Thế giới đêm qua - 2/11

06:00 | 03/11/2018

572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã đưa ra bình luận tại Australia rằng Trung Quốc nên tuân thủ nguyên tắc ứng xử để tránh những vụ va chạm bất ngờ trên biển sau khi tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc áp sát "thiếu chuyên nghiệp" một tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 9/2018.

1. Tư lệnh Hải quân Mỹ: Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển

Trong khuôn khổ chuyến thăm tới 4 quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã đưa ra bình luận tại Australia rằng Trung Quốc nên tuân thủ nguyên tắc ứng xử để tránh những vụ va chạm bất ngờ trên biển sau khi tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc áp sát "thiếu chuyên nghiệp" một tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 9/2018. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Đô đốc Richardson cho rằng việc chiến hạm Mỹ và Trung Quốc chạm trán nhau tại Biển Đông không phải là hiếm, và đa số vụ việc đều tuân thủ Bộ Quy Tắc về Tránh Va Chạm Bất Ngờ Trên Biển (CUES). Thế nhưng theo ông, cách ứng xử của tàu Trung Quốc với tàu USS Decatur ở vùng biển quanh đá Ga Ven vào tháng 9 vừa qua đã đi chệch khỏi bộ quy tắc này.

the gioi dem qua 211
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson

2. Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận Cuba

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ trừng phạt Cuba. Nghị quyết được 189 nước thông qua, nhưng không mang tính ràng buộc và chỉ có ý nghĩa chính trị và ngoại giao. Và cũng như năm ngoái, chỉ có Hoa Kỳ và Israel bỏ phiếu chống. Còn Ukraine và Moldova vắng mặt. Theo AFP, từ 27 năm qua, tức là từ năm 1992 đến nay, hàng năm, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên tục bỏ phiếu thuận kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận Cuba, mà Washington áp đặt từ năm 1962.

3. Nhật thông qua dự luật mở rộng đón nhận lao động nước ngoài

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua vào ngày 2/11/2018 một dự luật nhằm tạo điều kiện đón tiếp thêm lao động nước ngoài trong một số ngành thiếu nhân công. Đây là một bước tiến trong chính sách đón lao động nước ngoài vốn rất khe khắt tại Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe muốn áp dụng luật mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua vào tháng 4/2019. Theo dự luật mới mà chính phủ đã thông qua, sẽ có hai loại giấy phép cho người lao động nước ngoài, một dành cho những người có bằng cấp, tay nghề cao như cho đến nay, và một loại cho những người tay nghề thấp, lao động trong những lãnh vực thiếu nhân công, như trong ngành xây dựng, nhà hàng hay trợ giúp người bệnh, người già… Những người hội đủ các tiêu chí (tay nghề và thông thạo tiếng Nhật) có thể mang theo gia đình và sẽ có giấy phép cư trú thường xuyên. Cho đến nay, những người tay nghề cao và đáp ứng những điều kiện đòi hỏi được vào Nhật Bản làm việc 5 năm.

4. Nga trừng phạt tài chính hàng trăm cá nhân Ukraine

Theo Reuters, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký nghị định về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với tầng lớp tinh hoa của Ukraine, đóng băng tài sản ở Nga của hàng trăm chính trị gia và quan chức cùng với hàng chục cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu của các doanh nhân Ukraine. Đây được coi là một biện pháp đáp trả các hành động tương tự của Ukraine đối với các công dân và công ty Nga. Trong số 322 cá nhân và 68 doanh nhân bị nhắm mục tiêu có con trai Olexiy của Tổng thống Petro Poroshenko, ứng viên Tổng thống Yulia Tymoshenko, Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov và tỷ phú Victor Pinchuk. Theo nghị định trên, các cá nhân và công ty bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản và tài chính ở Nga và sẽ không thể mang về Ukraine.

5. Sri Lanka: Chủ tịch Quốc hội chống lại lệnh của Tổng thống

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya ngày 2/11 đã chống lại lệnh đình chỉ Quốc hội của Tổng thống nước này, đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc họp của các nhà lập pháp vào tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng Hiến pháp đang căng thẳng tại quốc gia này. Người phát ngôn của ông Jayasuriya cho biết Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc gặp với 118 nghị sỹ và cam kết Quốc hội sẽ mở cửa hoạt động vào ngày 7/11 tới. Trước đó, Tổng thống Maithripala Sirisena đã ra lệnh đình chỉ Quốc hội gồm 225 thành viên đến ngày 16/11 trong bối cảnh tình hình chính trị rối loạn sau quyết định của ông về việc cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe để bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa vào vị trí này.

the gioi dem qua 211Tin nóng thế giới hôm nay - 2/11

Th.Long

AFP