Thời cơ “vàng” cho bán lẻ

13:01 | 08/10/2019

354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường bán lẻ Việt Nam lâu nay vẫn bị coi là yếu kém, nhiều bất cập. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được xem là thời cơ “vàng” để các nhà bán lẻ Việt có thể vươn lên nắm lấy thị trường nội địa.

Nhiều bất cập

Ở Việt Nam, ngành bán lẻ nội địa đóng góp khoảng 15% GDP, giải quyết việc làm cho gần 6 triệu người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nhiều năm gần đây đều đạt mức tăng trưởng hai chữ số, bán lẻ online tuy mới chiếm 5% doanh thu nhưng rất nhiều triển vọng trong những năm tới. 50% dân số Việt Nam là dân số trẻ, thị trường nông thôn chưa được tập trung khai thác, kênh bán hàng hiện đại mới chiếm khoảng 25% thị trường...

thoi co vang cho ban le
Nhiều khách hàng vẫn thích chọn kênh mua sắm trực tiếp

Với những tiềm năng đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đã, đang và sẽ có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là những vấn đề cố hữu của hệ thống phân phối hàng hóa bấy lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập. Thực tế hiện nay, chuỗi giá trị ở Việt Nam đang được phân chia không hợp lý, phần lớn lợi nhuận, khoảng 70%, rơi vào trung gian, chỉ có khoảng 30% rất nhỏ bé còn lại cho nhà sản xuất - những người đã tạo ra nguồn của cải vật chất, góp phần ổn định kinh tế xã hội của đất nước.

Phân tích cụ thể vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ rõ, hiện nay, thường xuyên có hiện tượng một số siêu thị lớn có doanh thu cao, có uy thế về ký kết hợp đồng và đàm phán, đã ép chiết khấu, ép giá đối với các nhà cung ứng, nhất là nhóm hàng nông sản, thực phẩm.

“Những chi phí vô lý đẩy cho nhà sản xuất và cung ứng sẽ đẩy giá thành hàng hóa Việt Nam cao lên so với giá trị sử dụng, hàng hóa Việt khó cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài xâm nhập ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam khi thuế suất thấp, thậm chí bằng 0 và công nghệ sản xuất tiên tiến hơn doanh nghiệp Việt” - ông Phú lo ngại

Hiện nay, chúng ta đang phát động phong trào “Phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao” và mới đây, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo: “Chúng ta sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao không chỉ để phục vụ một nhóm người có tiền mà phải phục vụ đại đa số người dân Việt Nam”. Nhưng thực tế hiện nay, theo ông Vũ Vinh Phú: “Cứ 10 mớ rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGap chỉ có 1-2 mớ vào được siêu thị với những lý do chủ quan và khách quan. Con đường để những người nghèo, thu nhập thấp tiếp cận với nông sản thực phẩm sạch bán ở siêu thị còn rất xa”.

Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội, như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn, Adayroi.com, Lotte.vn… hoặc qua Facebook, Instagram, Zalo…

Cùng chung suy nghĩ với ông Phú, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, cần phải nhận thức rõ hơn về vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh bán lẻ.

“Nếu giá một sản phẩm từ xuất xưởng đến tay người tiêu dùng được vận chuyển xuyên biên giới thường sẽ tăng gấp 2,5 lần. Nếu hàng hóa đó vận chuyển trong nước mà không phải chịu các loại thuế nhập khẩu, phí logistics ít hơn, giá một sản phẩm từ xuất xưởng đến tay người tiêu dùng tăng gấp 2,2 lần. Như vậy, nếu thấy giá xuất xưởng đến tay người tiêu dùng gấp đến 5 lần thì phải xem lại vấn đề cạnh tranh, trừ trường hợp có những sản phẩm của doanh nghiệp có thể bán được gấp 5 lần giá gốc, nhưng chắc chắn sản phẩm này phải đơn lẻ, độc đáo” - ông Thành nhận xét.

Ứng dụng công nghệ

Như vậy có thể thấy, làm sao giảm thiểu trung gian, giảm thiểu thấp nhất các chi phí không cần thiết, nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm có giá cả hợp lý là bài toán khó. Bởi hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường nội địa thường trải qua nhiều khâu trung gian, chi phí tăng, khó kiểm soát. Việc áp dụng công nghệ được xem là cách tốt nhất để giải bài toán này.

Trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, các giao dịch thương mại dựa trên nền tảng số hóa đã được các doanh nghiệp bán lẻ triển khai và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Cách thức giao dịch nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng phát triển khá đa dạng. Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội, như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn, Adayroi.com, Lotte.vn… hoặc qua Facebook, Instagram, Zalo…

Bên cạnh đó, những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam cũng có xu hướng mua hàng qua chương trình quảng cáo trên tivi hoặc tiến hành giao dịch qua điện thoại. Đặc biệt, hình thức mua sắm mới xuất hiện gần đây trên nền tảng công nghệ số như Scan&Go trên điện thoại thông minh tích hợp trên ứng dụng VinID được phát triển và ứng dụng tại hệ thống siêu thị VinMart và Co.opmart đã đem đến nhiều dịch vụ tiện ích tiên tiến, đa dạng dành cho khách hàng, người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm.

Bên cạnh những ứng dụng công nghệ mua sắm trực tuyến, những ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử cũng đã bắt đầu phát triển và mở rộng để tăng sự tiện lợi cho người dùng. Một số doanh nghiệp bán lẻ đã phát triển và chạy thử một số ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ, như chi trả tự động ở phân khúc cao áp dụng từ cuối năm 2017; phục vụ đa kênh, kênh truyền thống, kênh truyền hình, kênh online đang trong giai đoạn hoàn chỉnh; tự động hóa nhà kho kết nối logistics thông minh, robot sẽ lên danh sách từng nhóm hàng đưa đến từng trung tâm mua sắm, toàn bộ thao tác qua máy tính chính xác cả về thời gian lẫn số lượng…

Đánh giá về những tác động chủ yếu của cuộc CMCN 4.0 đối với sự phát triển của lĩnh vực thương mại trong nước, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay, CMCN 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, người tiêu dùng sẽ có được lợi ích từ việc tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn và đặc biệt là được cá nhân hóa theo ý muốn.

Cuộc CMCN 4.0 đang tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó lĩnh vực bán lẻ chịu sự tác động không nhỏ. Nếu như trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại, thì ngày nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các cửa hàng hiện hữu, đa kênh và trực tuyến. Chính vì vậy, phát tiển hệ thống phân phối hiện đại là việc vô cùng cấp thiết. Doanh nghiệp phải thực sự xem đây là cơ hội để bứt phá, từng bước tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Lê Minh