Lạm phát leo dốc: Lên kịch bản ứng phó giá xăng dầu tăng cao

14:52 | 06/07/2018

466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
lam phat leo doc len kich ban ung pho gia xang dau tang cao
Chính phủ đã thể hiện quyết tâm trong việc kiểm soát CPI bình quân dưới mức 4%.

Trao đổi về tình hình giá cả những tháng cuối năm 2018, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho rằng, tình hình lạm phát trong những tháng còn lại của năm dự báo sẽ chịu tác động từ cả yếu tố làm tăng và làm giảm áp lực lên mặt bằng giá

Theo ông Tuấn, áp lực tăng giá chủ yếu đến từ các nhân tố thị trường như biến động tăng của giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới như giá xăng dầu, LPG; biến động tăng của giá lương thực, thực phẩm trong nước; rủi ro từ thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp làm tăng giá cục bộ các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá.

Ngoài ra còn chịu áp lực từ việc nâng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá trong nước...

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra trong thực tế, vẫn có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Cụ thể, trong một vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thực phẩm tươi sống dự báo ổn định và thường giảm vào mùa hè, giá thuốc chữa bệnh phấn đấu tiếp tục giảm theo kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giảm từ ngày 15/7/2018 dự kiến tác động làm giảm CPI khoảng 0,35%; giá cước kết nối thoại giữa các mạng di động giảm 20%, lạm phát cơ bản ở mức thấp...

"Chính phủ đã thể hiện quyết tâm trong việc kiểm soát CPI bình quân dưới mức 4% như Quốc hội đã giao để bảo đảm cân đối kinh tế và hỗ trợ cho tăng trưởng, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng", ông Tuấn nói.

Về những giải pháp gì để tham mưu với Chính phủ trong việc điều hành giá, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp, nhất là đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn...

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; hàng hoá được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công…

"Đặc biệt, trong việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm", ông Tuấn nói.

Đối với một số mặt hàng nông sản đang tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm đưa ra các dự báo, tính toán kịch bản điều hành giá cho từng giai đoạn để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường phù hợp.

Ngoài ra, Bộ này cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, tăng cường công tác công tác thông tin, tuyên truyền...

Theo Dân trí

Thủ tướng: Không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế để kìm lạm phát
Chuyên gia cảnh báo nền tảng tăng trưởng chưa ổn định
Kiểm soát tăng giá tiêu dùng dưới 4%
Rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát cuối năm 2018 là gì?