Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ: Ai là “nạn nhân” thực sự?

08:25 | 04/08/2023

292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải những người dân châu Phi đói kém, mà chính các nước giàu mới là bên thiệt hại nhất từ việc Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ: Ai là “nạn nhân” thực sự?
Châu Phi cũng bị ảnh hưởng một phần từ sự đổ vỡ của Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã đổ vỡ vào ngày 17/7 vừa qua sau khi Nga tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận này. Mỹ và phương Tây tuyên bố động thái này của Nga sẽ gây ra khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia nghèo nhất châu Phi. Tuy nhiên, theo quan điểm một số chuyên gia, thực tế hoàn toàn khác.

Châu phi ít chịu ảnh hưởng

Vào năm 2022, trước khi thỏa thuận này lần đầu được ký kết, các phương tiện truyền thông phương Tây đã xoáy sâu vào lợi ích của sáng kiến này đối với các nước châu Phi – châu lục đang phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu ngũ cốc từ khắp nơi trên thế giới để đảm bảo sinh kế cho hàng chục triệu người dân sống trong cảnh đói nghèo.

Ngay sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield chỉ trích Nga đã gây xói mòn an ninh lương thực tại châu Phi. “Trẻ em ở vùng Sừng châu Phi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, người mẹ không có nổi sữa cho con vì bản thân không đủ ăn. Đó là những hậu quả từ hành động của Nga”, bà Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh.

Thế nhưng, những con số đang chứng minh điều ngược lại. Các chuyên gia cho biết châu Phi chưa bao giờ thực sự là thị trường tiêu thụ ngũ cốc của Ukraine. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, ngũ cốc được gửi đến châu Phi từ khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được thực hiện chiếm chưa đến 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ukraine và chỉ một phần nhỏ trong số này được dùng làm viện trợ lương thực cho các quốc gia được cho là gặp khó khăn.

Thông qua thỏa thuận ngũ cốc này, Kenya đã nhập khẩu 438.000 tấn ngô và lúa mì, trong khi nước này tự sản xuất 2,9 triệu tấn ngô và 275.000 tấn lúa mì trong niên vụ 2022-2023. Ethiopia, quốc gia đã sản xuất 7 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022 và là nhà sản xuất lúa mì lớn nhất ở châu Phi cận Sahara, đã nhận được 282.000 tấn ngũ cốc theo thỏa thuận. Ai Cập, nhà nhập khẩu lớn nhất châu Phi, đã sản xuất 9,8 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2022-2023, so với 1,6 triệu tấn mà nước này đã nhập khẩu theo thỏa thuận ngũ cốc.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ: Ai là “nạn nhân” thực sự?
Các nước nghèo ở Châu Phi hầu như không nhận được nhiều lợi ích lương thực từ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen (Nguồn: Statista)

Ai Cập và Kenya, hai quốc gia thuộc hàng phát triển nhất châu lục – đều không phù hợp với hình ảnh một quốc gia đói nghèo. GDP năm 2022 của 2 quốc gia này đạt lần lượt là 2.012 tỷ USD và 265 tỷ USD. Cả hai đều là các cường quốc nông nghiệp. Thế nhưng, đây lại là những nước tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất từ Ukraine, chiếm khoảng 1 nửa trong số 4 triệu tấn mà châu Phi nhận được.

Theo ông Olatunji Olaigbe, một nhà báo kì cựu từng đạt giải thưởng của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hầu hết ngũ cốc nhập khẩu vào các nước châu Phi được sử dụng để sản xuất bột và thực phẩm chế biến cho khách hàng phần lớn thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Đó là một sự thật đáng buồn khi khoảng 23 triệu người dân ở vùng Sừng châu Phi đang đối mặt với nạn đói trầm trọng, theo ước tính năm 2020.

Tác động của sự đổ vỡ thỏa thuận ngũ cốc

Khác với suy nghĩ của nhiều người, thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen có tác động không đáng kể tới giá lương thực ở châu Phi.

Giá lương thực tại châu Phi đã tăng đột biến từ trước, chủ yếu do đại dịch Covid-19. Ông Michiel de Haas, Phó giáo sư về lịch sử kinh tế và môi trường tại ĐH Wageningen (Hà Lan) nhận xét: “Giá lương thực và chuỗi cung ứng nói chung đã chịu nhiều căng thẳng do đại dịch”.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ: Ai là “nạn nhân” thực sự?
Ngũ cốc Ukraine có ít tác động đến giá lương thực ở châu Phi hơn nhiều người nghĩ

Tại đó, thu nhập của người dân bị giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc gia tăng. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán diện rộng khiến nhiều quốc gia châu lục khốn khổ trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân.

Ngay trước khi Sáng kiến ngũ cốc ra đời, lúa mì trên khắp thế giới đã được bán với giá gần bằng mức giá trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ông Haas nói: “Giá lương thực ở châu Phi chủ yếu được thúc đẩy bởi các vấn đề đã làm suy yếu an ninh lương thực của lục địa.”

Vậy “nạn nhân” thực sự của thỏa thuận đổ vỡ là ai? Đó là các quốc gia như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hà Lan, chiếm 21,2 triệu tấn (65%) trong tổng số 32,9 triệu tấn xuất khẩu của Ukraine. Trước khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, các nước này đã hưởng lợi rất nhiều từ mức giá rẻ và chất lượng cao của ngũ cốc Ukraine. Tại đó, lúa mỳ của Kiev có thể được chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như bánh mỳ, mì ống… để tiếp tục xuất khẩu ra các thị trường khác. Nay thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, thì các quốc gia này chắc chắn sẽ phải tìm nguồn cung thay thế khác, với giá cao hơn nhiều. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho họ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Giá dầu ăn, ngũ cốc đang tăng nhanh khi hàng loạt nước hạn chế xuất khẩu

Giá dầu ăn, ngũ cốc đang tăng nhanh khi hàng loạt nước hạn chế xuất khẩu

Cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ khiến giá năng lượng leo thang mà còn đang đe dọa đến sản lượng ngũ cốc toàn cầu, nguồn cung dầu ăn và xuất khẩu phân bón, khiến giá hàng hóa cơ bản tăng vọt.