Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Hậm hực sinh hỗn loạn

08:00 | 13/07/2015

2,954 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Chứng khoán Trung Quốc tụt dốc nhanh”, “Nhà đầu tư cạn kiệt hy vọng, hốt hoảng”, “Chứng khoán Trung Quốc giảm nguy hiểm hơn Hy Lạp”, “Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất 8 năm”… là những cụm từ xuất hiện liên tục trong mấy ngày qua. 

Năng lượng Mới số 438

Chứng khoán Trung Quốc: Bài học gì cho chúng ta?

Chứng khoán Trung Quốc: Bài học gì cho chúng ta?

Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong thời gian gần đây khiến thị trường thế giới và cả Việt Nam có phần chao đảo. Hãy nhớ, hậu quả về bong bóng chứng khoán, bất động sản từ năm 2008 chúng ta vẫn chưa thể giải quyết xong !

Và đang có những tin đồn khác nhau xung quanh sự tụt dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc. Sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tụt dốc hôm 8-7, bất chấp sự can thiệp của cơ quan chức năng, tên tuổi của tỉ phú George Soros và các tập đoàn như Goldman Sachs, Morgan Stanley (Mỹ) lại được nhắc tới.

Theo đó, họ dường như có trách nhiệm trong việc để “bốc hơi” hàng ngàn tỉ USD thời gian qua trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. 5 giáo sư thuộc các trường đại học hàng đầu Trung Quốc cũng vừa công bố lá thư cáo buộc những thế lực đứng sau kiếm lợi nhờ cuộc khủng hoảng này.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Hậm hực sinh hỗn loạn
Nhà đầu tư nhỏ đang hoang mang, thất vọng và sợ hãi trước đà bán tháo

Theo ước tính của Tập đoàn đầu tư Bespoke Investment Group (Mỹ), đã có 3.250 tỉ USD bị “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Và tâm trạng hoảng loạn đang hiện hữu trên thị trường, cùng sự gia tăng của tình trạng bán đổ bán tháo.

Được biết, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất, các công ty môi giới cam kết mua hàng tỉ USD cổ phiếu, nhưng những động thái này cũng không ngăn được sự tụt dốc không phanh của thị trường chứng khoán, và việc này đã khiến ít nhất 1.430 trong số 2.776 công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán ở Trung Quốc phải dừng giao dịch cổ phiếu để ngăn chặn nguy cơ giá cổ phiếu tiếp tục sụt giảm.

Ước tính, Trung Quốc hiện có khoảng 90 triệu nhà đầu tư cá nhân và 2/3 trong số các nhà đầu tư mới không có bằng phổ thông. Michael Every - Giám đốc Nghiên cứu tài chính tại Rabobank cho rằng, sự tham lam và sợ hãi luôn song hành và nếu trước đây không tham lam như vậy, giờ bạn đã không phải hoảng sợ.

Giới chuyên gia, các nhà phân tích, và giới chuyên môn đã đưa ra nhiều nhận định, nguyên nhân của tình trạng kể trên, trong đó đáng chú ý là hiện tượng “bong bóng chứng khoán” bị vỡ do tình trạng giá cổ phiếu bị thổi phồng quá mức so với tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận thực sự của doanh nghiệp.

Theo giới truyền thông, giá cổ phiếu tăng vọt sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong vòng 2 năm vào ngày 21-11-2014. Được biết, thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu tăng tốc mạnh từ cuối năm 2014 bất chấp nền kinh tế thứ hai thế giới đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng 24 năm qua.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Hậm hực sinh hỗn loạn
Các nhà đầu tư Trung Quốc ở Thượng Hải theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán

Tờ Wall Street Journal cho rằng, có 4 dấu hiệu cho thấy “bong bóng” đã xuất hiện. Đó là giá cổ phiếu không liên quan đến các yếu tố kinh tế nền tảng, sự phổ biến của giao dịch ký quỹ (mua cổ phiếu bằng tiền đi vay), nhà đầu tư cá nhân giao dịch quá mạnh và giá cổ phiếu quá cao.

Chứng khoán Trung Quốc đang ở điểm cực đại cả 4 thước đo này. Và đây là điều rất hiếm gặp. Nhiều người cảnh báo, sự tụt dốc hiện nay của chứng khoán Trung Quốc còn nguy hiểm hơn tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp. Và đây được coi là bài kiểm tra khả năng kiểm soát của Bắc Kinh đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo giới chuyên môn, trong một động thái nhằm ngăn làn sóng bán tháo đang tiếp diễn trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, Ủy ban Điều tiết bảo hiểm Trung Quốc đã quyết định nới lỏng các quy định cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào các cổ phiếu blue-chip.

Theo đó, các công ty bảo hiểm đủ điều kiện sẽ được phép đầu tư lên đến 10% giá trị tài sản vào một cổ phiếu blue-chip duy nhất, cao hơn quy định cũ là 5%. Giới hạn về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các công ty này cũng được nâng lên hơn 40% so với con số trước đó là 30%.

Động thái này được cho là để tối ưu hóa danh mục đầu tư và thúc đẩy sự phát triển ổn định của thị trường vốn. Và đã có 21 công ty môi giới chứng khoán hàng đầu Trung Quốc cam kết phối hợp mua ít nhất 120 tỉ NDT (19,3 tỉ USD) cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo nhận định của chiến lược gia trưởng Hong Hao ở BOCOM International, động thái kể trên có thể không đủ để chặn đứng đà giảm giá cổ phiếu, nhưng nếu có đòn bẩy (tức tiền vay thêm) để nâng số tiền lên 500 tỉ NDT thì có thể sẽ có hiệu quả.

Giới phân tích cho rằng, các biện pháp của chính phủ đưa ra thời gian qua chưa đủ mạnh để chặn đứng đà tụt dốc của chứng khoán. Ngân hàng ANZ Banking Group nhận định, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ dẫn tới những lo ngại về nguy cơ đối với cả hệ thống.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Điều đáng nói là sự sụt giảm đã quay trở lại ngay sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra nhận định về kinh tế Trung Quốc sáng 7-7: Bắc Kinh có đủ khả năng đương đầu với các thách thức kinh tế, nhưng lại không nhắc đến cuộc khủng hoảng đã khiến 3.200 tỉ USD “bốc hơi” chỉ trong một thời gian ngắn.

Tuấn Quỳnh