Thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư

10:04 | 25/02/2019

313 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với việc sở hữu những nền tảng quan trọng, những giải pháp căn bản hướng tới phát triển bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK), Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Tạ Thanh Bình cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Đáp ứng đủ điều kiện được nâng hạng

PV: Vừa qua, có nhiều thông tin cho rằng TTCK Việt Nam có khả năng được nâng hạng trong năm 2018 từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đến nay TTCK nước ta vẫn chưa được nâng hạng. Vì sao vậy, thưa bà?

thi truong chung khoan viet nam hap dan nha dau tu

Bà Tạ Thanh Bình: Hiện nay, có một số tổ chức lớn về xếp hạng thị trường như S&P Global (Standard&Poor’s Global), FTSE (Financial Times Stock Exchange), MSCI (Morgan Stanley Capital International). Một trong các chỉ số nổi tiếng nhất có thể kể đến là chỉ số thị trường mới nổi (MSCI EM Index) của MSCI, theo dõi hoạt động trên thị trường cổ phiếu của một số nước phát triển và khu vực. Các tiêu chí xem xét nâng hạng thị trường của MFCI gồm các tiêu chí về định lượng và định tính. Trong đó, các tiêu chí về định lượng như quy mô, tính thanh khoản của thị trường… của TTCK Việt Nam đã vượt yêu cầu của MFCI, thế nhưng, điều mà MFCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng trong kỳ xếp hạng tháng 6-2018 là bởi các tiêu chí định tính và cho rằng Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện một số vấn đề như mở cửa thị trường, mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài...

PV: Bà đánh giá như thế nào về mức độ mở của TTCK Việt Nam hiện nay?

Bà Tạ Thanh Bình: Quá trình mở cửa TTCK của Việt Nam thực hiện theo từng bước, lúc đầu chỉ mở 20%, sau nâng lên 30%, rồi nâng lên 49%. Đến khi có Nghị định 60/2015/NĐ-CP, chúng ta tiếp tục nâng lên và cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 100% cổ phiếu của những doanh nghiệp không nằm trong diện bị hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia theo quy định pháp luật hiện hành hoặc các điều ước quốc tế khác.

Con số thống kê cho thấy, trong khoảng hơn 40.000 tài khoản đã được mở thì 99% là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân. Tuyệt đại đa số nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường chỉ với mục tiêu đầu cơ và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

PV: Nhưng tại sao nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng độ mở cửa của TTCK Việt Nam chưa cao như kỳ vọng?

Bà Tạ Thanh Bình: Hiện nay, việc sẽ xem xét khả năng “mở cửa” của một doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài dựa trên những ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Khảo sát của chúng tôi thấy rằng, doanh nghiệp Việt thường có xu hướng đăng ký kinh doanh rất nhiều ngành nghề, bao gồm cả những ngành nghề trên thực tế không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, có những doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh dài đến 4 trang A4, trong đó rất nhiều ngành nghề thuộc diện hạn chế mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù thực tế doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực đó nhưng mức hạn chế mở cửa của một ngành lại áp chung cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực hoàn toàn không bị hạn chế yếu tố nước ngoài nhưng họ vẫn không “mở cửa” vì Luật Đầu tư quy định là tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài từ 51% trở lên được coi như nhà đầu tư nước ngoài, sẽ được ứng xử như nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều hoạt động… Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51% để họ được hưởng các ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước.

thi truong chung khoan viet nam hap dan nha dau tu
TTCK Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài

PV: Để TTCK Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện được nâng hạng, theo bà cần làm những gì?

Bà Tạ Thanh Bình: Để giải quyết triệt để vấn đề, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ những vấn đề có tính chất căn cơ, như ở khía cạnh quan điểm ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Luật Chứng khoán sửa đổi sắp tới sẽ mở thoáng hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta cũng cần cải thiện hiệu quả trong hoạt động, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Còn có những vấn đề khác mà các nhà đầu tư chưa thật sự hài lòng như chúng ta chưa bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh…

Khắc phục những điểm yếu tồn tại

PV: Ngoài vấn đề mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài, bà có thể cho biết điểm yếu đang tồn tại của TTCK hiện nay và định hướng của cơ quan quản lý trong việc khắc phục?

