Thế giới đêm qua - 4/1

08:57 | 05/01/2019

487 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hàng chục cảnh sát thương vong vì bị tập kích bất ngờ tại Myanmar. Pháp công bố kế hoạch hành động đối phó vấn đề di cư. Lực lượng người Kurd tìm kiếm thỏa thuận với chính quyền Syria. 
the gioi dem qua 41Tin nóng thế giới hôm nay - 4/1
the gioi dem qua 41Thế giới đêm qua - 3/1
the gioi dem qua 41
Lực lượng biên phòng có vũ trang Myanmar gác tại tiền đồn ở Maungdaw, bang Rakhine tháng 6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Hàng chục cảnh sát thương vong vì bị tập kích bất ngờ tại Myanmar

Theo nguồn tin quân đội Myanmar, đã có 13 cảnh sát Myanmar thiệt mạng trong vụ tấn công do phiến quân thực hiện nhằm vào các đồn cảnh sát. Các vụ tấn công xảy ra sáng 4/1 khi hàng trăm tay súng của nhóm tự xưng Quân đội Arakan (AA) đã ồ ạt tập kích 4 đồn cảnh sát tại khu vực Buthidaung của bang Rakhine.

Giao tranh dữ dội khiến lực lượng an ninh phải rút khỏi hai đồn cảnh sát và làm 9 nhân viên an ninh khác bị thương. Quân đội Myanmar hiện đang đẩy mạnh truy quét tại khu vực trên. Vụ tấn công này xảy ra vào đúng dịp Myanmar kỷ nhiệm Ngày Quốc khánh.

Trong khi đó, phiến quân AA tuyên bố đã thả 12 thành viên của lực lượng an ninh mà nhóm này bắt giữ khi giao tranh. Nhóm này tuyên bố cuộc tấn công trên là nhằm đáp trả các vụ truy quét của quân đội Myanmar trong những tuần qua.

2. Pháp công bố kế hoạch hành động đối phó vấn đề di cư

Theo AFP, ngày 4/1, chính phủ Pháp đã công bố một kế hoạch hành động chống lại việc người di cư tìm cách vượt eo biển Manche tới Anh bằng đường biển. Kế hoạch này bao gồm việc gia tăng tuần tra bờ biển và tăng cường giám sát tại các cảng.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, những biện pháp mới này sẽ được bổ sung vào một kế hoạch hành động chung được chính phủ Pháp và Anh công bố hôm 31/12/2018. Thông báo có đoạn: "Kế hoạch này sẽ giúp chúng tôi chấm dứt nạn vượt biên này. Điều này nằm trong lợi ích của chúng tôi cũng như của Anh, để làm mọi thứ nhằm ngăn chặn sự phát triển của những mạng lưới buôn người mới, vốn thu hút người di cư bất hợp pháp trở lại bờ biển của chúng tôi".

3. Lực lượng người Kurd tìm kiếm thỏa thuận với chính quyền Syria

Ngày 4/1, truyền thông Trung Đông cho biết, các nhà lãnh đạo lực lượng người Kurd tại Syria đang tìm kiếm khả năng đạt được một thỏa thuận chính trị do Nga làm trung gian với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi quốc gia này.

Các lực lượng người Kurd hiện kiểm soát phần lớn miền Bắc Syria đã đề xuất một lộ trình hướng tới thỏa thuận với chính quyền Damascus trong khuôn khổ các cuộc gặp gần đây với Nga và hiện đang chờ đợi phía Moskva phản hồi.

Hoạt động đàm phán với Nga và lời đề nghị mới với chính quyền Tổng thống Assad phản ánh sự điều chỉnh chiến lược của các lực lượng người Kurd sau tuyên bố rút quân của Mỹ. Ưu tiên ngay lập tức của họ là tìm cách tăng cường khả năng phòng vệ, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

4. Văn phòng Đài truyền hình Palestine tại Gaza bị tấn công

Ngày 4/1, truyền thông Trung Đông cho biết, văn phòng tại Gaza của Đài truyền hình Palestine (Palestine TV) cùng ngày đã bị tấn công và cướp phá. Giám đốc văn phòng Đài truyền hình Palestine, Rafat Al-Qidra cho biết, đã có 5 người đột nhập vào cơ sở hệ thống thông tin của văn phòng này sáng 4/1 và phá hủy máy móc, thiết bị biên tập và truyền phát trị giá gần 150.000 USD.

Đài truyền hình này hiện phát sóng các nội dung thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Palestine TV đã cáo buộc phong trào Hamas là thủ phạm vụ tấn công. Trong khi đó, phong trào Hamas lên tiếng phủ nhận và lên án hành động tấn công này.

Sự việc này càng làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Palestine (PA) ở Bờ Tây và phong trào Hồi giáo Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza. Nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine này đã thất bại.

5. Somalia từ chối Đặc phái viên Liên hợp quốc quay trở lại

Ngày 4/1, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed đã trao đổi với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về việc Somalia sẽ không đảo ngược quyết định trục xuất Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Somalia, người đã nêu quan ngại về tình hình nhân quyền của nước này.

Đây là cuộc điện đàm lần thứ hai của ông Guterres với nhà lãnh đạo Somalia sau 3 ngày, trong đó Tổng thư ký Liên hợp quốc một lần nữa thúc giục Tổng thống Somalia thay đổi quyết định. Tuy nhiên, Tổng thống Somalia khẳng định rằng Đặc phái viên của Liên hợp quốc Nicholas Haysom là người không được hoan nghênh và từ chối thay đổi quyết định trước các áp lực.

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, ông Guterres “rất lấy làm tiếc” về quyết định của Somalia. Tuy nhiên, ông Guterres dự định sẽ bổ nhiệm một Đặc phái viên mới của Liên hợp quốc tại nước này.

Lâm Anh (t/h)