Tàu chiến Mỹ cuối cùng bị phát xít Đức đánh chìm

07:04 | 28/09/2019

387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến hạm USS Eagle 56 phát nổ, gãy đôi và chìm sâu xuống Đại Tây Dương vào ngày 23/4/1945, chỉ hai tuần trước khi Đức Quốc xã đầu hàng.

Tàu tuần tra USS Eagle 56 chở 62 thủy thủ của hải quân Mỹ phát nổ cách bờ biển bang Maine chỉ 8 km, trong đó 13 người được cứu sống. Chiến hạm này do Henry Ford, người sáng lập công ty Ford Motor, thiết kế và là tàu duy nhất thuộc lớp Eagle bị đánh chìm.

Hải quân Mỹ ban đầu kết luận thảm họa này là tai nạn do một vụ nổ trong buồng chứa nồi hơi gây ra, dù các thủy thủ sống sót cho biết họ phát hiện một tàu ngầm Đức trước khi chiến hạm bị chìm.

Tuy nhiên, tới năm 2001, các tài liệu được giải mật xác nhận Eagle 56 đã trúng ngư lôi phóng từ tàu ngầm U-853 của hải quân Đức Quốc xã. Tàu Eagle 56 được xác nhận bị đánh chìm do hành động thù địch của kẻ thù trong chiến tranh, dù thảm họa xảy ra chỉ hai tuần trước khi Thế chiến II kết thúc.

Tàu chiến Mỹ cuối cùng bị phát xít Đức đánh chìm
Một mảnh vỡ của tàu tuần tra Eagle 56 khắc dấu hiệu của Hải quân Mỹ. Ảnh: Smithsonian Channel.

Bất chấp những nỗ lực điều tra của hải quân Mỹ, tung tích của Eagle 56 vẫn là bí ẩn trong thời gian dài. Dù con tàu chìm tương đối gần bờ, mọi nỗ lực xác định vị trí xác tàu đều thất bại suốt nhiều thập kỷ.

Bí ẩn này thôi thúc Đội Thám hiểm Nomad, một nhóm thợ lặn nghiệp dư tại vùng New England, bắt đầu hành trình tìm xác tàu vào năm 2014. Nomad do Ryan King cùng hai người bạn là tài xế lái xe tải chở thịt Jeff Goodreau và công chức Donald Ferrara lập ra, sau đó có 5 người khác gia nhập.

"Tôi tin rằng việc tìm kiếm các xác tàu là nhiệm vụ của mình", Goodreau cho biết. "Eagle 56 cần được tìm thấy. Đó là 'bóng ma vĩ đại' của vùng New England. Rất nhiều người đã tìm kiếm nó, nhưng chưa ai phát hiện ra".

Tuy nhiên, hành trình này không dễ dàng. Goodreau mô tả đáy đại dương ở phía bắc mũi Cape Cod, bang Massachusetts giống như một mê cung với nhiều vực sâu và vách đá, trong khi tàu Eagle 56 khá nhỏ. Tại thời điểm đó, nhóm thợ lặn chưa biết con tàu đã lọt vào một rãnh đá dưới đáy biển.

"Điều này tương tự việc thả một lon nước xuống hẻm núi rồi bịt mắt đi tìm nó, bởi bạn không thể thấy được nó khi nhìn xuống. Tầm nhìn chỉ khoảng 3 mét, mọi thứ tối đen", Goodreau cho hay.

Nhóm thợ lặn còn gặp khó khăn hơn nữa khi chiếc từ kế đắt tiền của họ trở nên vô dụng do cấu trúc địa chất dưới đáy biển. "Hóa ra những tảng đá ngoài khơi bang Maine không chỉ lớn mà còn chứa đầy sắt", Goodreau cho biết.

Tàu chiến Mỹ cuối cùng bị phát xít Đức đánh chìm
Tàu tuần tra USS Eagle 56 trước khi bị chìm. Ảnh: US Navy.

