THẾ GIỚI 24H: Mỹ sẽ triển khai quân rầm rộ đến Syria?

07:00 | 10/11/2015

1,605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng nếu Mỹ tìm được thêm lực lượng tại chỗ có quyết tâm và năng lực chống quân IS ở Syria, thì ông và Tổng thống Barack Obama sẵn sàng triển khai thêm quân Mỹ tới đó.
the gioi 24h my neu dieu kien trien khai quan ram ro den syria
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tham chiến ở Syria chống lại IS

Xuất hiện trên chương trình This Week của đài truyền hình ABC của Mỹ, ông Carter nói rằng điều Mỹ rút ra kinh nghiệm ở Iraq và Afghanistan rằng điều mấu chốt nhằm giành chiến thắng đó là phải có các lực lượng địa phương có khả năng duy trì hòa bình một khi họ được hỗ trợ giành thắng lợi.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng công nhận tìm được lực lượng như thế ở Syria và Iraq không phải chuyện dễ cho nên sẽ mất nhiều thời gian.

 “Những lực lượng đó khó có thể tìm thấy ở Iraq và Syria. Đó là lý do vì sao sẽ mất thêm một thời gian giữa vì chúng ta cần phải giúp phát triển, khuyến khích và tăng cường khả năng cho các lực lượng đó. Điều ta thấy hiện nay là một số lực lượng muốn chiến đấu chống lại IS và đã cho thấy hiệu quả trong việc chiến đấu chống IS, và nếu họ gia tăng số lượng, chúng ta sẽ làm thêm nữa. Nếu chúng ta phát hiện thêm các nhóm sẵn sàng chiến đấu chống lại IS, và họ có khả năng, có lựa chọn, thì chúng ta sẽ thực hiện thêm nữa. Tổng thống đã cho thấy sẵn lòng thực hiện thêm nữa.  Tôi dĩ nhiên sẵn sàng đề xuất ông làm thêm nữa, nhưng ta cần phải có các lực lượng địa phương có khả năng. Đó là điểm mấu chốt để duy trì thắng lợi”-ông Carter nhận định.

Ông Carter nói thêm rằng con số binh sĩ Mỹ tham gia không phải là điều quan trọng, mà là điều họ làm. “Họ có các kỹ năng độc đáo, có thể kêu gọi không kích, có thể cấp tin tức tình báo. Vì thế, họ là thành phần cốt cán cho một lực lượng lớn hơn 50 người, nhưng bao gồm những người địa phương”.

Khi được hỏi là liệu Mỹ có trở lại tham chiến trong khu vực, người đứng đầu Lầu Năm Góc miêu tả IS là một tổ chức tàn ác đang đe dọa an ninh của Mỹ, và ông cũng nói thêm rằng Mỹ cần phải bảo vệ bản thân. Ông Carter nói rằng Nhà nước Hồi giáo cần phải bị đánh bại, và sẽ bị đánh bại.

Xuất hiện trên một chương trình khác của Mỹ có tên gọi “Meet the Press” của Đài NBC, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, Thượng nghị sĩ Diane Feinstein nói rằng hàng chục lính biệt kích Mỹ không đủ để hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu ta sử dụng lực lượng biệt kích để ‘đánh nhanh, thắng nhanh’ thì ta cần phải thực hiện điều đó với cách thức toàn diện hơn nhằm đánh bại IS. Tổ chức này không chỉ có một cơ sở, một tòa nhà ở Raqqa hay ở một nơi nào đó, mà có ở nhiều nơi khác nhau. Hiện xuất hiện quan điểm cho rằng oanh kích không thôi thì không thể đánh bại IS. Chúng ta đã thực hiện 7 nghìn vụ xuất kích. Các nước khác cũng thực hiện điều đó. Chúng ta đã thực hiện phần lớn các vụ xuất kích, nhưng điều đó vẫn không giúp thay đổi tình thế”.

Bà Feinstein gợi ý phối hợp chiến lược với Nga để đánh bại IS ở Syria.

Trong khi đó, hãng tin Anh Reuters trích dẫn nguồn tin quân sự Mỹ vào hôm 8/11 cho biết : chiến dịch oanh kích vào lực lượng IS ở Syria đã gia tăng đáng kể trong những ngày qua. Từ ba lần xuất kích trong tuần lễ cuối của tháng 10, số phi vụ tấn công của không quân Mỹ và đồng minh đã lên đến 56 một tuần sau đó.

Theo nguồn tin Mỹ, từ ngày 30/10 đến 6/11, 56 cuộc oanh kích đã nhắm vào các thành phố Mara, al Hawl, al Hasakar, Dayr az Zawr. Riêng trong ngày 7/11, thì đã có hơn một chục phi vụ được thực hiện.

Việc gia tăng các phi vụ, theo Reuters, trùng hợp với quyết định của Washington, gia tăng nỗ lực để triệt hạ tổ chức IS, sau khi hoài công huấn luyện lực lượng nổi dậy Syria để chống quân IS.

