Kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh (19-5-1959/19-5-2019)

Tấm lòng của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên

07:00 | 18/05/2019

419 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhắc đến con đường huyền thoại Trường Sơn thời chống Mỹ, bên cạnh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong tham gia mở đường là hình ảnh một vị tướng đã đi vào lịch sử. Đó là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Cùng với những kỳ tích mà ông đóng góp cho tuyến đường vận tải quân sự là những câu chuyện cảm động về tấm lòng của vị tướng đối với các sĩ quan, binh lính và con trai của mình.

Trung tá Minh Đỉnh là nghệ sĩ mỹ thuật của quân đội. Anh nổi tiếng là nghệ sĩ tạo hình với các bức tượng chân dung rất giống người thật và rất có hồn. Đặc biệt, ông giành nhiều giải thưởng về sáng tác tượng Bác Hồ. Những lần tâm sự về nghề, anh thường nhắc tới Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Anh nói: “Tôi rất biết ơn Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Chính cụ ấy đã phát hiện ra năng khiếu của tôi và điều tôi từ chiến trường chống Mỹ ra Hà Nội học ở trường mỹ thuật”.

Nghệ sĩ Minh Đỉnh nhớ lại: Thời chiến tranh chống Mỹ, ông là lính văn thư, đánh máy của một đơn vị bộ đội Trường Sơn. Nơi làm việc của ông lúc đó là một ngách đá trong rừng già. Một hôm, tướng Đồng Sĩ Nguyên (khi ấy là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn) đi kiểm tra tuyến đường vận tải và nghỉ lại ở đơn vị ông. Tư lệnh dành thời gian thăm nơi ăn ở và làm việc của cán bộ, chiến sĩ. Thật bất ngờ, ông rẽ vào ngách đá, nơi Minh Đỉnh đang gõ máy chữ. Ông đứng ngắm nghía mấy bức tranh và mấy pho tượng nhỏ bày ở vách đá và hỏi: “Những tác phẩm này của ai sáng tác?”. Minh Đỉnh nói rằng, những lúc rảnh rỗi, anh đã sáng tác những tác phẩm đó. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên ngạc nhiên và xem kỹ từng tác phẩm, lại biết Minh Đỉnh chưa được học qua trường lớp nào. Quay về ban chỉ huy đơn vị, ông nói với mấy cán bộ, nên cử Minh Đỉnh ra Bắc để đào tạo.

tam long cua trung tuong dong si nguyen
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên

Mấy tháng sau đó, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trở lại mặt trận Trường Sơn và thăm đơn vị. Trung tướng thấy Minh Đỉnh vẫn miệt mài gõ máy chữ ở đó, liền gọi mấy cán bộ chỉ huy đơn vị đến và hỏi: “Tại sao lần trước tôi bảo các cậu cử chiến sĩ này ra Bắc đi học mà giờ vẫn còn ở lại đây?”. Đồng chí chỉ huy trưởng đơn vị nói: “Báo cáo thủ trưởng, mặt trận đang thiếu quân, mà đưa được người từ Bắc vào đây rất khó khăn ạ”. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nói ngay: “Mặt trận đang rất cần bổ sung quân. Các đồng chí muốn có thêm 1000 quân, tôi cũng lo được. Nhưng để có một nghệ sĩ để phục vụ công tác động viên, tuyên truyền cho mặt trận thì hàng nghìn quân chưa chắc đã tìm được một người. Vì vậy, các đồng chí làm thủ tục sớm để cho đồng chí Minh Đỉnh ra Bắc học!”.

Thế là Minh Đỉnh được cử ra Bắc, học tại trường mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp, anh trở lại chiến trường, phục vụ quân đội và sau này trở thành một nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng, có những đóng góp xứng đáng.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cưới vợ từ năm 1947, có 6 người con. Biết mình thường xuyên ở chiến trường, vợ một mình tần tảo nuôi con vất vả, ông rất thương vợ và chưa một lần đánh hay mắng con. Vị tướng oai phong ở chiến trường khi về nhà luôn tìm cách làm gương cho các con cháu soi vào.

