Thị trường hàng không “bầu trời rộng mở”
Phát triển phải theo quy hoạch
Thông tin trên được TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho biết trong cuộc họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế thiết bị ngành hàng không Việt Nam năm 2019 tại TP HCM vào ngày 12-8.
Theo ông Châu, thị trường vận tải hàng không quốc tế đang tiếp tục phát triển, trong đó châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực năng động với sự tăng trưởng cao nhất thế giới, 6-7%/năm. Riêng thị trường vận tải hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực, trong thập niên qua bình quân khoảng hơn 16%/năm.
![]() |
Ngành hàng không tăng trưởng mạnh trong hơn 1 thập niên qua |
6 tháng đầu năm 2019, thị trường hành khách hàng không tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng 9,4% so cùng kỳ 2018 và sản lượng đạt 38,5 triệu khách. Năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam còn ghi nhận sự tham gia của hãng hàng không mới là Bamboo Airways.
Ông Trần Tuấn Linh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, tiềm lực phát triển ngành hàng không của Việt Nam còn rất nhiều, rất hấp dẫn và là cơ hội rộng lớn cho các doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, cơ quan quản lý đang nhận hồ sơ xin cấp phép bay của một số hãng hàng không tư nhân như: Vinpearl Air thuộc Vingroup và Vietravel Airlines thuộc Vietravel…
“Hiện các doanh nghiệp này đang nộp hồ sơ xin cấp phép thành lập doanh nghiệp từ cơ quan quản lý (nơi đặt trụ sở chính), cụ thể Vietravel Airlines xin giấy phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế, hay Vinpearl Air xin giấy phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội... Sau đó, doanh nghiệp sẽ phải trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuối cùng Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến”, ông Linh cho biết.
![]() |
Quá tải đang là vấn đề nóng của ngành hàng không |
Theo ông Linh, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là ủng hộ doanh nghiệp tham gia để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, mang lại lợi ích cho hành khách và hướng đến thực hiện “bầu trời mở” cho không chỉ các hãng hàng không trong nước mà cả những hãng hàng không nước ngoài mở đường bay đi và đến Việt Nam. Tuy vậy, sự phát triển của các hãng hàng không phải theo quy hoạch đã được duyệt của Chính phủ và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, không có tính chất lôi kéo hoặc làm suy giảm mức độ, điều kiện đang hoạt động bình thường của các hãng khác.
Đồng thời, để bảo đảm an toàn trong hoạt động, sự phát triển của các hãng hàng không bắt buộc phải theo sát và phù hợp cơ sở kết cấu hạ tầng của ngành về nhà ga, đường cất, hạ cánh, sân đỗ tàu bay, cơ cấu hạ tầng về các dịch vụ logistics cũng như sự phát triển của công tác quản lý, kiểm tra giám sát, an ninh an toàn, huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực…
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 20 sân bay cần mở rộng, nâng cấp, do nhu cầu vận chuyển, đi lại của người dân rất lớn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực chưa phát triển đồng bộ là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển của ngành.
Sự tham gia của các hãng hàng không mới sẽ đem lại lợi ích cho hành khách nhưng theo các chuyên gia, đây cũng là bài toán khó cho cơ quan quản lý khi hạ tầng hàng không đang rất quá tải. Vào mỗi dịp cao điểm, các hãng đã phải tăng cường bay đêm, đặc biệt với các chặng bay qua 3 sân bay lớn là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, Sân bay Tân Sơn Nhất không đủ điều kiện cho phép cất, hạ cánh nhiều hơn trong giờ cao điểm bởi việc ùn tắc không chỉ dưới mặt đất mà ngay trên cả bầu trời, nhiều thời điểm tàu bay phải dừng đỗ hay bay lượn nhiều vòng để chờ tới lượt cất, hạ cánh, gây tốn kém và đe dọa nguy cơ an toàn bay. Năm 2018, lượng hành khách qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất đạt trên 38 triệu lượt, trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu.
Làm chủ bầu trời
Ông Uông Việt Dũng, Phó chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, hiện nay ngành hàng không trong nước đã “làm chủ bầu trời”. Đội ngũ phi công, tiếp viên của Việt Nam phát triển mạnh cả về lượng và chất, tỷ lệ nhân sự của ngành hàng không được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành đã tăng lên gần 40%; qua đó khẳng định, người Việt Nam có thể làm chủ ngành hàng không và có thể xây dựng, phát triển kinh tế hàng không Việt Nam sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới trong tương lai gần.
“Trong quá trình cơ cấu lại ngành giao thông vận tải, ngành hàng không được ưu tiên cơ cấu lại để trở thành mũi nhọn. Do đó, Nhà nước cũng như Bộ Giao thông vận tải luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp ngành hàng không Việt Nam có điều kiện phát triển tốt nhất, đóng góp cho ngành và nền kinh tế”, ông Dũng cho biết.
Hiện tại có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt). Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị phần đạt 41%.
Các chuyên gia đánh giá ngành hàng không sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng cao; các ngành du lịch, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, văn hóa, thể thao... phát triển, thúc đẩy nhu cầu đi lại, du lịch, giao thương… bằng đường hàng không. Do đó, lượng hành khách sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong trung hạn.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo, Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và vẫn nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới.
Với sự tham gia của các hãng hàng không mới, các chuyên gia nhận định, ngành hàng không sẽ có cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới. Tuy nhiên các hạn chế về cơ sở hạ tầng sân bay sẽ ảnh hưởng đến việc cấp phép cho các hãng mới với đội bay lớn vì công suất sân bay ở nước ta hiện nay không kịp đáp ứng với tốc độ mở rộng đội bay.
Trong các năm qua, các sân bay đã và đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp hạ tầng. Tuy nhiên, một số sân bay có tình trạng quá tải, khai thác vượt công suất là do thị trường hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên biến động lớn; sự hình thành và phát triển các hãng hàng không mới, giá cạnh tranh làm nhu cầu vận tải bằng đường hàng không tăng nhanh. Bên cạnh đó là việc thiếu vốn đầu tư phát triển cho hạ tầng hàng không đã ảnh hưởng đến lộ trình đầu tư theo quy hoạch.
Triển lãm quốc tế thiết bị ngành hàng không Việt Nam 2019 là triển lãm hàng không quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam để giới thiệu những công nghệ, hệ thống trang thiết bị mới nhất trong lĩnh vực hàng không... Dự kiến, triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28-11-2019, với khoảng 400 gian hàng đáp ứng nhu cầu cho hơn 20.000 khách tham quan. |
Hoàng Tuyết
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng