Tăng sản lượng than bảo đảm nhu cầu than cho nền kinh tế

16:17 | 06/11/2021

584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ninh có sự đóng góp quan trọng của ngành than, là ngành kinh tế chủ lực góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Những năm qua ngành than đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất của các ngành kinh tế khác, góp phần ổn định việc làm cho hàng vạn lao động.

Ngày 5/11, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (thứ hai từ phải sang) tìm hiểu quy trình sản xuất hầm lò ở Công ty than Núi Béo (Quảng Ninh) Ảnh: Trần Ngọc Duy
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (thứ hai từ phải sang) tìm hiểu quy trình sản xuất hầm lò ở Công ty than Núi Béo (Quảng Ninh) Ảnh: Trần Ngọc Duy

Theo đó, ngày 24/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đến kiểm tra tình hình sản xuất, thăm hỏi, động viên công nhân và người lao động mỏ than Núi Béo, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tham gia đoàn có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ; các đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Sau khi kiểm tra công trình khai thác than tại hầm lò của Công ty cổ phần than Núi Béo thuộc TKV. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị ngành than cần tập trung giải quyết một số công việc trọng tâm, như: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của TKV

Cùng với đó là công tác tái cơ cấu công nghệ sản xuất, về quản trị doanh nghiệp và về tái cơ cấu về nhân lực gắn với đào tạo, chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất; cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than đảm bảo nhu cầu than cho nền kinh tế; Làm tốt công tác đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, coi đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng song hành cùng các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

Sau khi nghe báo cáo của TKV về kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022; ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu dự họp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đánh giá cao sự phát triển nhanh của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, đặc biệt là về hạ tầng giao thông đường bộ, từ chỗ khó khăn về giao thông, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã có đầy đủ các loại hình giao thông: Đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, hàng không (sân bay Vân Đồn). Điều này thể hiện qua sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh.

Những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ninh có sự đóng góp quan trọng của ngành than, là ngành kinh tế chủ lực góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Những năm qua ngành than đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất của các ngành kinh tế khác, góp phần ổn định việc làm cho hàng vạn lao động.

Trong thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội, đến sinh kế và đời sống nhân dân, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh bị đứt gãy. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng TKV đã tập trung thực hiện tái cơ cấu khắc phục những yếu kém nội tại, đồng thời tích cực thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được giao và đạt được những kết quả quan trọng. Tập đoàn đã tích cực chuẩn bị cho việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất than từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò. Công tác quản trị cũng đã từng bước được thực hiện tốt, qua đó việc sản xuất kinh doanh đều có lãi, đóng góp vào ngân sách khoảng 12.000 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, TKV đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Sản xuất khai thác than có xu hướng giảm; thị trường năng lượng giảm sâu; giá thành sản xuất than của TKV cao dẫn đến cạnh tranh yếu; nhu cầu sử dụng than trong nước được cung cấp nhiều nguồn khác nhau; khó khăn do chi phí đầu vào, đặc biệt là các loại thuế, phí liên tục tăng; đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường với than nhập khẩu làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đến ổn định đời sống của người lao động; công tác an toàn lao động.

Trong thời gian tới, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi ngành than chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất; tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than bảo đảm nhu cầu than cho nền kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: Đối với ngành than: Huy động các nguồn lực, đặc biệt là vốn cho đầu tư phát triển (cho thăm dò, đổi mới công nghệ...); thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu than.

Tập trung thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; tái cấu trúc về đầu tư những lĩnh vực mang lại hiệu quả; đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, khắc phục lãng phí, thất thoát để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn lực.

Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện sản xuất trong Tập đoàn; tập trung nghiên cứu, thiết kế chế tạo thử nghiệm cơ giới hóa khai thác, đào lò phù hợp với điều kiện các mỏ và các vấn đề về môi trường, an toàn, nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế các mỏ hầm lò.

Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất trước mắt và lâu dài; quan tâm bảo đảm đời sống cho người lao động trong đó nghiên cứu và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét đầu tư xây dựng nhà ở cho gia đình công nhân; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong công tác an toàn lao động, ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động và các sự cố lớn, bảo đảm cho người lao động yên tâm làm việc. Thực hiện tinh giản lực lượng lao động để tăng năng suất lao động.

Thông báo kết luận nêu rõ, Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp để sử dụng tối đa than trong nước cho sản xuất điện.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển và xuất nhập khẩu than và bảo đảm môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh than, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh than trái phép theo quy định của pháp luật.

Đối với các kiến nghị của TKV về việc khai thác trữ lượng than còn lại thuộc ranh giới của mỏ than lộ thiên Núi Béo: Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không lãng phí tài nguyên quốc gia, bảo đảm đúng quy định. Về một số kiến nghị khác của Tập đoàn, đề nghị các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

M.C