Những mùa hè lần lượt trôi qua, nhóm thợ lặn vẫn chưa thu được kết quả nào. Họ dành thời gian trong mùa đông để tìm hiểu kỹ hơn về vụ chìm tàu, cố gắng xác định tọa độ của con tàu.

Quá trình nghiên cứu còn giúp các thành viên trong nhóm tìm được sợi dây liên kết với thủy thủ đoàn của Eagle 56. Ferrara cho biết với tư cách một cựu thủy quân lục chiến, ông cảm thấy thân thuộc với các thủy thủ thiệt mạng trong vụ chìm tàu. Hầu hết họ đều khá trẻ.

Nhóm thợ lặn sau đó hợp tác với Gary Kozak, một chuyên gia tìm kiếm dưới đáy biển, để xác định một số vị trí khả thi của xác tàu. Cuối cùng, sau nhiều năm tìm kiếm miệt mài, họ đã xác định thành công vị trí của Eagle 56 ở độ sâu 91 m dưới đáy Đại Tây Dương vào tháng 6/2018, giúp giải mã bí ẩn tồn tại gần 75 năm.

"Hai thợ lặn đã nhìn thấy một bức tường thép khổng lồ dưới đáy đại dương. Hóa ra đó chính là Eagle 56", Ryan King kể lại, nói thêm rằng anh cảm thấy phấn khích tột độ.

Tàu chiến Mỹ cuối cùng bị phát xít Đức đánh chìm
Ryan King (trái) và Jeff Goodreau ăn mừng sau khi tìm thấy Eagle 56 hồi tháng 6/2018. Ảnh: Smithsonian Channel.

Sau khi tìm thấy xác tàu, nhóm thợ lặn dành thời gian còn lại của mùa hè năm ngoái để tiến hành thêm khoảng 20 chuyến lặn, với mục đích thu thập bằng chứng cần thiết để việc chứng minh đây là Eagle 56. Họ hợp tác chặt chẽ với Robert Neyland, người đứng đầu nhánh khảo cổ học dưới biển thuộc Bộ Tư lệnh Di sản và Lịch sử Hải quân Mỹ.

Các thợ lặn mất chưa đầy 4 phút để tới được vị trí xác tàu, nơi nhiệt độ nước chỉ còn 4 độ C. Tuy nhiên, quá trình ngoi lên diễn ra trong ba giờ để họ có thể tránh hiện tượng giảm áp.

"Lịch sử đã được viết lại", Neyland nói. Ông cho rằng phát hiện của nhóm thợ lặn là bằng chứng vô giá đối với thủy thủ đoàn của Eagle 56 trong việc chứng minh tàu của họ đã bị tấn công. Tuy nhiên, 13 người sống sót sau vụ chìm tàu không thể tận hưởng niềm vui này bởi họ đều đã qua đời.

Mục tiêu hiện nay của nhóm thợ lặn là tìm kiếm quả ngư lôi đã đánh chìm tàu Eagle 56, đồng thời cố gắng hành động một cách thận trọng khi lặn trong khu vực tàu chìm, nơi 49 thủy thủ Mỹ đang yên nghỉ cùng chiến hạm của mình.

"Chúng tôi không muốn làm phiền họ và luôn giữ thái độ thật tôn trọng khi có mặt tại đây", Ferrara cho biết, đề cập tới những thủy thủ đã khuất.

Theo VNE

200 tàu chiến Iran diễu hành trên Vịnh Ba Tư giữa căng thẳng với Mỹ
Lo ngại Trung Quốc bành trướng, châu Âu quyết tâm hiện diện ở Biển Đông
Tàu chiến Mỹ thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Hoàng Sa
Tàu chiến Mỹ mang tên lửa “nắn gân” Trung Quốc tại Thái Bình Dương
Dàn tàu chiến phô diễn sức mạnh trong diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN