Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Vượt khó từ phong trào thi đua

08:00 | 21/08/2015

568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giai đoạn 2011 - 2015 có thể nói là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng. Thu xếp vốn cho các dự án điện là trở ngại lớn nhất, thời tiết nắng hạn kéo dài, thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra tác động xấu đến việc sản xuất, cung ứng EVN. Nhưng vượt lên tất cả, với tinh thần “điện đi trước một bước” và đặc biệt là các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) EVN đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, mục tiêu chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó.  

Cung ứng đủ điện và có dự phòng

Suốt chiều dài lịch sử hơn 60 năm của ngành điện, mục tiêu hệ thống điện quốc gia có dự phòng luôn là niềm ao ước, khát vọng của những người làm điện. Có điện, được cấp đủ điện thì nền kinh tế sẽ có điều kiện, nền tảng để phát triển bền vững, vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia cũng được đảm bảo. Vậy nên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn, thách thức đến mấy, có phải ăn núi, ngủ rừng, phơi mình dưới nắng lửa, dầm mình trong mưa giông, gió bão... tập thể CBCNV ngành điện vẫn nỗ lực, quyết tâm một cách cao nhất để hướng tới mục tiêu “điện đi trước một bước”!

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Vượt khó từ phong trào thi đua
Công nhân ngành điện thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Theo báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 của EVN, trong giai đoạn 2011 - 2015, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân với chất lượng ngày càng cao; hệ thống điện có dự phòng... Đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964MW và có dự phòng trên 20%, trong đó công suất nguồn điện do EVN sở hữu là 18.426MW (chiếm 52,3% tổng công suất đặt hệ thống). Công tác điều hành cung ứng điện đã đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế, việc huy động các nguồn điện hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống điện được vận hành cơ bản ổn định, an toàn trong điều kiện truyền tải cao trên hệ thống Bắc - Nam.

Công tác giảm tổn thất điện năng của EVN cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, giảm mạnh qua các năm. Nhiều chương trình tiết kiệm điện đã được thực hiện trong các năm qua như thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện; Chương trình quảng bá bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thí điểm mô hình công ty dịch vụ năng lượng ESCO; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng thực hiện kiểm toán năng lượng; triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, do đó sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm. Dịch vụ khách hàng, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng khách hàng của EVN đạt 21,48 triệu khách hàng vào năm 2015, tăng 1,45 lần so với năm 2011, bình quân tăng 7,72%/năm.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Tập đoàn đã thực hiện vượt kế hoạch đầu tư phát triển nhiều công trình nguồn và lưới điện trọng điểm, cấp bách. Hạ tầng lưới điện nhờ vậy được củng cố, vươn xa khắp mọi miền đất nước. Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn đã có điện lưới quốc gia. Cơ cấu kinh tế địa phương nhờ đó chuyển dịch theo hướng cơ giới hóa, thương mại, dịch vụ, hàng hóa... góp phần giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại nhiều địa điểm trọng điểm như 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc... Suốt dọc tuyến biên giới quốc gia, hầu hết các xã đã được cấp điện góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn sau một thời gian dài khó khăn, thua lỗ kéo đã bước đầu có lãi, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước. EVN không những trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Đảng, Nhà nước mà còn tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương khó khăn theo Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An tại lễ mừng công hoàn thành việc đưa điện về 100% số xã của tỉnh Lai Châu đã nhấn mạnh rằng, việc EVN đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của Lai Châu thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của những người làm điện. Có điện, Đảng bộ, UBND tỉnh Lai Châu và đồng bào các dân tộc Lai Châu sẽ có nhiều điều kiện cụ thể hóa mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Vấn đề an ninh quốc phòng, an ninh biên giới nhờ đó cũng sẽ được củng cố.

Thống nhất ý chí và hành động

Như đã nói ở trên, EVN đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà Đảng, Chính phủ giao. Việc cung ứng điện luôn được đảm bảo an toàn, thông suốt, hệ thống lưới điện không ngừng được mở rộng, vươn xa, tạo điều kiện các ngành, lĩnh vực, địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Kết quả này có được, theo EVN, ngoài sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương còn có sự nỗ lực, vượt khó tập thể cán bộ, công nhân viên ngành điện thông qua các phong trào thi đua lao động sản xuất. Qua các phong trào thi đua, nhiều sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm... đã được triển khai và mang lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, các phong trào thi đua nước rút, phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ được phát triển rộng khắp ở nhiều công trình trọng điểm, tạo ra không khí thi đua sôi nổi, khí thế và trở thành động lực quan trọng đóng góp vào sự thành công của các công trình xây dựng điện, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho đất nước. Ví như phong trào thi đua liên kết trên công trình Thủy điện Sơn La, công trình quan trọng quốc gia, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất 2.400 MW chẳng hạn. Thông qua phong trào thi đua, ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến đã được thổi bùng trong mỗi trái tim người lao động, để từ đó, công trình xây dựng Thủy điện Sơn La đã trải qua hàng ngàn ngày đêm, xuất sắc về đích trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế to lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao…

Để đạt được những kết quả trên, để các phong trào thì đua mang lại hiệu quả thiết thực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định yếu tố quan trọng nhất chính là sự thống nhất trong chỉ đạo, triển khai của Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Công đoàn Điện lực và các tổ chức đoàn thể có ý nghĩa quyết định sự thành công của các phong trào thi đua. Thứ nữa, mục tiêu, nội dung thi đua phải cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch được giao; bên cạnh những phong trào thi đua theo chủ đề năm, những đợt thi đua dài ngày, cần có những đợt thi đua ngắn ngày tập trung vào những công tác trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những công việc cụ thể, có tính chất mũi nhọn trong từng thời điểm. Phương pháp và hình thức thi đua phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện, nhiệm vụ của từng khối và từng đơn vị trong Tập đoàn, qua đó các phong trào thi đua mới duy trì được thường xuyên và thu hút được nhiều người tham gia.

Và một điều vô cùng quan trọng là đã có thi đua thì phải có tôn vinh, khen thưởng, mà việc tôn vinh, khen thưởng phải được công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo khen thưởng phải đúng người, đúng thành tích. Những cá nhân, tập thể có thành tích được khen thưởng phải được biểu dương, nhân rộng kịp thời, như vậy mới đảm bảo tính động viên, khích lệ CBCNV tiếp tục hăng say, công tác, cống hiến cho đơn vị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 449

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps