Thêm bãi đỗ xe thông minh vận hành vào năm 2014

07:00 | 21/07/2013

1,623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được đầu tư kinh phí lên tới hàng trăm tỉ đồng, hai dự án xây dựng bãi đỗ xe (BĐX) Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan hiện đang là mối quan tâm của nhiều chủ phương tiện giao thông. Đây được xem là “cánh cửa thoát hiểm” của tình trạng tìm nơi đỗ xe khó như “đãi cát tìm vàng” hiện nay. Ông Phạm Văn Đức - Phó giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử PetroTimes về dự án này.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những thông tin về hai dự án BĐX đang rất được quan tâm hiện nay là dự án BĐX Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan mà đơn vị mình đang thực hiện?

PGĐ Phạm Văn Đức: Không chỉ có người dân mà lãnh đạo UBND thành phố cũng rất quan tâm đến hai dự án BĐX chuẩn bị được triển khai là dự án BĐX Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) và BĐX Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình). Về quy mô đầu tư, dự án BĐX tại phố Trần Nhật Duật có diện tích lắp dựng là 422m2, sức chứa 91 xe, còn dự án BĐX Nguyễn Công Hoan có diện tích lắp dựng là 1.000m2, sức chứa tới 221 xe. Hai khu đất này do Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý nên không phải giải phóng mặt bằng như các dự án thông thường mà chỉ thực hiện di dời các cây xanh, cột điện và công trình ngầm sao cho phù hợp với tổng mặt bằng đã được các sở, ngành chấp thuận.

PV: Được biết hai dự án này vốn đã được khởi động từ gần 3 năm nay nhưng đến giờ mới bước đầu đi vào “hiện thực hóa”. Tại sao tiến độ thực hiện lại bị chậm trễ như vậy, thưa ông?

PGĐ Phạm Văn Đức: Trước đây, hai dự án này, UBND thành phố có chủ trương cho phép công ty được đầu tư bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển và thành phố hỗ trợ tiền lãi vay nên công ty đã phối hợp với các sở, ngành tư vấn, hoàn thành xong các thủ tục chuẩn bị đầu tư cần thiết và bắt tay vào thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến tháng 2/2013, sau khi phân tích về cơ chế tài chính cho dự án và hiệu quả kinh tế xã hội dự án mang lại thì thành phố đã quyết định cho phép công ty sử dụng 100% ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy nên công ty phải thực hiện lại thủ tục chuẩn bị đầu tư từ đầu theo đúng quy định nên kế hoạch triển khai có bị chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và thủ tục, dự kiến sẽ được thành phố phê duyệt trong tháng 7/2013. Sau đó công ty sẽ bước vào giai đoạn thực hiện dự án.

Mô hình bãi đỗ xe Nguyễn Công Hoan

Ngoài ra, nguyên nhân một phần của sự chậm trễ này còn do hệ thống thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài nên phải trải qua nhiều thủ tục “rườm rà” và cần có thời gian. Các đơn vị trong nước hiện nay chưa sản xuất được hệ thống thiết bị này.

PV: Hai dự án này sẽ sử dụng công nghệ nâng hạ tự động, ông có thể nói thêm về tính ưu việt của công nghệ này? Có những điểm khác biệt gì so với những BĐX ngầm phổ biến trước đây?

PGĐ Phạm Văn Đức: Công ty đã phối hợp với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước phân tích ưu nhược điểm của các hệ thống đỗ xe và đề xuất dự án sử dụng công nghệ đỗ xe cao tầng theo nguyên lý xếp hình nâng hạ, dịch chuyển ngang có xuất xứ từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Về công nghệ, thành phố đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thẩm tra và Hội đồng Thẩm định công nghệ cũng đã kết luận là phù hợp. Các dàn đỗ xe với kết cấu thép được chia nhỏ thành các block, một block có 4 hàng, 4 tầng, mỗi tầng sẽ chứa được 13 chiếc ôtô. Chủ phương tiện chỉ cần lái xe vào vị trí tấm Palet, sau đó xe sẽ được tự động nâng lên và đưa vào vị trí trống của block.

Rõ ràng là hình thức BĐX cao tầng nâng hạ tự động có kinh phí đầu tư thấp hơn nhiều so với hình thức bãi đỗ xe ngầm. Đầu tư những bãi đỗ xe ngầm sẽ phải quan tâm đến xử lý nền móng, tường bao, hệ thống thông gió, thoát nước, phòng cháy chữa cháy... nên kinh phí đầu tư sẽ “đội” lên rất nhiều.

PV: Trong quá trình triển khai dự án, công ty có gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

PGĐ Phạm Văn Đức: Về mặt thuận lợi thì đây là dự án mới, được đầu tư với mục tiêu phục vụ lợi ích công cộng nên UBND thành phố và các sở, ngành thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Ngoài ra, chúng tôi còn có những thuận lợi khác như: có mặt bằng “sạch” do hai khu đất này đã thuộc sự quản lý của công ty và nguồn vốn đầu tư được sử dụng 100% ngân sách Nhà nước.

Về khó khăn thì cũng một phần là dự án mới nên các tiêu chuẩn về thiết kế, thi công, lắp đặt... phải tham khảo nhiều để khắc phục tối đa các hạn chế, ngay trong việc lắp đặt cũng phải rất cẩn trọng, kỹ lưỡng, nhất là với một số hạng mục sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Cũng bởi thế, trong quá trình làm việc với các sở, ngành cũng gặp rất nhiều khó khăn vì phải trải qua nhiều phần thẩm tra, thẩm định.  

PV: Cuộc họp thường kỳ của HĐND Hà Nội vừa qua đã chốt mức thu lệ phí trước bạ tại thủ đô đối với xe ôtô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu là 12% (mức phí trước đó là 15%). Chắc chắn sẽ có thêm nhiều cá nhân có cơ hội sở hữu xe ôtô. Đơn vị của ông sẽ có giải pháp gì để đối phó với “gánh nặng thêm chồng chất” như vậy?

PGĐ Phạm Văn Đức: Theo tôi, rõ ràng chính sách này sẽ kích cầu đăng ký sử dụng ôtô và lượng ôtô sẽ tăng theo. Trong thời gian tới, thành phố chắc chắn sẽ chú trọng thêm nhiều dự án BĐX mới để có thể đáp ứng hơn nữa đối với nhu cầu đỗ gửi đang rất cấp thiết của người dân. Về phía Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để ngày càng có thêm nhiều dự án mới được sớm đưa vào triển khai.

PV: Thành phố Hà Nội đang chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh BĐX, thế nhưng nhiều nhà đầu tư còn rất e dè. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

PGĐ Phạm Văn Đức: Hiện nay, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi vấn đề giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho dự án, vốn đầu tư lớn và việc làm sao để thu hồi vốn nhanh là những khó khăn mà các doanh nghiệp đều vấp phải. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu cũng rất quan tâm và làm việc với chúng tôi về vấn đề đầu tư BĐX. Họ rất băn khoăn về việc làm sao có thể thu hồi vốn, bởi đầu tư kinh phí thì quá lớn, trung bình mỗi dự án đều lên tới nhiều chục tỉ đồng nhưng tiền thu về thì “nhỏ giọt” bởi UBND thành phố vẫn đang áp dụng cơ chế về phí trông giữ. Trong khi đó, thị trường nước ngoài lại hấp dẫn hơn, bởi họ có thể thu hồi vốn nhanh hơn ở Việt Nam do các nhà đầu tư được tự quyết về giá trông giữ. Đối với các nhà đầu tư thì họ sẽ quan tâm đến lợi nhuận hơn là hiệu quả xã hội. Chính vì thế, Việt Nam không phải là thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đối với doanh nghiệp trong nước, việc này càng trở nên khó khăn hơn.

PV: Thưa ông, có một thực tế vẫn đang tồn tại là có rất nhiều dự án BĐX chưa xây dựng đã bị chuyển đổi mục đích. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

PGĐ Phạm Văn Đức: Thực tế thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng của các dự án BĐX hiện nay là do lợi ích của các nhà đầu tư. Đương nhiên họ sẽ sử dụng khoản đầu tư của mình một cách hợp lý nhất. Thay vì đầu tư BĐX thì họ đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê, hoặc trung tâm thương mại và các công trình kiến trúc có khả năng thu lợi nhuận. Thế nên mới có chuyện thừa trung tâm thương mại nhưng thiếu BĐX là như vậy. Việc này là do công tác quản lý, giám sát sau đầu tư của các cơ quan còn chưa được “sâu sát” nên dẫn đến tình trạng quy hoạch BĐX đã phê duyệt từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn không triển khai được .

PV: Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất sẽ cho doanh nghiệp tự quyết định giá trông giữ xe. Mức phí của hai BĐX Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan chắc chắn được rất nhiều chủ phương tiện quan tâm. Ông có suy nghĩ gì về mức phí sẽ được áp dụng tại hai BĐX này?

PGĐ Phạm Văn Đức: Vì hai dự án này có vốn đầu tư 100% từ nguồn ngân sách Nhà nước và được sử dụng để phục vụ lợi ích công cộng nên chắc chắn sẽ vẫn sử dụng cơ chế phí theo Quyết định 47 của UBND TP Hà Nội. Mỗi chủ phương tiện sẽ phải trả phí theo lượt là 30.000 đồng/lượt (1 lượt = 120 phút) cho xe từ 9 chỗ trở xuống. Phí trông giữ theo tháng sẽ dao động tùy theo khu vực và theo thời điểm gửi xe ngày, đêm với mức phí 1.100.000-3.500.000 đồng/tháng.

PV: Ông có thể cho biết, hai dự án này sẽ hoàn tất và được đưa vào sử dụng trong thời gian nào?

PGĐ Phạm Văn Đức: Chúng tôi vẫn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi công lại dự án trong thời gian sớm nhất. Theo tiến độ, đến đầu quý I/2014, hai dự án này sẽ vận hành chạy thử và được đưa vào hoạt động để phục vụ cho nhu cầu gửi xe, đỗ xe của người dân.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố mới có 687 điểm đỗ xe có phép với diện tích hơn 12ha, trong khi số lượng xe ôtô toàn thành phố là 400.000 chiếc cùng hàng triệu xe máy. Như vậy, diện tích bãi đỗ xe có phép mới chỉ đáp ứng được 8-10% tổng số phương tiện, còn lại 90% các phương tiện đang dừng đỗ sai quy định. Trong khi đó, nhiều điểm trông giữ xe tư nhân thu phí với giá "cắt cổ".

Trước sự cấp bách về nhu cầu BĐX, thành phố đã quyết định triển khai hai dự án BĐX có quy mô và được đầu tư 100% vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước là dự án BĐX Trần Nhật Duật và BĐX Nguyễn Công Hoan. Tổng vốn đầu tư của hai dự án này lên tới 120 tỉ đồng. Dự kiến đến đầu quý I/2014 sẽ đi vào hoạt động với sức chứa các phương tiện tăng gấp 4 lần.

Hai BĐX Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan hiện đang là hai dự án nhận được nhiều sự quan tâm của người dân - những người đang sở hữu phương tiện cá nhân mà hằng ngày vẫn "bị buộc" phải vi phạm lỗi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định.


Hồng Nhung (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc