Thái Bình - "cái nôi" của ngành Dầu khí (Kỳ III)

07:00 | 13/05/2019

3,727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nổi tiếng với nghệ thuật chèo. Thập niên 70 của thế kỷ trước, có 3 thứ âm thanh mà bây giờ gợi nhắc lại, những người già ở làng Khuốc đều nhớ: Tiếng hát chèo, tiếng máy bay Mỹ và tiếng hoạt động của giàn khoan. Giàn khoan đó thuộc giếng khoan 100 (GK 100), là giếng khoan sâu đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tháp khoan khổng lồ trên cánh đồng làng

Bà Hoa, con dâu làng Khuốc kể: Năm 1970, khi ấy bà 19 tuổi, đám rước dâu của bà đi qua cánh đồng làng Khuốc mùa lúa chín, phía xa là một tháp khoan cao sừng sững trên nền trời. Trong vùng hồi đó không có công trình nào cao hơn thế. Trong nhiều năm sau đó, tháp khoan này là mốc để những người làng Khuốc ở xa nhìn để xác định hướng đi về làng mình.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iii
Ông Nguyễn Quyền, nguyên Phó giám đốc Công ty Dầu khí I

Trong trí nhớ của những người già ở làng Khuốc, tháng 2-1969, những vật liệu, thiết bị đầu tiên đã được chuyển về để xây dựng khoan trường GK 100. Đến tháng 9-1970, khoan trường và giàn khoan được lắp đặt xong, những mét khoan đầu tiên xuống cánh đồng làng Khuốc được tiến hành. 1 năm 7 tháng chuẩn bị, nghe thì dễ nhưng để thực hiện khoan trường khổng lồ ở thời đó thực sự là kỳ tích.

Để vận chuyển các thiết bị cho một giàn khoan cả vài nghìn tấn, phải khảo sát và đưa ra mọi phương án vận chuyển, kể cả bằng đường sông hoặc gia cố, mở rộng đường. Chỉ riêng đoạn đường từ phố Tăng về đến làng Khuốc dài khoảng 1km, việc gia cố, mở rộng đã mất 4 tháng. Các thiết bị để lắp đặt cho giàn khoan này đều là siêu trường, siêu trọng vào thời điểm đó. Máy khoan 4LD-150D do Rumani sản xuất, khoan được 3.200m. Toàn bộ thiết bị của bộ máy khoan nặng 1.000 tấn, riêng tháp khoan được chia thành 3 đoạn, có đoạn dài 18m. Còn cần khoan, ống cống và các loại vật liệu khác nặng khoảng 2.000 tấn.

Ông Nguyễn Quyền thời điểm đó làm ở Đoàn khoan 36S, thuộc Liên đoàn 36 (sau này ông Quyền trở thành Phó giám đốc Công ty Dầu khí I). Ông Quyền kể, toàn bộ khoan trường rộng khoảng 1ha, gần như ôm trọn cả cánh đồng. Vị trí khoan nằm giữa cánh đồng nên nền giếng khoan yếu, phải gia cố bằng việc đóng 16 cọc thép có đường kính 299mm xuống sâu khoảng 40m.

Đến tháng 6-1970, khi các công tác chuẩn bị, vận chuyển thiết bị xong, chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ việc xây lắp giàn khoan. Việc lắp giàn khoan đến tháng 9-1970 thì hoàn tất. Tháp khoan cao 53m, sừng sững giữa trời. Tháp khoan ấy một thời là biểu tượng của vùng, đi vào từng câu chuyện bên các cánh đồng, đi vào từng bữa cơm của người dân làng Khuốc. Nói thì vô lý khi một vùng quê chỉ có chèo và lúa, nhưng trong vài năm lại có tháp khoan làm biểu tượng của vùng. Nhưng đó là sự thật.

Ngày nay, chúng tôi về lại làng Khuốc, chỉ còn thấy rải rác vài khối bê tông xám xịt của nền khoan cũ nằm giữa màu xanh mướt của cánh đồng lúa đang thì con gái. Phía xa là 2 bể dung dịch khoan, giờ mọc kín lục bình. Trên gò đất lồi ra phía trái nền khoan cũ, một cây đa tỏa bóng trùm lên những khối bê tông cũ. Nhìn những hình ảnh bình yên này, ít ai ngờ ở đây từng là một khoan trường với những cuộc vận chuyển thiết bị lớn nhất Việt Nam thời đó. Tất cả để phục vụ cho một mục tiêu duy nhất: Đi tìm lửa trong lòng đất, đi tìm nguồn vàng đen cho đất nước.

Kỷ lục khoan sâu đầu tiên

Tại sao giếng khoan có số hiệu 100 lại là giếng khoan sâu đầu tiên của Việt Nam? Theo ông Nguyễn Xuân Nhự (Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí - Văn phòng Chính phủ), các giếng khoan ở Đồng bằng sông Hồng được đánh số theo quy định về độ sâu. Những giếng sâu dưới 1.200m thì mang số hiệu dưới 50; mang số hiệu từ 50-59 là những giếng 1.700m; mang số hiệu từ 60-99 là những giếng 2.400m. Và mang số hiệu 100 trở lên là những giếng khoan sâu hơn 3.000m.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iii
Vị trí của GK 100 trên cánh đồng làng Khuốc

Các hoạt động của GK 100 được tiến hành trong 6 năm, tính cả thời gian xây dựng. Trong suốt khoảng thời gian đó, rất nhiều mồ hôi, sức lực, thậm chí là máu đã đổ tại khoan trường này. Ngày 23-9-1970, những mét khoan đầu tiên tại khoan trường 100 được tiến hành. 1 năm lẻ 5 ngày sau thì đạt chiều sâu 3.000m; thêm 70 ngày nữa thì đạt chiều sâu 3.303m. Đó là kỷ lục khoan sâu ở Việt Nam thời điểm đó. Điều đáng nói, bộ máy khoan 4LD-150D chỉ khoan sâu 3.200m, nhưng do yêu cầu về địa chất nên đã khoan thêm 103m.

Thời điểm đó, phụ trách khoan tại GK 100 là kỹ sư Đặng Của, Đoàn phó Đoàn khoan 36S. Đội khoan sâu do kỹ sư Phan Văn Ngân phụ trách, gồm 4 kíp khoan và 1 tổ diesel. 3 kíp khoan làm việc suốt ngày đêm, còn 1 kíp nghỉ.

Giếng khoan sâu này lần đầu tên phát hiện tầng trầm tích mới, được chuyên gia Liên Xô và kỹ sư Nguyễn Ngọc Cư đặt tên là tầng Phong Châu. Ngoài ra, trong quá trình khoan đã phát hiện khí cháy, nhưng không lớn; có những màn chắn là đất sét, sét kết và cát kết. Đây là những cơ sở quan trọng để khẳng định khả năng có khí, có dầu ở Đồng bằng sông Hồng.

Trong quá trình khoan, GK 100 đã từng phải di dời vì đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ném bom ác liệt. Trong hồi ức của mình, kỹ sư Đặng Của kể, Thái Bình tuy không phải vùng trọng điểm đánh phá, nhưng thường là nơi trút bom thừa trên đường trở về hạm đội 7 trên biển của Mỹ, nên bất kể ngày đêm đều có tiếng bom nổ trên các cánh đồng, khu dân cư. Có lần máy bay Mỹ ném bom chỉ cách giàn khoan 500m, nhưng may mắn không ảnh hưởng đến người và thiết bị. Đến thời điểm phải tháo dỡ giàn khoan, các chuyên gia Liên Xô và các công nhân, kỹ sư người Việt không kể ngày đêm tìm mọi cách tháo dỡ thật nhanh bộ máy khoan.

Công việc hoàn thành sớm hơn kế hoạch 10 ngày. Các bộ phận nhẹ thì đưa vào trong làng, còn các bộ phận nặng thì để dọc đường ở phố Tăng và ngụy trang kỹ càng. Các kỹ sư, công nhân làm việc tại khoan trường phải xây hầm trú ẩn, chấn chỉnh hệ thống báo động. Sau đó, Tổng cục Địa chất cho khoan trường 100 tiếp tục hoạt động, đến 17 giờ ngày 30-4-1975 thì kết thúc thử vỉa.

Nhận định về vai trò của GK 100, ông Nguyễn Quyền cho rằng, GK 100 là giếng khoan tham số, là giếng khoan sâu đầu tiên của Việt Nam, tuy không tìm được tầng sinh dầu nhưng đã để lại những kinh nghiệm quý về quá trình khoan, về việc lựa chọn vị trí khoan và khẳng định được khả năng có dầu, khí ở Đồng bằng sông Hồng.

Chung quan điểm với ông Nguyễn Quyền, ông Nguyễn Xuân Nhự - Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình - cũng cho rằng, GK 100 khoan là để có mặt cắt địa chất tổng hợp bề mặt Đồng bằng sông Hồng nhằm định hướng thăm dò dầu khí.

Trong suốt 6 năm, những người công nhân, kỹ sư của Việt Nam với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô đã thực hiện những việc chưa từng có trong lịch sử non trẻ của ngành Dầu khí nói riêng cũng như ngành địa chất nói chung. Đó là vận chuyển những thiết bị siêu trường, siêu trọng, khoan 1 lỗ khoan hơn 3.000m... dưới muôn vàn áp lực, khó khăn. Đây là tiền đề để Liên đoàn 36 tiếp tục thực hiện những giếng khoan sâu khác.

Ngày 23-9-1970, những mét khoan đầu tiên tại khoan trường 100 được tiến hành. 1 năm lẻ 5 ngày sau thì đạt chiều sâu 3.000m; thêm 70 ngày nữa thì đạt chiều sâu 3.303m. Đó là kỷ lục khoan sâu ở Việt Nam thời điểm đó. Điều đáng nói, bộ máy khoan 4LD-150D chỉ khoan sâu 3.200m, nhưng do yêu cầu về địa chất nên đã khoan thêm 103m.
thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iiiThái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ II)
thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iiiThái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí

(Xem tiếp kỳ sau)

Thanh Hiếu - Quang Hưng