Nhận định:

Thấy gì từ việc Đức xây dựng nhiều cảng nhập khẩu LNG?

15:16 | 20/12/2022

622 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mới đây, Đức đã khánh thành cảng khí đốt hóa lỏng (LNG) đầu tiên, như một giải pháp để tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt, cũng như để thay thế nguồn cung từ Nga - vốn đã bị cắt giảm đáng kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn cung trong ngắn hạn vẫn là một điều không chắc chắn.
Thấy gì từ việc Đức xây dựng nhiều cảng nhập khẩu LNG?
Tàu FSRU Hoegh Esperanza

Tại thành phố Wilhelmshaven ven bờ Biển Bắc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã mặc chiếc áo khoác màu vàng phản quang và đứng phát biểu trên boong của một chiếc tàu đang đậu gần cảng LNG mới. Ông nói: “Hôm nay là một ngày tốt lành đối với đất nước chúng ta, là ngày đánh tín hiệu cho toàn thế giới biết rằng, nền kinh tế Đức sẽ luôn vững mạnh”.

Vào hôm 15/12, tàu lưu trữ và tái hóa khí LNG nổi (FSRU), tên Hoegh Esperanza, đã thả neo tại Biển Bắc. Hai ngày sau, trong thời tiết lạnh giá và sương mù, Hoegh Esperanza đã phát còi chào mừng vị nguyên thủ của nước Đức.

Với chiều dài 300 mét, con tàu hùng vĩ này chứa khí đốt từ Nigeria, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng năm cho 50.000 hộ gia đình. Vào ngày 22/12, con tàu sẽ bắt đầu đợt phân phối đầu tiên.

Trong năm nay, nhờ năng lực tài chính của mình, Đức sẽ đưa được thêm 5 cảng LNG nổi khác đi vào hoạt động.

Thủ tướng nói thêm: “Đức đã tìm thấy nhịp điệu mới trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Tại khu vực Lubmin ở miền bắc nước Đức, một dự án FSRU của tập đoàn TotalEnergies (Pháp) cũng sẽ sớm hoàn thành.

Những cơ sở này sẽ đáp ứng được 1/3 nhu cầu khí đốt của Đức, giúp tạm thời loại bỏ những kịch bản về thảm họa thiếu hụt, vốn được đề cập từ vài tháng trước.

Vấn đề về hợp đồng

Những cảng lưu trữ LNG nổi sẽ tạo điều kiện nhập khẩu khí tự nhiên bằng đường biển và ở dạng lỏng. Chúng bao gồm một khu vực neo đậu và một đơn vị FSRU để tiếp nhận, lưu trữ và khí hóa LNG. Sau đó cảng sẽ bơm khí đốt vào mạng lưới quốc gia.

Không như những nước châu Âu khác, Đức từng không có cảng LNG trên lãnh thổ của mình, vì họ ưu tiên nguồn khí giá rẻ từ những đường ống của Nga. Trước đây, 55% khí đốt của Đức được mua từ Moscow.

Thế nhưng, khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra và Gazprom (công ty khí đốt nhà nước Nga) cắt giảm khí đốt, mọi thứ đã thay đổi. Do đó, Đức đã tăng cường hoạt động nhập khẩu khí hóa lỏng, thông qua trung gian là những cảng của Bỉ, Pháp và Hà Lan.

Để giảm chi phí vận chuyển, quốc gia này đã quyết định khởi động vài dự án xây dựng cảng LNG trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, Đức vẫn chưa ký kết những hợp đồng khí đốt đủ lớn để lấp đầy những cảng này ngay lập tức.

Trao đổi với AFP, ông Johan Lilliestam - một nhà nghiên cứu tại Đại học Potsdam, cảnh báo: “Năng lực nhập khẩu vẫn còn đó. Nhưng tôi lo về nguy cơ không có hàng”.

Thật vậy, Đức đã ký hợp đồng với công ty ConocoPhillips (Mỹ) và công ty nhà nước Qatar để mua khí đốt cho cảng LNG ở Wilhelmshaven. Nhưng họ phải chờ đến năm 2026 để nhận được lô hàng đầu tiên.

Chưa kể, những cuộc đàm phán giữa những công ty năng lượng của Đức - dẫn đầu là RWE và Uniper, với những nhà cung cấp lớn trên thế giới - như Qatar, Mỹ hay Canada, đang trên đà thất bại.

Những nhà sản xuất này muốn ký hợp đồng dài hạn để có lãi, nhưng Berlin lại muốn ký hợp đồng ngắn hạn để dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Vào cuối tháng 11, ông Robert Habeck - Bộ trưởng Bộ Kinh tế đã nhấn mạnh: “Các công ty phải hiểu rằng, nếu muốn tôn trọng các mục tiêu trung hòa carbon của mình, Đức phải giảm sản lượng nhập khẩu theo thời gian”.

Mặt khác, nhiều tổ chức đấu tranh vì môi trường đã lên tiếng chỉ trích LNG. Vào hôm 16/12, tổ chức Environmental Action Germany (DUH) đã tuyên bố sẽ có “hành động pháp lý” chống lại dự án Wilhelmshaven. Thành phố này cũng đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình, với nhiều nhà hoạt động đã cầm những bảng hiệu đề chữ “Hãy chấm dứt khí đốt”.

Nguy cơ bị cắt giảm

Thiếu hợp đồng lớn, để có nguồn cung trong ngắn hạn, Đức sẽ phải đối mặt với tính biến động của thị trường giao ngay.

Tuy giá đã giảm từ mùa hè 2022, nhưng kể từ năm 2023, thị trường có thể sẽ bị thắt chặt. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ phục hồi một khi quốc gia này ngừng thi hành chính sách Zero Covid.

Và hiện nay, mùa đông ở Đức đang trở nên lạnh hơn. Điều này có thể rút cạn kho dự trữ nhanh hơn dự kiến.

Ông Klaus Müller - Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cũng cảnh báo: “Mức tiêu thụ khí đốt đang tăng dần. Đây là một nguy cơ, và nguy cơ này đang lớn dần khi đợt lạnh càng kéo dài”.

Từ đó, ông Andreas Schroeder - chuyên gia tại công ty dữ liệu năng lượng ICIS (Anh) kết luận: “Chúng ta không thể loại trừ khả năng cắt giảm lượng tiêu thụ trong mùa đông tới”.

Vì vậy, chính quyền Đức đang kêu gọi người dân tiếp tục tiết kiệm năng lượng. Theo ông Klaus Müller, Berlin đặt mục tiêu tiết kiệm được 20% khí đốt trong mùa đông này. Còn hiện nay, mức tiết kiệm là 13%.

Nhật Bản chịu sức ép từ nhiều phía khi muốn giữ lại cổ phần trong Sakhalin-2 ở NgaNhật Bản chịu sức ép từ nhiều phía khi muốn giữ lại cổ phần trong Sakhalin-2 ở Nga
Dòng chảy phương Bắc gặp sự cố, châu Âu sẽ lấy khí đốt ở đâu?Dòng chảy phương Bắc gặp sự cố, châu Âu sẽ lấy khí đốt ở đâu?
Eni: Italy cần thêm cơ sở nhập khẩu LNG để đảm bảo an ninh năng lượngEni: Italy cần thêm cơ sở nhập khẩu LNG để đảm bảo an ninh năng lượng

Ngọc Duyên

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc