Thị hiếu âm nhạc nào sẽ lên ngôi?

08:00 | 02/03/2016

1,095 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những gương mặt của làng giải trí số bước ra đời thực, EDM và Boléro tiếp tục tung hoành trong khi những giọng ca quen thuộc kiên định với dòng nhạc họ theo đuổi,… tất cả tạo nên một thị trường nhạc Việt phân mảng rõ nét và khó đoán định.

Đã qua rồi giai đoạn một dòng nhạc hay một trào lưu nào đó giữ vai trò chủ lực, chi phối và kéo theo sự phát triển của cả một nền âm nhạc như thời của những bản canto-pop, những bản ballad hay hip-hop,… Bức tranh nhạc Việt 2016 trở nên khó đoán hơn bao giờ hết với đủ loại trào lưu, đủ thứ dòng nhạc.

Boléro – phân khúc cho khán giả hoài cổ

Khoảng 3 năm đổ lại đây, thay vì co cụm trong các phòng trà như trước kia, boléro đường hoàng bước lên những sân khấu lớn, các chương trình truyền hình hoành tráng. Giai điệu đẹp, lời ca đậm chất thơ và gần gũi là lý do khiến boléro được khán thính giả yêu chuộng trở lại.

Sự “tái xuất” của những giọng ca vàng một thuở đắm say lòng người như “nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, “nữ hoàng sầu mộng” Giao Linh, “ông hoàng” Chế Linh,… cùng sự xuất hiện của một số chương trình ca nhạc như: Tình khúc vượt thời gian, Tình ca Việt, Sol vàng, Câu chuyện âm nhạc, Dấu ấn,… và các đêm nhạc dành riêng cho boléro như đêm nhạc Vinh Sử, Thanh Sơn,… là minh chứng cho sự hồi sinh mãnh liệt của dòng nhạc này. Có vẻ như, sau thời đoạn lãng quên, boléro lại sáng đèn. Và sáng mãnh liệt.

thi hieu am nhac nao se len ngoi
Nhật Hà trong chương trình Tình ca Việt

Dấu ấn quan trọng nhất khiến mạch ngầm boléro vươn mình thành suối phải kể đến những chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho boléro. Qua hai mùa Solo cùng boléro do Khang Media phối hợp tổ chức với Đài Truyền hình Vĩnh Long, vẫn tiếp tục gây sốt với khán giả xem đài và hàng nghìn thí sinh khắp trong Nam ngoài Bắc, từ nhiều ngành nghề, nhiều độ tuổi khác nhau. Thần tượng boléro của Cát Tiên Sa chỉ mới xuất hiện vào nửa cuối 2015 nhưng cũng nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tâm lý, nhu cầu thưởng thức tạo nên nguồn cung, bài toán thị trường được giải quyết bằng cách hàng loạt gương mặt trẻ, bất kể sở trường sở đoản, có hay chưa có tên đua nhau hát boléro, tung album boléro. Mặt trái của việc sa đà này, như ý kiến của ca sĩ Tùng Dương “thật không ổn chút nào”. Bởi lẽ: “Nếu các bạn ca sĩ, nhạc sĩ trẻ quá xa đà vào boléro, đó sẽ là một bước thụt lùi của âm nhạc, vì muốn phát triển, chúng ta phải hát những bài hát mới, kể cả boléro chúng ta cũng phải sáng tác mới để phù hợp với thời đại ngày nay chứ không thể hát nhạc cổ mãi. Quá sa đà vào boléro nghĩa là chúng ta đang quá lạm dụng trào lưu này rồi. Chúng ta cần những âm nhạc lành mạnh, tươi mới, trẻ trung hơn là những gì đau khổ, mất mát, chia ly mà ở thế hệ các cụ đã khai thác hết rồi.”

thi hieu am nhac nao se len ngoi
Chương trình Solo cùng Bolero

Tất nhiên, như Tùng Dương nhận định: “Mọi việc sẽ phát triển theo đúng hướng của nó, có muốn cũng không ngăn cản được.” Và, boléro vẫn sẽ là thị hiếu của người yêu nhạc trong vài năm nữa.

EDM – xu hướng của người trẻ

EDM (Electro Dance Music) là thể loại âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử, có tiết tấu pha trộn từ Disco những năm 70 và một chút cảm hứng từ Pop. Với giai điệu sôi động, có tính gắn kết, ngay từ khi ra đời, EDM đã gắn liền với một số đông người nghe nhất định. Cùng với sự phát triển của các thiết bị công nghệ, EDM nhanh chóng có sức lan tỏa qua các lễ hội nhạc nhảy (Dance Festival).

Sự thành công của EDM tại thị trường Việt Nam có lẽ cũng bắt nguồn từ xu thế này. Vừa thoải mái xả stress, nhấm nháp vài chai bia sau một ngày căng thẳng, vừa hòa điệu cùng hàng ngàn người có cùng đam mê âm nhạc, thật sự là lựa chọn thú vị cho người trẻ. Hanoi Sound Festival do DJ Trí Minh cầm trịch ngày càng tạo được tiếng vang và “vắt mồ hôi” người tham dự, Monsoon của Quốc Trung với phần trình diễn của các DJ cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình, tạo cơn sốt. Hàng loạt buổi biểu diễn của các DJ tiếng tăm như  Steve Aoki, Fedde Le Grand, Afrojack, Justin Prime, Dyro, Mike Mine, Vegas, W&W,… được tổ chức ở hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. HCM luôn chật kín và thường xuyên cháy vé là minh chứng cho cơn khát EDM. Và, cơn sốt này vẫn chưa dịu nhiệt khi hàng loạt buổi trình diễn của các nghệ sĩ như Tiesto, Armin Van Buuren tiếp tục được khán giả háo hức đợi chờ, “săn lùng”.

thi hieu am nhac nao se len ngoi
Chương trình The Remix - bệ phóng cho các tài năng EDM

Nghệ sĩ Việt nhanh chóng tiếp nhận và nhảy vào, từ phía ca sĩ biểu diễn cho đến các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Nếu như phía ca sĩ có Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh và gần đây là Tóc Tiên, Issac,… thì phía nhạc sĩ, nhà sản xuất có Võ Thiện Thanh, Nguyễn Hải Phong, Đỗ Hiếu, Phúc Bồ, Long Halo,… cùng các DJ đình đám như Hoàng Anh, Hoàng Touliver, Mike Hào,…

Đầu năm 2015, The Remix – Hòa âm ánh sáng lần đầu tiên ra mắt, ngay lập tức tạo nên sức hút chưa từng có và gần như chiến thắng tuyệt đối các chương trình truyền hình thực tế âm nhạc khác về tỉ lệ người xem qua màn ảnh nhỏ cũng như trực tiếp tại trường quay. Cơn sốt này có vẻ chưa dừng lại khi mùa 2 đang tiếp tục tạo sóng.

Một thực tế, trong khi các liveshow âm nhạc gần như biệt tăm, nhiều chương trình có các danh ca trong nước và quốc tế phải liên tục hủy bỏ vì không bán được vé (dẫu được sự bảo trợ vàng của các nhãn hãng) thì EDM vẫn cứ ung dung “quẫy” cùng khán giả. Show này vừa qua, show khác ập tới. Và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Những gương mặt “quyền lực” của làng giải trí số

Thật khó để phân loại sản phẩm âm nhạc của những cái tên như Erik, Phan Mạnh Quỳnh, Tiên Cookie, Tiên Tiên hay Sơn Tùng M-TP,… vào một dòng cố định nào bởi phong cách của họ khá đa dạng. Điều này phản ánh gu nghe nhạc của cư dân mạng phân tán theo nhiều thị hiếu khác nhau, rất khó đoán định thay vì có tính thống nhất, thuần chất, đồng đều về chất lượng như tác phẩm truyền thống. Phan Mạnh Quỳnh với bản “hit” Vợ người ta, Tiên Tiên với những bài hát thấy sao kể vậy, không màu mè trau chuốt, nghiễm nhiên trở thành hiện tượng của năm 2015.

thi hieu am nhac nao se len ngoi
Phan Mạnh Quỳnh với bản hit Vợ người ta 

Sự đa dạng và sôi động trong làng giải trí trực tuyến đã có một tác động không nhỏ đến bộ mặt âm nhạc phổ thông. Thậm chí, nếu không nắm kịp thị hiếu, người làm nhạc sẽ ngay lập tức bị loại khỏi vòng quay biến đổi không ngừng.

Và những cái tên trụ lại ở phân khúc đã định hình

Phải thừa nhận rằng, sự phát triển của công nghệ giải trí số đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong làng nhạc. Hoạt động underground của thính giả yêu thích các thể loại nhạc ít đại chúng hơn như rock, jazz/blue jazz, pop ballad, R&B, dance, electro, worldmusic hay semi classic,... dần bước ra ánh sáng và hoạt động rõ nét hơn trước. Cùng với sự định hình rõ ràng này, các ca sĩ dường như tự tin hơn về con đường phát triển âm nhạc mà họ lựa chọn. Hà Anh Tuấn, sau nhiều năm thể nghiệm đã mạnh dạn trở lại theo đuổi R&B, Tùng Dương, Nguyễn Đình Thanh Tâm thủy chung với Jazz/blue jazz, Phạm Thu Hà, Đức Tuấn với semi classic, Phương Linh ngọt ngào với pop ballad,…

Thực tế cho thấy đây cũng chính là xu hướng tất yếu và chuyên nghiệp tại các thị trường âm nhạc phát triển trên thế giới.

Li Lam