Tăng trưởng GDP quý II/2023 không đạt kỳ vọng, gần chạm đáy trong 13 năm

08:24 | 30/06/2023

118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023.
Tăng trưởng GDP quý II/2023 không đạt kỳ vọng, gần chạm đáy trong 13 năm
Toàn cảnh buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm nay ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Như vậy, GDP quý II tăng gần thấp nhất trong 13 năm qua.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%); Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 (sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, tác động làm CPI tăng 0,49%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,24%, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74% do dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,17%. Chỉ số giá vé máy bay tăng 65,72%; giá vé tàu hỏa tăng 32,34%; giá vé ô tô khách tăng 11,12% do nhu cầu đi du lịch trong dịp lễ, Tết, dịp hè của người dân tăng.

Giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 4/5/2023, tác động làm CPI tăng 0,1%.

Trong 6 tháng đầu năm, tuy giá xăng dầu giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Với xuất nhập khẩu hàng hóa, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).

Tăng trưởng GDP quý II/2023 không đạt kỳ vọng, gần chạm đáy trong 13 năm
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu

Nguyên nhân mức tăng trưởng GDP không được như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng giảm khiến sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.

Lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn cũng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.

Xét về những yếu tố trong nước: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi; Giải ngân vốn đầu tư công cũng chưa được cải thiện. Một số thị trường then chốt như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp trở nên khó tiếp cận hơn.

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, chỉ đạo sát sao các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen.

Mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng nhưng đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu. Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn; tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại (đặc biệt là các FTA đã ký kết) và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường và ngành hàng truyền thống.

Bên cạnh đó cần theo dõi sát sao diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… có ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời.

Đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ cần nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

EIA đưa ra dự đoán chi tiết về ngành năng lượng Mỹ sau cuộc họp OPEC+EIA đưa ra dự đoán chi tiết về ngành năng lượng Mỹ sau cuộc họp OPEC+
[PetroTimesMedia] El Nino mối đe dọa nền kinh tế toàn cầu[PetroTimesMedia] El Nino mối đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Cơ hội và thách thức nhìn từ những kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023Cơ hội và thách thức nhìn từ những kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023
6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72%6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72%

Minh Đức