Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Cần phải gia cố Quỹ bình ổn xăng dầu
Phát biểu trước Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại phiên họp đánh giá tình hình điều hành giá 9 tháng năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mới đây, Bộ Công Thương đã thu hồi Quyết định công nhận thương nhân trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 4 đơn vị do không tuân thủ các quy định hiện hành. Hiện nay cả nước có 26 thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 3 thương nhân chuyên kinh doanh nhiên liệu hàng không).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Báo cáo về công tác điều hành giá 9 tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ đã giúp giá xăng E5 RON92 hiện nay chỉ tăng 10,9% so với thời điểm cuối tháng 12/2017 và xăng RON95 chỉ tăng 6,2% so với thời điểm bắt đầu công bố giá cơ sở xăng RON95 vào ngày 23/4/2018, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới (giá Platts Singapore) tăng rất cao (bình quân tháng 9/2018 tăng từ 28,98 - 39,68% so với tháng 9/2017; bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng từ 26,17 - 38,1% so với 9 tháng đầu năm 2017).
“Việc sử dụng Quỹ bình ổn không chỉ giúp kiểm soát CPI mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, ông Hải nói và thông báo: Từ đầu năm đến nay (tính đến hết ngày 25/9/2018), mặt hàng xăng dầu có 18 đợt điều hành, cụ thể: Có 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá (với mức tăng tổng cộng khoảng 2.649 đồng/lít) và 10 lần giữ ổn định giá (để ổn định giá cho 10 lần này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tổng cộng khoảng 18.466 đồng/lít). Tính đến 31/8/2018, đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khoảng 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay còn khoảng 3.100 tỷ đồng.
Về điều hành giá xăng từ nay tới hết năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải lưu ý giá xăng dầu thành phẩm thế giới đang tăng theo quy luật được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Hiện còn gần 5 tháng nữa tới Tết Nguyên đán, cần phải “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” quỹ phù hợp với thực tiễn để bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm không tăng giá đột biến vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mức thuế này sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng, có hiệu lực từ 1/1/2019. Thời điểm này rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu lên cao, tác động tới việc kiểm soát CPI của năm 2019 và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Ông Hải kiến nghị, cần cân nhắc về thời điểm thực hiện việc triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với chỉ tiêu CPI năm 2019 là 4%, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng dự báo với khả năng tăng giá hàng hóa (điện, xăng dầu…) ngay từ đầu năm 2019 và diễn biến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang… thì chỉ tiêu này cần phải cân nhắc khi đề xuất, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính khả thi.
Trong khi đó, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, thuế môi trường dành cho xăng E5 tăng tới kịch trần nhưng chỉ ở mức 3.850 đồng/lít (không ở mức 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/lít như các loại xăng khác). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang thực hiện hướng dẫn việc hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5 RON92 (dự kiến khoảng 700 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ loại xăng sinh học này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá của xăng sinh học E5 RON92 (đang chiếm 40 - 41% thị phần tiêu thụ trong nước) thấp hơn so với A95. Do vậy, Bộ Công Thương tiếp tục truyền thông tốt về chất lượng xăng E5, giá cả hợp lý sẽ tăng cơ cấu tiêu thụ của loại xăng này, góp phần giảm mặt bằng giá xăng trong thời gian tới, góp phần giảm tác động tới CPI.
Tùng Dương