G20 cải cách hay là chết?

Sẽ có những cải cách được đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng “quá lớn để có thể bị sụp” đối với các ngân hàng. Ông Mark Carney, Chủ tịch Ban Ổn định tài chính (FSB), cho biết như vậy vào hôm qua. FSB chịu trách nhiệm phối hợp các quy định trong nhóm các cường quốc kinh tế G20 nhằm thu hẹp những khoảng cách được lộ diện trong khủng hoảng tài chính từ năm 2007 đến 2009.

Trong một lá thư gửi tới lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 trước thượng đỉnh G20 tổ chức vào tuần tới ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Carney viết rằng rất nhiều những cải cách đã được thực hiện ngay tức khắc và kiên quyết. Ông Carney, người đồng thời cũng là thống đốc ngân hàng Anh, cho biết FSB đang hoàn tất những công cụ cuối cùng cần thiết để giảm hiện tượng quá lớn để có thể bị sụp và coi đây là một cải cách chính cuối cùng cho cuộc khủng hoảng tài chính.

Vào năm 2009, nhóm các nước G20 đã trao cho FSB nhiệm vụ đưa ra một loạt các cải cách từ việc tăng những đòi hỏi về vốn đối với các ngân hàng đến việc soi rọi ánh sáng vào những thị trường phát sinh, cắt giảm những khoản thưởng cho các lãnh đạo ngân hàng.

Khi người di cư nổi loạn

Các giới chức Úc cho hay người biểu tình đã nổi lửa tại một trung tâm giam giữ do Úc điều hành trên một hòn đảo hẻo lánh sau cái chết của một người tị nạn gốc Iran.

Cơ quan di trú Úc cho hay đã điều lực lượng bảo vệ và nhân viên ra khỏi trại tập trung người tị nạn trên đảo Christmas ở Ấn Độ Dương, phía nam đảo Java của Indonesia.

Bạo động bùng phát sau khi thi thể của công dân gốc Iran được phát hiện trên những vách đá của hòn đảo hôm 7/11, một ngày sau khi ông trốn chạy khỏi trại tập trung.

Khoảng 203 người đàn ông đang bị giam giữ tại trung tâm này trên đảo Christmas. Nhiều người trong số này bị chặn bắt trên những chiếc thuyền ọp ẹp khi đang trên đường trốn chạy khỏi các nước bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông và châu Á với hy vọng tới được Úc và được cấp quy chế tị nạn tại đây.

Một số người khác xuất xứ từ New Zealand là những phạm nhân hình sự đang chờ bị trục xuất sau khi visa lưu trú ở Úc bị tịch thu.

Chính phủ nói hành trình bằng đường biển của người tỵ nạn đến Úc rất nguy hiểm và do các băng nhóm tội phạm điều khiển và Úc phải có trách nhiệm ngăn chặn. Các nhà đấu tranh nói việc chống lại người tỵ nạn gây ra tình trạng phân biệt dân tộc và điều đó đe dọa uy tín của Úc.

Chính sách này đã bị giám đốc tổ chức Human Rights Watch của Úc coi là “thảm họa”. Nhóm này cũng đã tỏ ra quan ngại với tình trạng ở trại Manus. Các chính trị gia đối lập ở Úc đang kêu gọi xem xét lại các điều kiện tại trung tâm giam giữ ở đảo Christmas này.

IS cũng có mật vụ

 Cảnh sát Ai Cập hôm qua thông báo đã hạ sát một đặc vụ hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị truy nã vì dính líu tới một loạt các vụ tấn công ở Ai Cập.

Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết lực lượng an ninh đã bắn chết Ashraf Ali El-Gharably sau khi đương sự nổ súng và tìm cách tẩu thoát tại thủ đô Cairo.

Một tuyên bố của Bộ này cho biết Gharably là thủ lĩnh của nhóm chủ chiến Ansar Beit al-Maqdis phía tây bán đảo Sinai. Nhóm này cam kết trung thành với IS hồi năm ngoái.

Gharably là một trong những nhân vật chủ chiến bị truy nã gắt gao nhất tại Ai Cập.

Một quan chức cảnh sát nói với hãng thông tấn Pháp AFP rằng nhân vật này từng là trợ lý hàng đầu cho một phần tử Hồi giáo được xem là lãnh đạo một loạt các vụ đánh bom ở Cairo cho nhóm Ansar Beit al-Maqdis, trước khi nắm giữ một vai trò lớn hơn trong nhóm.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h my neu dieu kien trien khai quan ram ro den syria
Ngân hàng Thế giới vào hôm 8/11 đã lên tiếng cảnh báo: 100 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo khó cùng cực trong 15 năm tới đây, nếu không có một hành động nào được thực hiện nhằm kềm hãm đà thay đổi khí hậu.

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti