TP HCM: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi
PV: Xin ông cho biết tín dụng TP HCM trong những tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu gì tích cực, lạc quan?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,03% so với tháng trước, tăng 4% so với cuối năm và tăng 11,06% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6/2024, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng đầu năm, tăng 2,03%.
Đây là mức tăng trưởng phù hợp nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,75%. Kết quả này đã góp phần tích cực vào môi trường kinh tế xã hội và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Trong đó lãi suất thấp, cùng với các chương trình tín dụng tập trung và các gói tín dụng ưu đãi; chính sách cơ cấu lại nợ đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM |
Riêng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực, gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 82% tổng dư nợ cho vay. Hiện, gói tín dụng ưu đãi do 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn TP HCM đăng ký tham gia từ đầu năm, với quy mô hơn 500.000 tỷ đồng đã giải ngân đạt trên 273.000 tỷ đồng, bằng 53,7% cho 79.306 khách hàng, doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức thực hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn.
PV: Ông có thể cho biết “bí quyết” nào để các doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Các gói tín dụng ưu đãi được Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và UBND TP HCM đưa ra, với mục tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông thường, các chính sách ưu đãi nhằm mục tiêu thúc đẩy các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế hoặc lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, hay hỗ trợ những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa biên giới và hải đảo… Vì vậy, các chính sách này có quy định rõ ràng về phạm vi, đối tượng, điều kiện và phương thức thực hiện.
Chẳng hạn gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất trước đây chỉ áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bị tác động ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: hàng không; du lịch; nông nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm... Trong quá trình này, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại là thông tin, tư vấn rõ cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt cơ chế chính sách; các đối tượng được hỗ trợ; điều kiện được hỗ trợ…
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã phối hợp với Hiệp hội DN và Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến thương mại và UBND các quận huyện thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và đối thoại doanh nghiệp để thông tin, phổ biến chính sách và triển khai các gói tín dụng ưu đãi để đưa cơ chế chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay đã có hơn 60.000 khách hàng doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố (ưu đãi về lãi suất; giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; cho vay mới với lãi suất thấp; cho vay lĩnh vực xuất khẩu; tăng hạn mức tín dụng…), với tổng dư nợ đạt trên 207.000 tỷ đồng, bằng 40,6% quy mô gói. Đây là thực tế minh chứng về chính sách hỗ trợ và gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn phát triển. Đó là những doanh nghiệp thực tế được hỗ trợ, có mục đích và địa điểm cụ thể, rõ ràng.
Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh |
PV: Kiều hối đổ về TP HCM đang tăng nhanh, ông có đề xuất những giải pháp gì để thu hút thêm nguồn kiều hối trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Trong 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TP HCM đạt hơn 5,1 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Tính riêng quý II năm nay, kiều hối chuyển về đạt hơn 2,3 tỷ USD. Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ. Nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh các yếu tố mang tính khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập… thì việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng. Tôi cho rằng Thành phố cần thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối, về thu hút kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Thực hiện tốt hoạt động này, không chỉ đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài. Sự tiện ích và bảo đảm an toàn hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng thu hút kiều hối thông qua hoạt động của hệ thống chi trả kiều hối, gồm các công ty kiều hối và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Về sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, với định hướng và tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính (trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa…) để mang lại hiệu quả lớn hơn, sẽ là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thành phố: Kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư; phù hợp với nhu cầu người lao động ở nước ngoài quan tâm để cải thiện đời sống và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, mô hình tài chính vi mô đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhờ nguồn kiều hối chuyển về đã và đang phát huy hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phương Vy (thực hiện)
-
98.500 đồng bảo hiểm cho cả ngôi nhà và gia đình, tại sao không?
-
Giá vàng hôm nay (4/10): Thị trường thế giới tăng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (3/10): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Giá vàng hôm nay (2/10): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (1/10): Thị trường trong nước và thế giới trái chiều