp tục tăng cao. EU nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước khác và nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo. Hôm thứ Tư (23/3), Ủy ban châu Âu cho biết sẵn sàng dẫn dắt các cuộc đàm phán về tổng hợp nhu cầu chung của khối và tìm kiếm khí đốt trước mùa đông năm sau, theo một mô hình tương tự như cách EU đã mua vắc xin COVID-19.

Theo Reuters, trong dự thảo tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU sẽ đồng ý "làm việc cùng nhau để mua chung khí đốt, LNG và hydro" trước mùa đông tới, và phối hợp các biện pháp để lấp đầy kho chứa khí đốt. Hôm thứ Sáu (25/3), các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về kế hoạch này, cũng như một dự luật được đề xuất để các quốc gia lấp đầy kho khí đốt trước mùa đông.

Thỏa thuận mua LNG của Mỹ

Brussels đang hướng tới việc đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU, để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng bổ sung của Mỹ cho hai mùa đông tới.

Thượng đỉnh EU tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng
Cảng LNG Gate Terminal tại Hà Lan, cửa ngõ quan trọng của LNG nhập khẩu vào châu Âu. Ảnh: Gate Terminal.

Các nhà xuất khẩu Mỹ đã vận chuyển khối lượng LNG kỷ lục đến châu Âu trong 3 tháng liên tiếp, do giá đã tăng lên hơn 10 lần so với một năm trước. Châu Âu đang cạnh tranh trên các thị trường toàn cầu về nguồn cung LNG thắt chặt và các nhà phân tích đã cảnh báo nhu cầu tăng vọt có thể làm tăng giá hơn nữa và khiến các quốc gia nghèo hơn phải vật lộn để có đủ khả năng mua.

Các nhà lãnh đạo EU cũng có thể thảo luận về yêu cầu của Nga rằng các nước phải trả bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga, một động thái mà một số nhà ngoại giao EU cho rằng có thể làm suy yếu các lệnh cấm vận hiện có của EU.

EU vẫn chia rẽ trong vấn đề cấm vận dầu mỏ của Nga

Các nước EU vẫn đang chia rẽ về việc có nên cấm vận trực tiếp dầu khí của Nga hay không, một động thái đã được Mỹ thực hiện. Một lệnh cấm vận của EU sẽ cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên. Ba Lan và Latvia là những quốc gia muốn thúc đẩy lệnh cấm vận. Đức, quốc gia nhận 18% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga, và Hungary nằm trong số những nước phản đối, với lý do thiệt hại kinh tế mà lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ gây ra.

EU tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng và thỏa thuận LNG với Mỹ
Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu. Ảnh: Reuters/Sergei Karpukhin.

Giá năng lượng tăng vọt đã đi vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh EU. Tây Ban Nha, Bỉ, Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đề xuất đưa ra giới hạn giá và các biện pháp để giảm giá điện và khí đốt, kiềm chế hóa đơn đang tăng của người tiêu dùng. Một số quốc gia khác lo ngại rằng việc giới hạn giá bán buôn sẽ làm suy yếu nỗ lực chuyển sang năng lượng xanh. Một số nhà ngoại giao cho biết bất cứ quyết định nào của EU về vấn đề này có thể sẽ bị trì hoãn cho đến khi có báo cáo trong tháng 3 từ các cơ quan quản lý năng lượng về khả năng cải cách thị trường điện của EU.

Các nước EU chịu trách nhiệm phần lớn về các chính sách năng lượng của nước mình. Các chính phủ đã rót hàng tỷ USD vào việc cắt giảm thuế và trợ cấp quốc gia để hạn chế các hóa đơn năng lượng tăng vọt trong những tháng gần đây./.

Thanh Bình