Thấy gì từ bản đồ đánh bắt hải sản thế giới?

07:00 | 15/03/2018

5,922 lượt xem
|
Mới đây, Tạp chí Science đưa ra số liệu nhằm cảnh báo tình trạng đánh bắt cá quá mức, nhất là ở những vùng biển quốc tế.

Nhiều “điểm nóng” khai thác hải sản

Trên thực tế, biển và đại dương chiếm tới 70% diện tích trái đất, trong đó khu vực con người sử dụng đánh bắt thủy sản lên tới 55% - tức là gấp 4 lần diện tích đất mà con người sử dụng cho trồng trọt và chăn nuôi.

thay gi tu ban do danh bat hai san the gioi

Bản đồ thể hiện các khu vực đánh bắt thủy sản trên thế giới

Các thống kê được dựa trên dữ liệu từ máy tính, theo dõi 22 tỉ vị trí của 70.000 tàu cá trong khoảng thời gian từ năm 2012-2016 nhằm hình thành một bản đồ hoạt động đánh bắt thủy sản ở các đại dương khắp thế giới.

Các tàu đánh cá thương mại, theo đó đều được trang bị hệ thống định vị tự động, vừa giúp tàu có thể hạn chế va chạm trên biển, vừa giúp các nhà khoa học có thể biết được sự phân bổ số lượng tàu đánh cá trên thế giới, từ đó đưa ra những biện pháp giúp cân bằng hệ sinh thái môi trường biển.

Thông số từ bản đồ cho thấy, phần lớn hoạt động đánh bắt cá diễn ra trong những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia, rộng 200 hải lý (khoảng 370km) tính từ đường cơ sở. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều “điểm nóng” khai thác hải sản nằm trong vùng biển quốc tế, trong đó có vùng biển đông nam Nam Mỹ, vùng biển phía đông Trung Quốc, Tây Phi, châu Âu và Địa Trung Hải.

Bản đồ cũng tiết lộ, chỉ riêng trong năm 2016, các tàu được theo dõi di chuyển 40 triệu giờ trên biển với khoảng 460 triệu km, tức là gấp khoảng 600 độ dài chuyến đi “khứ hồi” giữa mặt trăng và trái đất.

Đội tàu của Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã chiếm tới 85% trong tổng số các đội tàu ở vùng biển quốc tế.

Cứu biển trước khi quá muộn

thay gi tu ban do danh bat hai san the gioi

Trung Quốc dẫn đầu về số giờ đánh bắt cá năm 2016

Theo số liệu của The Washington Post, có tới 20-32% lượng cá nhập khẩu vào Mỹ năm 2014 có nguồn gốc đánh bắt trái phép. Chưa kể, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, hiện nay 31,4% mẻ cá đại dương trên toàn cầu là khai thác quá mức cho phép.

Những con số này làm dấy lên một mối quan ngại sâu sắc về vấn đề bảo tồn, gìn giữ tài nguyên biển.

Trong một diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu (EU) và 9 quốc gia khác bao gồm: Canada, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Iceland, Đan Mạch và Hàn Quốc mới đây đã đạt được thỏa thuận về việc cấm đánh bắt cá vì mục đích thương mại ở trung tâm biển Bắc Cực trong thời gian ít nhất 16 năm tới.

Được biết, đây là kết quả bước đầu của một chiến dịch vận động kéo dài suốt 2 năm qua, với 6 cuộc họp bàn giữa các bên liên quan, nhằm tìm ra giải pháp chung cho vấn đề này. Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái đại dương độc đáo ở cực Bắc trái đất, trước nguy cơ chúng bị hủy hoại và trước sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một mạnh mẽ.

Năm 2012, khoảng 2.000 nhà khoa học vận động một lệnh cấm đánh bắt cá ở trung tâm Bắc Cực để ngăn chặn những tác động tới hệ sinh thái nơi đây.

Thỏa thuận giúp bảo vệ, bảo tồn những phần còn lại của một vùng biển quốc tế có diện tích 2,8 triệu km2, áp dụng không chỉ với các quốc gia giáp Bắc Cực, mà có hiệu lực với cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Những quốc gia này tham gia vào ký kết thỏa thuận và thường xuyên có tàu đánh cá hoạt động trong khu vực trên.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, các tàu đánh bắt cá từ Nhật Bản, Trung Quốc... đã khai thác hàng triệu tấn cá pô-lăc ở vùng biển trung tâm Bắc Cực. Đến năm 1990, số lượng cá pô-lăc đã suy giảm nghiêm trọng mà tới nay vẫn chưa phục hồi, Tạp chí Science cho hay.

Dựa trên góc độ luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vùng nước nói trên. Song, đứng trước tình trạng đánh bắt cá ở trung tâm Bắc Cực vô cùng lộn xộn hiện nay, thỏa thuận cấm đánh bắt cá tại khu vực sẽ giúp bảo toàn hệ sinh thái đại dương đặc biệt của vùng này.

Không chỉ dừng lại ở cấm đánh bắt cá, các bên liên quan cũng thống nhất một chương trình nghiên cứu khoa học chung nhằm khảo sát toàn diện về các loài sống trong hệ sinh thái đại dương trước những nguy cơ phải đối mặt hiện nay.

Mai Lâm