Tết ở xóm bóng đêm

07:00 | 22/01/2014

1,178 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nơi ấy, cuộc sống của họ lặng lẽ và đơn độc với thế giới bên ngoài. Ở nơi ấy, bóng tối cứ trói chặt lấy số phận họ. Bóng tối bám lấy họ cả vào những ngày tết, khi những bông mai, bông đào đang nở rộ, người người hân hoan, rộn ràng đón xuân mới thì ở nơi đó, không khí lại im ắng đến lạ thường.

Năng lượng Mới số 292

Những mảnh đời bất hạnh

Cái tên xóm “Người mù” đã trở thành một tên gọi quen thuộc của người dân phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân mấy chục năm nay. Bà Nguyễn Thị Hai, 70 tuổi, cư dân sống lâu đời ở đây cho biết: Xóm Người mù được lập ra trước giải phóng. Ban đầu chỉ có vài người, nhưng sau đó người mù ở khắp nơi nghe đồn có xóm trọ dành cho họ nên đã lục đục kéo về đây, sinh con đẻ cái cho đến tận bây giờ. Nhiều gia đình đã sống tới 4 đời tại mảnh đất này.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa cho biết, hiện tại xóm mù có 14 hộ dân, với hơn 70 người. 90% số hộ tại đây thuộc diện hộ nghèo. Xóm nằm lẻ loi gần kênh nước đen ngòm, cô lập với các xóm xung quanh vì trong khi ở các xóm khác đã có nhà cao tầng hoặc ít ra là nhà một tầng thì xóm người mù bao đời nay vẫn vậy, vẫn lụp xụp và tối tăm, ẩm mốc.

Trước đây, mỗi gia đình có ngôi nhà rộng khoảng 50m2 và mảnh vườn nhỏ khoảng 20m2 để trồng rau thì bây giờ chỉ thu hẹp trong khoảng 15m2 vì nhiều nhà đã cắt đất cho con cái của mình ra ở riêng. Như gia đình bà Hai, sau khi chia đất cho con gái đầu thì hiện tại con gái thứ của bà, cháu bà, chắt bà cũng đang cùng sinh sống dưới mái nhà chỉ vỏn vẹn 15m2 này.

Vợ chồng ông Cần mệt mỏi trở về sau ngày đi bán vé số

Ở xóm Người mù, chẳng bao giờ người ta nghe được một câu hát, hay một âm thanh gì phát ra từ phương tiện thông tin. Cuộc sống ở đây đơn giản tới mức chỉ cần có cái bếp, cái nồi và một chỗ nằm để đặt lưng mỗi khi kiếm ăn trở về. Cũng không khó hiểu bởi với những cư dân ở đây, cuộc sống mưu sinh vất vả, tiền ăn không có thì cái đài cát-xét dành để nghe tin tức, giải trí là thứ gì đó rất xa xỉ.

Từ lâu lắm rồi công việc mà những cư dân trong xóm có thể kiếm được tiền cho mình đó là bán vé số, bán bàn chải chà. Công việc lương thiện này giúp cho mỗi người kiếm được khoảng 100 ngàn/ngày. Trừ chi phí đi lại, ăn uống, mỗi ngày những cư dân nơi đây mang về được khoảng 60-70 chục ngàn đồng. Chi phí ấy chẳng phải nuôi một mình, mà họ phải chia ra mua thức ăn, mua gạo, mua thuốc, mua sữa cho con, cho cháu, cho nên đồng tiền cứ quanh quẩn vừa đây lại biến mất, có rồi lại hết.

Công việc bán vé số đối với họ chẳng hề đơn giản, đó là sự cố gắng, là sự gồng mình chống lại những bất hạnh của cuộc đời. Không phải ai cũng là người tốt, “thi thoảng bọn lưu manh, cướp giật lại đánh tráo, hoặc cướp giật xấp vé số của chúng tôi. Khi đó, chúng tôi chẳng làm được gì vì mắt có thấy gì đâu mà đuổi theo, chỉ biết kêu lên tuyệt vọng rồi lại thất thểu đi về”, anh Hùng - một cư dân trong xóm buồn rầu nói.

Những ngày hôm tiếp theo, nỗi buồn nặng trĩu chiếm ngự ngôi nhà của họ, buồn lắm nhưng rồi họ lại phải đứng dậy tiếp tục xin nợ tiền vé số ở các đại lý hoặc đi ăn xin để đủ tiền mua xấp vé số mới đi bán tiếp. “Giờ mỗi lần mời khách mua vé số, chúng tôi chỉ dám đưa ra mười tờ. Bán hết mười tờ đó thì mới rút ra mười tờ khác ra bán tiếp”, anh Hùng cho biết.

Bà Đàn buồn rầu kể về gia cảnh của mình

Ngày trẻ, niềm vui của họ là những đứa con, là sự hy vọng về tương lai tươi sáng khi những đứa trẻ - con họ sinh ra đều lành lặn, không tàn tật. Thế nhưng cái niềm hy vọng ấy ngày càng thu hẹp lại vì cuộc sống con cái họ cũng nghèo khổ chẳng khác gì cha mẹ, dù có hơn cha mẹ ở đôi mắt sáng, nhưng chúng chẳng có tiền để học hành đủ đầy bằng người nên đứa thì làm phụ hồ, đứa thì bán vé số, đứa thì làm công nhân.

Và cái nghèo cứ thế chẳng buông tha cho họ, cứ bám riết từ đời này qua đời khác. Vì thế, giờ đây, cho dù có cụ đang ở cái tuổi 70, 80 nhưng vẫn phải tự bươn chải, vẫn phải mò mẫm từng bước, lang thang hết đường này qua chợ khác để bán vé số hoặc là đi xin ăn, sống cho qua ngày đoạn tháng, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, là hết cái kiếp tủi khổ của mình.

Tết buồn

Có lẽ với những người bình thường, dù có nghèo khổ đến thế nào thì ít ra trong mâm cơm ngày tết cũng có đĩa xôi, con gà để trước là cúng ông bà tổ tiên, sau là vợ chồng, con cái cùng quây quần bên bữa cơm thịnh soạn nhất của năm. Thế nhưng, ở cái xóm Người mù này, con gà, đĩa xôi là thứ gì đó xa xôi không có thực trong ngày tết. Đối với họ, có được miếng thịt, miếng bánh tét cũng là đủ đầy lắm rồi.

Bà Nguyễn Thị Hai (70 tuổi, gốc Huế), có gia đình có 4 đời sinh sống tại đây buồn rầu nói “cũng khổ cô ơi, bao nhiêu năm lăn lộn với đời mà chưa có được cái tết nào đầy đủ như người ta”. Bà Hai cho biết, tết đến, bà chỉ mua 1kg thịt loại rẻ nhất là 60 ngàn, một chục hột vịt giá 30 ngàn, một cái bánh tét giá 30 ngàn, một trái dưa hấu 20 ngàn là xong. Tính ra, vỏn vẹn tết của gia đình bà Hai chỉ gói gọn trong 140 ngàn.

“Mình sắm sanh, nấu nướng như vậy là để cúng ông bà tổ tiên, rồi cho mấy đứa con mình, chứ chúng tôi mấy chục năm nay không dám nghĩ tới sắm tết đủ đầy”.

Nghe tin có khách tới xóm, ông Cần lật đật gọi cháu ngoại dẫn ra tiếp khách

Sáng nay, được hội từ thiện người ta cho 10kg gạo ngon, bà Hai mừng lắm, sai đứa cháu cất đi dành đến tết mới được ăn.

Bà Hai kể: “Những năm về trước, tết đến, tôi thấy tội nghiệp nhất là sắp nhỏ con mình. Chúng biết hoàn cảnh nhà mình nghèo nên không có đòi hỏi, mình ăn gì chúng ăn đó. Mình thương tụi nhỏ nên ráng mua miếng thịt để cho chúng đỡ tủi. Có năm, đứa út đòi mua bánh kẹo cho được như con người ta nhưng tôi nói không có đâu con, mẹ không có tiền, mẹ mua cái bánh cho con được rồi hen”. Rồi trong trời chiều nhập nhoạng ngày 30, bà Hai lọ mọ trở về nhà với gói bánh mới mua có giá 4 ngàn đồng.

Ấy là kỷ niệm về những ngày tết của gia đình bà. Giờ đây, thấm thoắt đã mấy chục năm, cảm xúc về cái tết cứ chai lỳ và ngày càng mờ nhạt. Đối với bà, ngày tết là những ngày bà kiếm được 200, 300 trăm ngàn tiền lãi sau khi lang thang khắp các con đường, các đình, chùa bán vé số. Đó là niềm vui của bà trong những ngày tết. “Số tiền đó tôi để dành mua gạo, mua sữa cho đứa chắt mình trong những ngày bệnh tật, mưa gió không đi đâu được”, bà Hai vừa nói vừa bóp đôi chân đau nhức vì căn bệnh thấp khớp hành hạ.

Cũng giống như gia đình bà Hai, ngày tết đến, gia đình ông Nguyễn Văn Cần (80 tuổi, quê Bình Định) ở dãy nhà bên cũng cố gắng lo được cho gia đình mình nồi thịt kho. Còn cành đào, cành mai, trái cây, bánh kẹo là điều gì đó hy hữu lắm. “Bánh kẹo, trái cây đến tết đều tăng giá, mình mua không nổi. Mọi năm, các nhà từ thiện cho gia đình tôi gạo, bánh tét, dầu ăn, đối với tôi thế là đủ rồi, không mong muốn gì hơn nữa”, ông Cần nói. Ông Cần dù đã ở cái ngưỡng gần đất xa trời nhưng hằng ngày vẫn lọ mọ đi bán vé số từ sáng sớm đến chiều tối. Bị mù từ năm 16 tuổi, trong khi đi hái lá rừng, ông bị lá độc đâm vào mắt, mấy ngày sau mắt đổ ghèn và mưng mủ, rồi mắt ông mờ dần rồi không nhìn thấy gì nữa.

Từ đấy, ông Cần trở thành cư dân của thành phố bóng tối, lang thang đi xin ăn ở khắp nơi. Cuộc đời xui rủi đưa ông vào Sài Gòn kiếm sống với hy vọng chữa được đôi mắt của mình. Thế nhưng đã hơn 60 năm nay, ông chẳng thể chữa được: “Người ta nói tôi phải có 100 triệu mới đủ tiền phẫu thuật, mắt tôi mới có thể sáng lại được”. Hạnh phúc lớn nhất của ông, trong cơn giông bão của cuộc đời là người vợ lành lặn vì thương ông thật thà, chăm chỉ nên đã gá nghĩa tao khang, sống cùng ông mấy chục năm nay.

Bán chổi chà là một công việc giúp người mù có thể kiếm sống

Đối với người dân xóm người mù, có lẽ nồi thịt kho tàu với trứng là món ăn ngon và đặc biệt nhất trong ngày tết. Mơ ước vậy, nhưng không phải ai cũng có được nồi thịt kho tưởng như đơn giản ấy. Bà Châu Thị Đàn (70 tuổi, quê Tiền Giang), bị mù bẩm sinh ngồi thẫn thờ trong căn nhà ẩm mốc, xộc lên mùi hôi của không gian đã lâu không có người chăm lo, dọn dẹp. Có lẽ trong xóm này, bà Đàn là người khổ và bất hạnh nhất. Hai đứa con trai của bà, đứa thì nhặt ve chai, đứa thì trở nên ngẩn ngơ sau khi người vợ vì không chịu được cảnh nghèo hèn đã bỏ đi. Một mình bà đi ăn xin để gồng gánh cả gia đình.

“Một ngày giỏi lắm tôi cũng chỉ được 80-90 ngàn đồng. Trừ đi 30 chục ngàn tiền xe ôm, 60 ngàn còn lại, tôi cất đi 1/3 để dành trả tiền thuê nhà, 1/3 tiền thuốc cho tôi và đứa con trai, 1/3 còn lại là chi phí gạo, thức ăn và đồ lặt vặt trong nhà”. Thế nên, đã từ lâu bà đã quên mất cái tết rồi. Bà cũng đã từng buồn tủi khi tết đến, xuân về. Nhưng lúc đó là ký ức của ngày nhỏ khi có cha mẹ, mấy chục năm rồi cảm xúc ấy cũng đã chai sạn.

“Những ngày tết, tôi cũng chỉ biết lủi thủi cắp nón đi ăn xin. Nhờ vào tấm lòng của mọi người mà số tiền tôi kiếm được nhiều hơn so với ngày bình thường”, bà Đàn chia sẻ. Ba ngày tết của bà là những đêm khuya trở về, ăn vội miếng cơm với rau cải luộc mua rẻ được từ chợ ế cuối ngày 30, rồi lật đật đặt mình xuống manh chiếu ngủ miên man với bao nhiêu mệt mỏi, “rau cải chợ 30 nó ế, nó rẻ mình mua về ăn sống hay xào lên ăn, đơn giản vậy thôi”.

Bà cũng không mơ gì nữa vì cả cuộc đời bà đã mơ nhiều nhưng đã được gì đâu, chỉ có thực tại đau buồn, đứa con ngây ngô đang đòi tiền thuốc, cái chân đang đau không thể lết đi xin ăn được, tiền thuê nhà lại đến hạn, bà chỉ biết ngồi vậy trong căn nhà tối om, đầy mùi ẩm mốc.

Cảm xúc của bà Hai, ông Cần, bà Đàn cũng là cảm xúc chung của những cư dân trong xóm đặc biệt này. Họ đã hy vọng vào những niềm vui nhận được trong ngày tết nhưng tất cả hy vọng ấy đã dần phai nhạt theo năm tháng. Cái nghèo khiến họ chỉ biết thở dài và làm quen với nỗi buồn, cố tình “lảng tránh”, muốn quên đi khái niệm về tết để khỏi buồn tủi. Thoáng trong buổi chiều ngày 5 tháng Chạp, trời bỗng dưng tối xầm và lất phất vài hạt mưa, cơn mưa hiếm có trong mùa này, những cư dân của thành phố buồn nghe tiếng lộp độp trên mái hiên, họ lần mò đi ra thu hẹp cánh cửa nhà, rồi lại trở vào ngồi thẫn thờ, vô định suy nghĩ.

Chia sẻ về xóm Người mù, Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa cho biết: “Xóm Người mù trên địa bàn phường là một trong những những đối tượng đặc biệt, nhận được sự quan tâm rất nhiều từ chính quyền, địa phương. Thông qua chính sách hỗ trợ người nghèo của Nhà nước, chúng tôi cũng đã giải quyết cho những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn làm ăn với số tiền khoảng 14 triệu đồng. Tuy nhiên, do khiếm khuyết về mắt nên người dân trong xóm chỉ có thể vay vốn để đi bán vé số, bán chổi chà, vì thế số tiền đó cũng chỉ giúp họ kiếm được đủ tiền sinh hoạt hằng ngày, chưa hộ gia đình nào khá lên được. 

Bên cạnh đó, chúng tôi còn căn cứ vào Nghị định 13 của Chính phủ về việc trợ cấp tiền tàn tật cho người mù, mỗi người cũng nhận được hơn 200 ngàn đồng mỗi tháng. Hằng năm, thông qua UBND phường, các tổ chức từ thiện cũng đã gửi các phần quà hỗ trợ cho người dân trong xóm ăn tết. Năm nay, chúng tôi đang chuẩn bị 14 phần quà, trị giá khoảng 300 ngàn đồng/phần dành cho xóm người mù, dự kiến ngày 20 này chúng tôi sẽ trao quà cho xóm”.

Cha Nguyễn Thực, Cha chính xứ Hà Đông cho biết, hằng tháng, vào ngày 15, cha thường thay mặt nhà thờ tặng mỗi gia đình 10kg gạo, 10 gói mì tôm. Tết này, do có nhiều đối tượng phải phát quà, bao gồm cả người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi…  nên cha cũng chỉ tặng được mỗi gia đình trong xóm Người mù 10kg gạo và 10 gói mì.

Phóng sự của Minh Phương 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps