Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững

11:31 | 29/07/2024

384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sản xuất kinh doanh theo hướng xanh hóa đòi hỏi chung tay của xã hội. Việc nhận diện các thách thức, xu hướng mới, khuyến khích áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi hành vi tiêu dùng vì môi trường sẽ góp phần phát triển bền vững.
Các diễn giả chia sẻ trong một phiên thảo luận tại sự kiện.
Các diễn giả chia sẻ trong một phiên thảo luận tại sự kiện.

Đây là thông tin được đưa ra tại Chương trình “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững 2024” diễn ra ngày 27 - 28/7/2024, tại Hà Nội. Sự kiện do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức với chủ đề “Tiêu dùng bền vững: Cơ hội - Thách thức để doanh nghiệp phát triển”.

Thách thức tiêu dùng bền vững

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Có thể nói, thời gian qua Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải bài toán hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Muốn vậy, phải có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và lộ trình thực hiện từ Chính phủ, cũng như cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Lê Triệu Dũng chia sẻ, Chương trình được tổ chức trong 2 năm liên tiếp gần đây diễn ra trong giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh phát triển bền vững tất các ngành nghề, lĩnh vực. Mục tiêu nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Để thực hiện, việc khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Vì vậy, cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, sản xuất bền vững cần chú trọng nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững và đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng đạt được các kết quả bền vững.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, sản xuất, tiêu dùng bền vững có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.

Chương trình là cơ hội để nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, mức độ nhận biết của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường, ít gây ô nhiễm.

Đây cũng là cầu nối để ghi nhận đầy đủ thông tin, tham khảo ý kiến phân tích, đánh giá đa chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng dùng bền vững tại Việt Nam.

Thay đổi tư duy để thực hiện

Các diễn giả tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh cho rằng, có thể thấy sau khi Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chúng ta đã và đang có những hành động thiết thực hướng đến một nền sản xuất bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất hàng hóa phải tập trung đầu tư nhiều hơn cho các dây chuyền sản xuất công nghệ cao, không hao tốn nguồn năng lượng hóa thạch, ưu tiên sử nguồn liệu thân thiện với môi trường...

Rõ ràng, muốn hay không muốn các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy đưa yếu tố Xanh vào trong sản xuất để bắt kịp xu hướng toàn cầu hiện nay, đặc biệt là với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Nhưng thực tế cho thấy, thay đổi tư duy chỉ là điều kiện cần, quan trọng là có tiền để đầu tư vào dây chuyền sản xuất làm ra các sản phẩm Xanh... có rất nhiều khó khăn với doanh nghiệp.

Do đó, theo ông Mạc Quốc Anh, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ đụng đến thay đổi tư duy mà còn đụng đến việc đầu tư vốn và vượt qua nhiều thách thức.

Về phía doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ sản xuất Xanh; Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; Phát triển sản phẩm và dịch vụ Xanh; Chứng nhận và Tiêu chuẩn bền vững; Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững;...

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng xanh, có thể xem xét hỗ trợ Tài chính và Chính sách; tạo điều kiện hợp tác và đối tác; Đào tạo và Tư vấn; Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D); Xây dựng Cơ chế thực thi và giám sát; Tăng cường thị trường và tiêu thụ;...

“Những chính sách và hỗ trợ này có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và cung cấp động lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, từ đó góp phần vào việc đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị