Tạo đột phá từ ứng dụng khoa học công nghệ

20:07 | 02/03/2017

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một ngành kinh tế kỹ thuật, những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đầu tư, quản lý vận hành… hệ thống điện luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm. Và thực tế, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng giúp EVN vượt khó, đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước với chất lượng ngày càng cao.

Giải pháp vượt khó

Trong số các điện lực của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Điện lực Bến Tre (PC Bến Tre) là một trong những điện lực gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện. Địa bàn bị chia cắt mạnh bởi các kênh, rạch, lưới điện tại nhiều khu vực, đặc biệt là những khu vực mới được tiếp nhận từ các hợp tác xã mua bán điện lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng.

Trước những khó khăn, thách thức trên, ông Phạm Thanh Trúc - Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật PC Bến Tre cho hay: Do đặc thù địa bàn rộng, lại bị chia cắt bởi các kênh, rạch nên một trong những giải pháp ưu tiên được lãnh đạo công ty đặt ra là ứng dụng khoa học công nghệ, tăng tỷ lệ tự động hóa trong quá trình quản lý vận hành hệ thống điện để nâng cao chất lượng cung ứng điện là giải pháp trọng tâm. Ví như việc thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng chẳng hạn. Với một lưới điện trải rộng, nhiều khu vực lưới điện lạc hậu, tổn thất cao, việc đầu tư xây mới một lúc là không thể vì vốn đầu tư lớn.

Vậy nên, để thực hiện mục tiêu này, PC Bến Tre đã áp dụng hệ thống giám sát khai thác dữ liệu online-mimic vào quản lý vận hành lưới điện phân phối 22kV; sử dụng công nghệ GPRS truyền dữ liệu từ công tơ điện tử; công nghệ PLC (truyền dữ liệu qua đường dây điện) để đo ghi chỉ số công tơ từ xa. Mặt khác, công ty còn lắp đặt máy biến áp amorphous siêu giảm tổn thất, vừa nâng cao hiệu suất tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng, giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường, vừa có thể tiết kiệm điện tới 75% so với máy biến áp truyền thống.

tao dot pha tu ung dung khoa hoc cong nghe
Phòng điều khiển trung tâm của PC Bến Tre

Đề cập cụ thể về việc sử dụng công nghệ GPRS truyền dữ liệu từ công tơ điện tử, ông Trúc thông tin: Hiện PC Bến Tre đã lắp hơn 1.000 công tơ có đo ghi từ xa cho khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt với sản lượng tương đương 33 triệu kWh/tháng, chiếm 32,69% điện thương phẩm toàn công ty. Với công nghệ này, khách hàng có thể giám sát được việc sử dụng điện của cơ sở khi cần thiết. Công ty sẽ cấp cho khách hàng quyền đăng nhập và mật khẩu để khách hàng xem dữ liệu. Ngành điện và khách hàng sẽ thống nhất ngày ghi chỉ số công tơ qua trao đổi email. Cùng với đó, điện lực sẽ tiến hành giám sát việc sử dụng điện của khách hàng mỗi ngày và sẽ kịp thời thông báo cho khách hàng qua điện thoại nếu có công suất phản kháng tăng, cũng như lệch pha trong quá trình sử dụng, sản lượng dùng bình quân mỗi ngày… để tư vấn khách hàng sử dụng điện hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Trúc, nhờ những giải pháp đồng bộ như trên đã giúp công ty kéo giảm tổn thất điện năng xuống theo từng năm. Nếu như năm 2011, tỷ lệ tổn thất của PC Bến Tre còn trên 10% thì đến năm 2016, tỷ lệ này còn khoảng 6,5%. Và theo lộ trình kế hoạch của EVNSPC giao cho PC Bến Tre, đến năm 2020, phải giảm tổn thất điện năng về mức 4,4%. Để đạt được mục tiêu này, PC Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý kỹ thuật - vận hành và quản lý kinh doanh như lắp đặt, vận hành tối ưu tụ bù công suất phản kháng, không để quá tải đường dây, máy biến áp; thực hiện hoán chuyển máy biến áp hợp lý, tránh tình trạng vận hành tải lệch pha...

Định hướng chiến lược

Như đã đề cập ở trên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình quản lý vận hành hệ thống điện đã góp phần quan trọng giúp PC Bến Tre thực hiện các mục tiêu giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng cung ứng điện. Và theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN thì việc chú trọng ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý vận hành hệ thống điện chính là giải pháp có tính định hướng của Tập đoàn để từng bước nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống điện, nâng cao hiệu suất các nhà máy điện, độ tin cậy cung cấp điện.

Theo ông Thành, chính việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành hệ thống điện, chất lượng dịch vụ khách hàng của ngành điện đã được cải tiến mạnh mẽ. Đáng chú ý, việc áp đặt cứng tiêu chí phải nâng cao chất lượng điện xuống các đơn vị thành viên, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) trong năm 2016 của EVN còn 1.579 phút (khoảng 26,3 giờ), giảm 25,1% so với năm 2015. Tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 10,23 lần/khách hàng, giảm 23%. Tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) 1,94 lần/khách hàng, giảm 4,35%. Trong việc giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp, thời gian giải quyết bình quân của điện lực là 7,3 ngày (năm 2015 là 14 ngày) ít hơn so chỉ tiêu 10 ngày, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng ở vị trí 96/190 (tăng 5 bậc so năm 2015)... Độ tin cậy cung cấp điện và mức độ hài lòng của khách hàng đều đạt như mục tiêu phấn đấu. Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN năm 2016 là 7,69/10 điểm, tăng 0,42 điểm so năm 2015...

Còn theo ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN, với những kết quả đạt được trong năm 2016, năm 2017, EVN sẽ tập trung ứng dụng các đề tài nghiên cứu, dự án tiến bộ khoa học, công nghệ để đem lại hiệu quả trong quản lý, vận hành từ sản xuất, truyền tải tới khâu phân phối điện, góp phần tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Theo đó, EVN sẽ xây dựng định hướng và chiến lược phát triển công nghệ điện lực, kế hoạch phát triển hệ thống công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2030 ban hành trong Tập đoàn; Triển khai chương trình phát triển lưới điện thông minh (Smart Grid). Cùng với đó, Tập đoàn cũng xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn cơ sở lựa chọn thiết bị thống nhất trong toàn EVN; Hoàn thành hệ thống ERP trong quý II/2017; Các chương trình phần mềm quản lý đầu tư xây dựng, quản lý các nhà máy điện.

Mặt khác, EVN sẽ hoàn thành và triển khai đề án văn phòng điện tử để đảm bảo quản lý hành chính toàn Tập đoàn ở cấp độ 4. Ba tổng công ty phát điện sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành nhà máy điện, hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu đo đếm (MDMS); Hệ thống giám sát vận hành nhóm các nhà máy điện. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp công nghệ để giảm phát thải của các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo đúng tiêu chuẩn môi trường.

Đặc biệt, đối với khối phân phối, bán lẻ điện, Tập đoàn yêu cầu hoàn thành triển khai hệ thống quản lý kỹ thuật mạng viễn thông dùng riêng; Hệ thống thông tin địa lý GIS; Hệ thống CMIS, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, hệ thống quản lý nhu cầu phụ tải (DSM), hệ thống đo đếm và thu thập số liệu từ xa, hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu đo đếm (MDMS); hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, hoàn thành triển khai 5 trung tâm điều khiển lưới 110kV và 200 trạm biến áp 110kV không người trực… Đồng thời khuyến khích cá nhân, tập thể đề xuất sáng kiến, giải pháp kỹ thuật phục hồi thiết bị, nghiên cứu áp dụng những thiết bị, công nghệ mới để thay thế những thiết bị đã cũ hiện không còn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất…

Hà Lê