Thế giới đêm qua - 16/12

09:38 | 17/12/2018

229 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ-Hàn bàn về thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tổng thống Ukraine: Nga duy trì hiện diện quân sự cao tại biên giới. Xe chở bom phát nổ gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, 9 người tử vong.
the gioi dem qua 1612Tin nóng thế giới hôm nay - 16/12
the gioi dem qua 1612Tin nóng thế giới hôm nay - 15/12
the gioi dem qua 1612
Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Do-hoon trong cuộc gặp đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 11/9/2018. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

1. Mỹ-Hàn bàn về thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Các quan chức ngày 16/12 cho biết, đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun sẽ tới Seoul vào cuối tuần này để gặp người đồng cấp Hàn Quốc, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Do-hoon trong một cuộc gặp trực tiếp của nhóm công tác chung về Triều Tiên. Tại cuộc gặp sắp tới này, hai bên sẽ bàn về thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như các cách để tái khởi động đàm phán.

Seoul và Washington đã thành lập một nhóm công tác chung hôm 20/11 nhằm liên lạc "chính thức, thường xuyên và có hệ thống" về chính sách Triều Tiên trong bối cảnh hai nước đồng minh gia tăng các nỗ lực phối hợp chính sách với mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

2. Tổng thống Ukraine: Nga duy trì hiện diện quân sự cao tại biên giới

AFP đưa tin Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 16/12 tuyên bố Nga duy trì hiện diện quân sự cao tại biên giới Ukraine khi chỉ rút "ít hơn 10%" lực lượng kể từ khi căng thẳng giữa hai nước lên tới đỉnh điểm vào tháng 11. Ông Poroshenko khẳng định: "Phần đông (binh sỹ) vẫn ở đó, chỉ chưa tới 10% (số binh sỹ) đã được rút bớt".

Sau cuộc đụng độ trên biển với Moskva tại Biển Đen vào cuối tháng 11, Tổng thống Poroshenko đã cáo buộc Nga tăng cường rõ rệt hiện diện quân sự tại biên giới. Ukraine cũng cảnh báo mối đe dọa về "một cuộc chiến tranh toàn diện."

3. Xe chở bom phát nổ gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, 9 người tử vong

Một xe chở bom phát nổ tại một khu chợ ở thành phố Afrin, Tây Bắc Syria, ngày 16/12 khiến ít nhất chín người thiệt mạng. Vụ việc này là vụ tấn công mới nhất nhằm vào các thị trấn do các nhóm tay súng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát. Vụ nổ diễn ra chỉ vài ngày sau một vụ tấn công tương tự xảy ra tại các khu vực đông dân cư ở các thị trấn Azaz, Rae và al Bab gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ do các lực lượng được Ankara hậu thuẫn kiểm soát.

Các tay súng và dân cư tại khu vực Tây Bắc do phiến quân kiểm soát, phần lớn dân Arab sinh sống, nghi ngờ Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) gây ra các vụ tấn công này nhằm gieo rắc nỗi sợ và gây bất ổn khu vực trước khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tấn công các khu vực YPG kiểm soát tại phía Đông sông Euphrates ở miền Bắc Syria.

4. Bất chấp xung đột, Qatar không có kế hoạch rút khỏi GCC

Sputniknews đưa tin Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani ngày 16/12 tuyên bố Qatar không có kế hoạch rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm 6 nước Arab, bất chấp xung đột với các nước láng giềng.

Hồi đầu tháng 12, Qatar thông báo ý định rời khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ ngày 1/1/2019 nhằm tập trung vào sản xuất khí đốt hóa lỏng. Trước đó, Quốc vương Qatar đã không tới Saudi Arabia tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên GCC vào tháng 12 mặc dù được Quốc vương Saudi Arabia gửi lời mời. Thay vào đó, Qatar cử một đại diện cấp thấp hơn. Sau hội nghị, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir khẳng định Qatar cần thực hiện các điều kiện của 4 nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với Doha để có thể trở lại là thành viên chính thức của GCC.

5. Các lực lượng Tên lửa Nga sẽ xem xét việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF

Theo Sputniknews, Chỉ huy Các lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, Thượng tướng Sergei Karakaev cho biết các lực lượng này sẽ xem xét những hậu quả của việc Mỹ có thể rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm Trung (INF) khi lên kế hoạch hành động.

Trả lời phỏng vấn báo Krasnaya Zvezda, Tướng Karakaev nêu rõ: "Ảnh hưởng của những hậu quả từ việc Mỹ rút khỏi INF và việc Mỹ sau đó triển khai những tên lửa tầm trung tại châu Âu và những mối đe dọa mới với an ninh liên quan tới khu vực này, chắc chắc sẽ được tính tới khi lên kế hoạch tác chiến của Các lực lượng Tên lửa Chiến lược." Ngoài ra, theo Thượng tướng Karakaev, Các lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga sẽ tiếp nhận khoảng 100 loại vũ khí mới, trong đó có những hệ thống tên lửa Yars.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc