Tháo điểm nghẽn của mô hình cho vay trực tiếp

14:55 | 15/01/2021

138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khuôn khổ pháp lý, hạ tầng tín dụng và hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ là các yếu tố giúp tạo môi trường cho DNNVV tiếp cận tốt tín dụng.

Tiếp cận tín dụng luôn là bài toán khó có lời giải thoả đáng với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây vốn là lực lượng đông đảo của nền kinh tế nhưng lại gặp nhiều rào cản về nguồn lực, mức độ tín nhiệm cùng các yếu tố khác.

Trong những nỗ lực không ngừng của Chính phủ khi tìm mọi cách nới lỏng hoạt động tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, không chỉ qua công tác cho vay gián tiếp mà còn nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý đối với hình thức cho vay trực tiếp. So sánh giữa hai mô hình này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, đã chỉ ra những điểm thuận lợi và khó khăn ở từng mô hình, từ đó cùng trao đổi để tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đã chỉ ra những điểm thuận lợi và khó khăn ở từng mô hình cho vay trực tiếp và gián tiếp
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đã chỉ ra những điểm thuận lợi và khó khăn ở từng mô hình cho vay trực tiếp và gián tiếp

Đối với cho vay gián tiếp, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thuận lợi của mô hình này đó là có thể hợp tác với ngân hàng để thẩm định, giải ngân, giám sát và thu hồi nợ. Điều này giúp tiết kiệm nguồn nhân lực và bộ máy hành chính, hỗ trợ nhanh chóng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Điểm bất lợi đó là mục đích, tiêu chí và điều kiện cho vay của ngân hàng và quỹ hoàn toàn khác nhau, mà ở đó, quỹ phải lệ thuộc vào ngân hàng trong khâu thẩm định, giải ngân, giám sát và thu hồi nợ. Như vậy, rất khó để phân định trách nhiệm của ngân hàng và quỹ trong việc giám sát các món nợ, nhất là khi xử lý nợ xấu. Thậm chí tranh chấp có thể xảy ra trong mọi khâu của quá trình cho vay dẫn đến ngân hàng không “mặn mà” với sự hợp tác này, nhất là khi ngân hàng đang siết tín dụng vì rủi ro nợ xấu do tác động bởi dịch bệnh.

Còn đối với cho vay trực tiếp, điểm thuận lợi là có thể tự chủ trong tất cả các khâu trong quy trình cho vay như thẩm định, giải ngân, giám sát và thu hồi nợ. Được phép xây dựng, phát triển một mô hình kinh doanh và quản lý phù hợp với mục đích và tiêu chí quỹ. Đồng thời nâng cao khả năng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Song, bất lợi của cho vay trực tiếp nằm ở việc vận hành hoạt động tín dụng khi phải xây dựng và duy trì bộ máy, cùng với rủi ro tín dụng tăng cao trong giai đoạn phải chống chọi với dịch bệnh, cũng như nguồn vốn để cho vay hiện tại rất hạn chế.

Việc chuyển đổi hình thức của các mô hình như quỹ cho vay từ gián tiếp sang trực tiếp là rất đáng hoan nghênh nhưng sẽ phải nỗ lực rất nhiều và mất thời gian để hoàn thành”, vị tiến sĩ trăn trở.

Nhằm mong muốn sớm đạt được mục tiêu chuyển đổi và hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn hiệu quả, các tổ chức cần giải quyết nhanh chóng quy trình thẩm định tín dụng. Trong đó, việc nắm bắt đặc thù của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Theo đó, khối DNNVV Việt Nam có một số điểm “yếu” chính như: không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ doanh nghiệp. Chế độ kế toán, hạch toán, kiểm toán còn yếu kém; Báo cáo tài chính không minh bạch và đầy đủ; Thiếu kế hoạch kinh doanh và dòng tiền trong khi Ban điều hành lại có thể dễ dàng thay đổi nhanh chóng. Một điểm mấu chốt trong doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực yếu và thiếu đào tạo, dẫn đến các hiện tượng tiêu cực như thâm lạm ngân quỹ, trốn thuế, gian lận sổ sách trở nên phổ biến.

Vậy giải pháp nào giúp Quỹ nâng cao năng lực hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng? Chia sẻ tại Hội thảo Tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp, ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, cần xây dựng môi trường đủ tốt giúp tăng cường cho vay DNNVV. Trong đó, 3 điểm nhấn là khuôn khổ pháp lý, hạ tầng tín dụng và hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ.

Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam
Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Thứ nhất, về môi trường pháp lý, cần bảo vệ người cho vay bằng cách cho phép ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng lớn quyền tịch thu tài sản nhanh chóng, trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng trả nợ. Ông Jonathan cũng dẫn chứng một ví dụ về Dự luật phá sản 2015 của Ấn Độ khi khuyến khích cho vay khối tư nhân. Dự luật quy định khung thời gian 180 ngày để giải thể cho vỡ nợ; Buộc tội hình sự hành vi chiếm đoạt tài sản và Trích lập dự phòng tái cơ cấu nợ để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.

Bên cạnh đó, có thể áp dụng bao tiêu mua nợ, bán các tài khoản phải thu và cho vay đồng cấp. Sử dụng công nghệ để giảm rủi ro cho người đi vay và người vay, trong điều kiện môi trường pháp lý phải thật chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Thứ hai, về hạ tầng tín dụng, nên tăng cường thông tin tín dụng để tăng dòng cho vay của ngân hàng. Cụ thể, thu thập và chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp nhỏ cho các bên cho vay. Kết hợp tăng sự tiếp cận của các DNNVV với các khoản vay và mở đường cho việc chứng khoán hoá nợ của các doanh nghiệp này.

Mặt khác, cho phép đăng ký tài sản thế chấp cho các động sản bằng cách thông báo cho các bên cho vay về lợi ích bảo đảm của một tài sản và xác định thời gian tồn tại của tài sản đó. Thậm chí, có thể đánh giá và sử dụng tài sản trí tuệ vào mục đích thế chấp.

Thứ ba, Chính phủ có thể hỗ trợ vốn đầu tư mạo hiểm, giúp khỏa lấp khoảng trống tài chính thông qua các quỹ hoặc các quỹ cùng đầu tư. Bên cạnh đó, có chính sách bảo lãnh tín dụng và trợ cấp tín dụng như: trợ cấp lãi suất với các khoản cho vay nhỏ mà tập trung chủ yếu ở các ngân hàng Nhà nước.

Ông Jonathan còn nhấn mạnh: “Khuôn khổ pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng, Việt Nam hay quốc tế cũng đã đều có những bài học thương đau sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xảy ra, có rất nhiều chương trình cho vay xuất hiện, tuy nhiên ngân hàng thực sự khó khăn về thu hồi nợ xấu, đặc biệt là các quy định về phá sản. Nếu pháp lý chậm chạp, nặng nề sẽ gây khó khăn và nhiều hệ luỵ lâu dài khó xử lý”.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, giải pháp tiên quyết cho Quỹ phát triển DNNVV đó là Dự thảo Quyết định về Quy chế cho vay trực tiếp. Bổ sung các quy trình thẩm định, giải ngân, theo dõi nợ, thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Tích cực xây dựng nguồn nhân lực đầy đủ để đáp ứng các yêu cầu về vận hành khi cho vay trực tiếp. Tăng cường nguồn vốn đầu vào và áp dụng cho vay tín chấp kết hợp với các quỹ bảo lãnh tín dụng.

Theo enternews.vn