Bà Tạ Thanh Bình: Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tập trung cải thiện những điểm yếu đang tồn tại của TTCK, trong đó có một điểm yếu đó là mức độ dễ bị tác động do nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường, ngay cả đối với TTCK phái sinh, một thị trường còn rất non trẻ mà chúng ta mới đưa vào hoạt động được khoảng 1 năm nay. Con số thống kê của chúng tôi cũng cho thấy, trong khoảng hơn 40.000 tài khoản đã được mở thì 99% là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân. Tuyệt đại đa số nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường chỉ với mục tiêu đầu cơ và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Câu chuyện cải thiện cấu trúc nhà đầu tư là vấn đề mà chúng tôi hết sức quan tâm.

thi truong chung khoan viet nam hap dan nha dau tu

Bên cạnh đó, sản phẩm của thị trường vẫn phải tiếp tục đa dạng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, chậm nhất là quý I/2019 phải hoàn tất. Đi song hành với nó sẽ là sản phẩm liên quan hợp đồng tương lai. Tiếp theo, chúng tôi đã có lộ trình giới thiệu các sản phẩm về quyền chọn trên thị trường phái sinh... Ngoài ra, chúng tôi sẽ chú trọng, quan tâm hơn về nâng cao chất lượng của doanh nghiệp niêm yết, nâng cao tính minh bạch của thị trường.

Quá trình mở cửa TTCK của Việt Nam thực hiện theo từng bước, lúc đầu chỉ mở 20%, sau nâng lên 30%, rồi nâng lên 49%. Đến khi có Nghị định 60/2015/NĐ-CP, chúng ta cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 100% cổ phiếu của những doanh nghiệp không nằm trong diện bị hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán còn yếu. Bởi tổ chức trung gian thị trường cũng là khâu rất quan trọng. Nếu làm tốt công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư thì khả năng thu hút nhà đầu tư sẽ cao hơn. Ở thời điểm cao nhất, TTCK Việt Nam có 105 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, qua một quá trình tái cấu trúc, thanh lọc, hiện nay chỉ còn 77 công ty chứng khoán đang hoạt động. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các công ty chứng khoán để cung cấp dịch vụ tốt hơn.

PV: Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được đánh giá là đã bổ sung một số quy định mới giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường và được kỳ vọng sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho TTCK phát triển ổn định, bền vững. Bà có thể cho biết một số thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này?

Bà Tạ Thanh Bình: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện Luật Chứng khoán. Hiện nay, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã được công bố công khai để lấy ý kiến rộng rãi. Trong Luật Chứng khoán sửa đổi, chúng tôi xử lý rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như giải quyết các vướng mắc giữa các luật, giữa Luật Chứng khoán hiện nay với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nâng cao thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xử lý các vi phạm trên TTCK. Vừa qua, bên cạnh việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển khá nhiều vụ việc sang cơ quan điều tra thì mức xử phạt hành chính với những vi phạm trên TTCK đã tăng khá nhiều. Ngoài xử phạt theo đúng khung quy định của pháp luật, chúng tôi áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ các lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm, nếu theo khung có thể chỉ phạt vài trăm triệu đồng nhưng tịch thu toàn bộ lợi nhuận có thể lên đến hàng tỉ đồng.

thi truong chung khoan viet nam hap dan nha dau tu
TTCK là kênh huy động vốn quan trọng

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua việc siết chặt các quy định liên quan đến chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ. Đặc biệt, trong chào bán chứng khoán riêng lẻ, chúng tôi chỉ cho phép các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược tham gia. Nhà đầu tư tham gia đợt bán cổ phần ra công chúng thì điều kiện chào bán cũng như tính minh bạch sẽ được quan tâm, chú trọng. Chúng tôi bổ sung các cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, như chúng tôi đang xem xét, cân nhắc lập quỹ bảo hiểm nhà đầu tư, các quy định liên quan đến các dịch vụ công ty chứng khoán. Chúng tôi cũng sẽ quy định doanh nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng thì phải gắn với việc niêm yết trên TTCK. Các vấn đề liên quan đến tổ chức thị trường, công bố thông tin minh bạch trên thị trường sẽ được quan tâm, giải quyết trong Luật Chứng khoán sửa đổi lần này.

Trước đây, quản trị công ty niêm yết được quy định trong Nghị định 71/2017/NĐ-CP, nhưng bây giờ, trong Luật Chứng khoán sửa đổi lần đầu tiên, chúng tôi đưa nội dung quản trị công ty vào luật. Điều đó khẳng định quan điểm của cơ quan quản lý là rất coi trọng vấn đề quản trị doanh nghiệp đối với các công ty đại chúng và công ty niêm yết…

Định hướng phát triển

PV: Về việc phát triển thị trường trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có định hướng như thế nào, thưa bà?

Ở thời điểm cao nhất, TTCK Việt Nam có 105 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, qua quá trình tái cấu trúc, thanh lọc, hiện nay chỉ còn 77 công ty chứng khoán đang hoạt động.

Bà Tạ Thanh Bình: Đối với thị trường trái phiếu, ngoài thị trường trái phiếu chính phủ mà chúng ta đã phát triển rất tốt thì trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ chú trọng đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển. Không có con số chính xác về quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, có số liệu nói khoảng 5% GDP, có nơi nói là 3-4% GDP... Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm 20-30% GDP, rõ ràng quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang rất nhỏ bé. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh hoạt động của thị trường này.

PV: Nhiều nhận định cho rằng, hạ tầng công nghệ của TTCK hiện nay đang chắp vá, bà đánh giá như thế nào về thực tế đó?

Bà Tạ Thanh Bình: Sắp tới, chúng tôi sẽ thay thế toàn bộ hạ tầng công nghệ chắp vá hiện nay. Nhiều người dùng từ “chắp vá” vì nó không đồng bộ cho các phân khúc thị trường. Theo kế hoạch, đến tháng 8-2019, gói thầu mới về hạ tầng công nghệ thông tin TTCK Việt Nam được triển khai. Gói thầu này được thiết kế bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, một sở giao dịch chứng khoán có quy mô và trình độ phát triển ở cấp độ cao trên thế giới.

PV: Bà nhận định tiềm năng của TTCK Việt Nam như thế nào?

Bà Tạ Thanh Bình: Tiềm năng TTCK, cơ hội đầu tư nói chung đang được hỗ trợ bởi kinh tế vĩ mô ổn định, có tiềm năng tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng GDP cao, khả năng thu hút vốn FDI rất tốt, lạm phát, tỉ giá, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ở mức ổn định, nằm trong tầm kiểm soát.

Từ nội tại của TTCK, chúng ta thấy rằng, năm 2018 là một năm khó khăn của TTCK nhưng chúng ta vẫn thu hút được đầu tư vào các đợt thoái vốn lớn, như ở một số doanh nghiệp ngành dầu khí. Về hàng hóa trên thị trường, nhìn chung các doanh nghiệp niêm yết hoạt động kinh doanh hiệu quả; mặt bằng giá cổ phiếu của Việt Nam hiện nay cũng đang ở mức khá cạnh tranh với các nước trong khu vực…

Với những cơ hội như vậy, chúng tôi cho rằng, TTCK Việt Nam hiện nay có những nền tảng quan trọng để có thể tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, việc dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam đã được khẳng định rất rõ.

PV: Xin cảm ơn bà!

Mai Phương