Tận dụng TPP để phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt

19:51 | 10/07/2013

662 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 10/7, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) đã phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) tổ chức hội thảo “Tận dụng TPP để phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt” tại TP HCM.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt kỳ vọng, với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận với thị trường các nước đối tác TPP.

Ngoài ra, là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, lợi thế về thuế quan rất quan trọng đối với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là ở thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ. Đây là một thị trường đặc biệt lớn của thế giới, nơi hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ nhiều nước khác, trong đó có những đối tác đã được các nước này cho hưởng ưu đãi thuế quan.

Song song với lợi ích trên, việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước TPP cũng đưa đến kỳ vọng về một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp trong nước được tiếp cận với công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phong phú và giá thấp hơn; được học hỏi những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại, hiệu quả hơn.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đạt kỳ vọng về lợi ích từ việc mở rộng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm gia tăng năng lực sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước…

TPP đem lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với các thuận lợi doanh nghiệp đang kỳ vọng, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Mở cửa theo một FTA tham vọng như TPP thì thách thức càng lớn hơn. Chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam vốn nhỏ bé và ít kinh nghiệm với những “người khổng lồ” đến từ các nước TPP ngay ở thị trường trong nước.

Ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Công ty Vissan nhận định: Ngay từ thời điểm bắt đầu đàm phán, cũng đã có nhiều quan ngại về những nguy cơ có thực từ các cam kết TPP. Nguy cơ mất khả năng cạnh tranh bởi việc giảm thuế quan sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng trong luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa có nguy cơ bị thu hẹp lại, thậm chí mất thị phần nội địa.

Nguy cơ trên đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, vốn là nhóm gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân. Ngoài ra, điều này cũng dẫn đến việc doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với nhau và doanh nghiệp nào yếu kém sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Chỉ doanh nghiệp nào tự thích nghi, tự điều chỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình mới tồn tại được.

Ngoài ra, tham gia TPP đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường dịch vụ, là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất từ trước đến nay. Việc mở cửa thị trường dịch vụ sẽ khiến cho các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm và danh tiếng lâu năm, có ưu thế về cung cấp dịch vụ trên thế giới "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam, khiến cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng và việc mất thị phần là nguy cơ được cảnh báo.

Không những thế, so với các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển trong khi WTO vẫn có chính sách ưu tiên cho các quốc gia đang phát triển. Như vậy, rõ ràng đây là bất lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi không có đủ năng lực để cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với các doanh nghiệp của Mỹ, Nhật  hay Australia.

Đối với các hàng hóa mà chúng ta có thế mạnh xuất khẩu như: dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử, công cụ, hàng thủ công mỹ nghệ…, để được hưởng thuế 0% hoặc thuế thấp trong TPP, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa theo quy định. Như vậy, đàm phán về các quy tắc về xuất xứ trong TPP phải đạt được cam kết sao đó để phù hợp với với thực tế thu mua nguyên liệu, phương thức sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh phần lớn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành xuất khẩu của chúng ta đang được nhập từ Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc... (các nước nằm ngoài TPP). Nếu kết quả đàm phán về xuất xứ trong TPP đòi hỏi trị giá nội địa hoặc nội khối TPP quá cao thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không đáp ứng được điều kiện hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước TPP.

Thêm nữa, thuế quan chỉ là một phần của câu chuyện xuất khẩu. Các quy định kỹ thuật khắt khe về bao gói, nhãn mác, về mức độ, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm, về tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng… Đó có thể là những rào cản cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường các nước TPP.

Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều cảnh báo về những thách thức khi gia nhập TPP, các chuyên gia cũng nhận định rằng: Cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong một nền kinh tế thị trường, ít nhất với tính chất là động lực, là sức ép để các doanh nghiệp, các ngành và cả nền kinh tế phải tự điều chỉnh, tự cải thiện, tiến tới tự hoàn thiện mình. Điều này là thực tế đã được chứng minh sau gần hai thập kỷ nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, cạnh tranh, mở cửa. Cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển, với các quy luật thị trường ổn định và hiện đại như các đối tác TPP càng là cơ hội để chúng ta học hỏi và tiến bộ tốt hơn.

Mai Phương