Ông lặng lẽ quan sát để biết tỉ mỉ những điểm mạnh, điểm yếu của con, từ đó tìm cách khích lệ và khắc phục. Biết con trai lớn thích chơi bóng đá nên khi về phép, ông đến câu lạc bộ Thể Công xin một quả bóng cũ về cho con. "Đó là sự khuyến khích rất lớn để tôi nuôi dưỡng niềm say mê thể thao", Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng – con trai của Trung tướng nhớ lại.

"Trong lòng chúng tôi, ba tôi là người vĩ đại. Ông không chỉ đóng góp lớn cho đất nước mà còn chăm chút từng vấn đề nhỏ trong gia đình. Chúng tôi đi đến đâu cũng bắt gặp những tình cảm nồng hậu của người dân dành cho ba", ông Hưng nói. Dù đam mê bóng đá, được câu lạc bộ Thể Công ngỏ ý tuyển dụng làm cầu thủ, nhưng vì đất nước còn chiến tranh, ông Hưng quyết định gác lại đam mê để đi bộ đội. Nhận được cuộc gọi của con, ông Nguyên đồng ý và khuyên con rằng: "Ba biết con là người ham học, nhưng bây giờ đất nước có chiến tranh, là thanh niên phải lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, sau này hết chiến tranh con có thể về học tiếp". Nhờ lời động viên của bố mà ông Hưng quyết tâm nhập ngũ, trở thành chiến sĩ phi công.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có người con trai út là Nguyễn Tiến Quân. Khi Quân đang giữ chức đại đội trưởng ở một đơn vị pháo binh thì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Lúc này cấp trên đang có kế hoạch gửi Quân đi đào tạo ở một trường quân sự nước ngoài. Nhưng anh đã xin ở lại và lên biên giới trực tiếp tham gia chiến đấu. Khi đó Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đang làm Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Biết được cá tính của con trai út, ông không ngăn cản mà chỉ chúc con trai lên đường, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì khi học hết lớp 10, Quân đã một mực không thi Đại học mà cương quyết xin vào bộ đội pháo binh

Chiều ngày 17-2-1979, Quân đã chỉ huy đại đội phản pháo dữ dội về phía đội hình tấn công của địch. Tối hôm đó, Quân cùng một chiến sỹ quê Hải phòng vượt qua hai quả đồi về Sở chỉ huy tiểu đoàn để báo cáo và lấy bản đồ. Trên đường quay lại trận địa, người chiến sỹ quê Hải Phòng ít kinh nghiệm, đã dùng đèn pin soi đường và do vậy, lính thám báo Trung quốc đã phát hiện, bám theo và bắn trúng hai anh em. Trước khi hy sinh, Quân còn kịp nhét tấm bản đồ vào ủng và ném xuống vực để không bị rơi vào tay địch. Hôm sau, đơn vị mở đường máu đưa thi thể hai anh em ra, đã nhặt được tấm bản đồ đó. Mờ sáng hôm sau, cả đại đội đã xếp hàng, bồng súng và bắn ba loạt đạn để vĩnh biệt người đại đội trưởng dũng cảm mà họ quý mến như người anh. Nguyễn Tiến Quân đã hy sinh anh dũng khi chưa đầy 26 tuổi.

Khi nhận được tin Quân hy sinh, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên giấu kín nỗi đau ở trong lòng và ông nói: "Nếu con mình không chết thì con người khác sẽ chết. Hãy tự hào vì người con của mình đã chết cho con người khác được sống".

Ông tự hào về người con đã hi sinh cho đất nước của mình, quyết giấu đi những giọt nước mắt người cha, nhưng đêm đêm, trong căn phòng ngủ - chốn riêng tư của mình - ông lặng ngắm di ảnh của người con đang tươi cười trong bộ quân phục. Ông trở thành chỗ dựa vững chắc cho con cháu phấn đấu vươn lên nối tiếp sự nghiệp của ông.

tam long cua trung tuong dong si nguyenTrung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Xuất quân sáng mùng một Tết!
tam long cua trung tuong dong si nguyenTrung tướng Đồng Sĩ Nguyên: “Anh Mười không dùng quyền lực để ép cấp dưới”
tam long cua trung tuong dong si nguyenNgười con của Quảng Bình kiên cường

Đức Toàn