Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

08:26 | 18/07/2023

74 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
GDP của Trung Quốc trong quý II/2023 tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự báo. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại | Quốc tế
GDP quý II/2023 của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong quý II/2023 so với quý I, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục vào tháng 6, cho thấy sự phục hồi mờ nhạt của kinh tế Trung Quốc. Điều này có nguy cơ khiến nền kinh tế toàn cầu bị suy yếu trong năm nay, nhất là khi suy thoái kinh tế rình rập Mỹ và châu Âu.

Cụ thể, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, GDP quý II/2023 của nước này tăng trưởng 6,3% so với năm trước, không đạt kỳ vọng.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát, giữ ổn định ở mức 5,2% trong tháng Sáu. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lại tăng lên, với tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi tăng lên 21,3% trong tháng 6 từ 20,8% trong tháng 5.

Đầu tư vào xây dựng, máy móc và các tài sản cố định khác chỉ tăng 0,4% trong tháng 6 so với tháng 5, do lĩnh vực bất động sản còn yếu kém. Sản xuất công nghiệp tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ tăng trưởng chậm chạp trong năm 2023 đang gây áp lực cho Bắc Kinh khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và xuất khẩu sụt giảm. Một cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tài chính của chính quyền địa phương yếu kém đang làm tăng thêm sự ảm đạm của kinh tế Trung Quốc.

Có thể thấy, quá trình phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc khác so với các nền kinh tế lớn khác. Chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ và Châu Âu đã nhanh chóng phục hồi sau khi mở cửa trở lại nhờ sự hỗ trợ của chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại | Quốc tế
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang ở mức báo động

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng tốc so với năm 2022, khi tăng trưởng sụp đổ do các đợt đóng cửa lẻ tẻ theo chính sách của chính phủ nhằm loại bỏ những đợt bùng phát đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, việc mất đà sau đợt bùng nổ hoạt động vào đầu năm 2023 có nghĩa là Trung Quốc sẽ cần nhiều giải pháp hơn nữa để vực dậy niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng.

Ông Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại và kinh tế tại Đại học Cornell và là cựu Giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trao đổi với WJS rằng, các số liệu kinh tế Trung Quốc cho thấy quốc gia này phải có nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, cũng như những thay đổi chính sách sẽ giúp vực dậy niềm tin vào khu vực tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng năng suất nhanh hơn.

"Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất điều hành trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng lãi suất thấp hơn có thể không giúp được gì nhiều vì người tiêu dùng và doanh nghiệp dường như miễn cưỡng vay các khoản vay mới", ông Eswar Prasad nhận định.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Bắc Kinh nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình để thúc đẩy tiêu dùng, tạo việc làm mới và lấy lại niềm tin vào nền kinh tế. Ông Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết các biện pháp có thể thực hiện bao gồm trợ cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, cắt giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc tăng chi tiêu cho các chương trình xã hội...

"Giấc mơ" vượt Mỹ của kinh tế Trung Quốc khi nào mới thành hiện thực?
Nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và bài học với Việt NamNguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và bài học với Việt Nam
Trung Quốc nỗ lực cứu đồng nhân dân tệTrung Quốc nỗ lực cứu đồng nhân dân tệ

Theo DĐDN