Tên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

11:00 | 17/02/2012

|
Bạn đọc: Tên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các phương tiện truyền thông đều phiên là "Mã Triều Húc". Xin ông cho biết phải đọc tiếng thứ hai như thế nào cho đúng chữ đúng nghĩa? (Nguyễn Thái Hòa - TP HCM)

Học giả An Chi: Tên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chữ Hán là 馬朝旭. Đúng như bạn nhận xét, ba chữ này đã được các phương tiện truyền thông phiên thành “Mã Triều Húc”, mặc nhiên hiểu rằng đây là cách đọc chính xác theo âm Hán Việt. Nhưng chữ 朝¯ở đây mà đọc thành “Triều” thì hoàn toàn sai, cả về âm lẫn về nghĩa.

Chữ 朝 có hai âm: triều (thanh điệu 2, dấu huyền) và triêu (thanh điệu 1, không dấu). Với âm triều, trong tiếng Bắc Kinh, chữ 朝¯ được đọc thành cháo, trong tiếng Quảng Đông là qiu4; còn với âm triêu thì tiếng Bắc Kinh là zhāo và tiếng Quảng Đông là jiu4 (Âm Bắc Kinh ghi theo pīnyīn; âm Quảng Đông ghi theo "Quảng Châu âm tự điển" do Nhiêu Bỉnh Tài 饶秉才 chủ biên). Vậy triêu và triều hiển nhiên là hai âm thực sự khác nhau, với những nghĩa khác nhau của chữ 朝, như đã cho trong "Hán ngữ đại tự điển" (Thành Đô, 1993):

Với âm triều, chữ 朝¯ có các nghĩa:

1 – Thăm hỏi, gặp gỡ. Cai dư tùng khảo của Triệu Dực, đời Thanh: “Thời xưa, phàm thăm hỏi người khác đều gọi là triều”. Cốc lương truyện, “Hoàn Công nguyên niên”: “Chư hầu thăm hỏi nhau gọi là triều”. Lã thị Xuân Thu, “Cầu nhân”: “Xưa [vua] Nghiêu gặp (triều) Hứa Do trong đầm Bái Trạch” – Cũng dùng để chỉ việc kẻ dưới chào, gặp người trên: a.- bề tôi gặp vua; b.- cấp dưới gặp quan trên; c.- con cháu đến vấn an cha mẹ, ông bà.

2 – Gọi lại, gọi về, tập hợp.

3 – Quy phục mà về với (ai đó).

4 – Triều đình.

5 – Sảnh đường, cửa quan ngày xưa.

6 – Triều đại.

7 – Y phục mặc để vào chầu (vua).

8 – Công việc triều chính.

9 – Cung thất.

Với nghĩa 1 của chữ triều 朝, ta có các điệp thức chào (trong chào hỏi) và chầu (trong chầu rìa).

Với âm triêu, chữ 朝 có các nghĩa:

1 – Sáng sớm, buổi sớm.

2 – Buổi đầu, lúc đầu.

3 – Ngày.
4 – Chỉ hướng Đông.

Với nghĩa 1 của chữ triêu 朝, tiếng Hán có các danh ngữ: triêu dương (mặt trời ban mai), triêu hà (ánh bình minh [ráng buổi sớm]), triêu húc (nắng mai), triêu lộ (sương mai), v.v… Cũng với nghĩa này, nó có hàng loạt thành ngữ:

– Triêu ca mộ huyền (sớm hát tối đàn), ý nói đàn hát thâu đêm suốt sáng.

 – Triêu chung mộ cổ (sớm chuông tối trống), chỉ việc nhà chùa sáng gõ chuông, tối đánh trống để báo giờ.

– Triêu hoan mộ lạc (sớm vui tối nhộn), chỉ việc ngày đêm mê đắm trong chốn ăn chơi.

– Triêu sấn mộ thực (sớm kiếm tối ăn), chỉ việc mưu sinh khó khăn.

– Triêu tam mộ tứ (sớm ba tối bốn). Nam Hoa kinh của Trang Tử, thiên “Tề vật luận” có đoạn: “Có lão nuôi khỉ, phát khoai cho khỉ, nói: "Sớm ba, mà chiều bốn!" Khỉ đều giận. Lão lại nói: "Thôi, sớm bốn mà chiều ba"! Khỉ đều mừng. Số cho không thay đổi, danh và thực không thiếu, vậy mà cái dụng ý của nó lại có mừng có giận”. (Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch).

– Triêu Tần mộ Sở (sớm Tần tối Sở). Thời Chiến quốc, Tần và Sở là hai nước mạnh nhất nên các nước nhỏ phải cân nhắc về lợi ích của mình mà theo bên này hoặc bên kia, thay đổi khó lường. Các thuyết khách cũng thế. Cũng dùng để chỉ hành tung bất thường hoặc sinh hoạt không ổn định.

– Triêu thành mộ biến, sớm vừa ghi chép xong, tối đã đồn khắp.

Cũng với nghĩa này, nó có các câu: – dưỡng binh thiên nhật, dụng tại nhất triêu (nuôi quân ngàn ngày, dùng trong một buổi); – nhất triêu bị xà giảo, thập niên phạ tỉnh thằng (một lần [buổi] bị rắn cắn, mười năm sợ dây giếng [dây gàu]), v.v…
Với nghĩa 3, nó có danh ngữ tam triêu (ngày thứ ba sau lễ cưới, cô dâu về thăm nhà mẹ, gọi là tam triêu hồi môn; hoặc là ngày tắm (ngày thứ ba) lần đầu tiên cho trẻ sơ sinh, gọi là tẩy tam).

Cứ như trên thì hiển nhiên là chữ 朝¯ có hai âm triều và triêu và mỗi âm đều có những nghĩa riêng của nó, khác hẳn với nghĩa của âm kia. Tên của nhân vật đang bàn, chữ Hán là 朝旭. Đây là một danh ngữ liên quan đến nghĩa 1 của âm triêu và có nghĩa là nắng mai, như đã nêu ở trên. Vậy âm của nó là Triêu Húc. Và vì là Triêu Húc nên trong lối pīnyīn của tiếng Bắc Kinh, người ta mới ghi là  Zhāoxù (nếu “Triều Húc” thì phải là “Cháoxù”). Tên họ đầy đủ của nhân vật này theo lối pīnyīn là  Mã Zhāoxù nên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v... mới theo đó mà ghi không có dấu thành  Ma Zhaoxu. Mã Triêu Húc mới đúng là tên họ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đọc theo âm Hán Việt.

A.C