Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong cấp phép điện mặt trời tại Ninh Thuận

15:47 | 17/08/2020

2,268 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), một số dự án điện mặt trời tại tỉnh này sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thủy lợi; 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đầu nối...

TTCP vừa có thông báo kết luận thanh tra số 1392/TB-TTCP về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đáng chú ý, TTCP chỉ ra nhiều sai phạm trong cấp phép nhiều dự án điện mặt trời.

Theo kết luận của TTCP, một số dự án điện mặt trời tại tỉnh này sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thủy lợi, nhưng chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, có đến 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đầu nối...

Trách nhiệm của những sai phạm thuộc về UBND tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Tài chính..., TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền gần 188,2 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra.

TTCP cũng kiến nghị, đối với các dự án năng lượng tái tạo, căn cứ thực trạng hạ tầng lưới truyền tải điện và tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải, UBND tỉnh Ninh Thuận tiến hành rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng, để hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại (trước mắt đảm bảo 15 dự án đã vận hành thương mại và 5 dự án hoàn thành trong năm 2019 giải tỏa 100% công suất).

thanh tra chinh phu chi ra nhieu sai pham trong cap phep dien mat troi tai ninh thuan
Dự án điện năng lượng mặt trời.

Rà soát xử lý theo quy định đối với 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đầu nối; rà soát các dự án điện mặt trời đang trình thẩm định bổ sung quy hoạch, đề nghị Bộ Công Thương xem xét thẩm định đối với các dự án có khả năng giải tỏa 100% công suất, các dự án bổ sung quy hoạch còn lại căn cứ khả năng giải tỏa công suất của hệ thống hạ tầng truyền tải điện đã đầu tư để tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương thẩm định.

Đối với dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu và thuộc quy hoạch vùng tưới của các dự án công trình thủy lợi, UBND tỉnh chỉ đạo lấy ý kiến của chủ đầu tư các công trình thủy lợi để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình thủy lợi; đồng thời rà soát các dự án có khả năng cung cấp nước tưới phải kết hợp đầu tư phát triển điện mặt trời với đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng đối với các công trình hạ tầng lưới điện truyền tải nhằm đáp ứng khả năng truyền tải, giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về hoạt động truyền tải điện tại các văn bản pháp luật hiện hành, nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định cho phép áp dụng xã hội hóa đối với đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và đáp ứng khả năng truyền tải, giải tỏa công suất của các dự án nhà máy sản xuất điện (trong đó có các dự án năng lượng tái tạo).

Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Về điện gió trên bờ, theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt trước đây, tổng quy hoạch trên địa bàn là 1.429 MW. Hiện nay do công nghệ phát triển, tiềm năng điện gió trên bờ đạt trên 2.000 MW. Điện gió trên biển tiềm năng là 3.240 MW tính từ 16 hải lý.

Đối với điện mặt trời, tiềm năng là số giờ nắng tại Ninh Thuận dài nhất, vào khoảng 2.600-2.800 giờ và khoảng 200 ngày nắng trong một năm. Theo quy hoạch, Ninh Thuận có tổng quy hoạch là 8.484 MW, dự kiến điện mặt trời áp mái là khoảng 400 MW. Như vậy, tổng nhu cầu phát triển năng lượng mặt trời là 8.848 MW.

Xuân Hinh