Tại sao được tặng nhiều quần áo mà trẻ em vùng cao vẫn ở truồng?

22:10 | 05/01/2021

436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một lần, nhận được đề nghị từ tổ chức Project Sprouts, tôi vận động doanh nghiệp May xuất khẩu Ninh Bình tài trợ 500 áo jacket, 500 túi đeo đi học cho tổ chức này để mang tặng học trò nghèo huyện Bát Xát (Lào Cai). Việc thành công, tôi vui mừng kể cho bạn mình là chị Hồng Tín, một cán bộ trong ngành may mặc, nay đã về hưu nghe kết quả đó, thì chị đột ngột hỏi: “Tại sao được tặng nhiều quần áo, mà trẻ em vùng cao vẫn ở truồng?”

Câu hỏi của chị khiến tôi giật mình, ngẫm nghĩ lâu. Chị Tín sau khi nghỉ hưu, thường đi du lịch nhiều lên các vùng cao, cũng từng tham gia một số chương trình từ thiện, tặng áo quần ấm cho trẻ em vùng cao mùa lạnh. Tuy nhiên, sau những lần đi tặng quần áo như thế, chị có quay trở lại thăm trẻ em được nhận quần áo ấm, và hết sức ngạc nhiên khi thấy các em vẫn ở truồng ngoài trời lạnh, chân trần dẫm trên cỏ ướt sương giá. Tại sao như vậy? Chẳng lẽ có người lấy mất quần áo của các em?

Tại sao được tặng nhiều quần áo mà trẻ em vùng cao vẫn ở truồng?
Một nhóm từ thiện tặng quà cho học trò vùng cao

Sau khi tìm hiểu kỹ, chị Hồng Tín mới biết rằng, tình trạng thiếu thốn quần áo chỉ là một phần nguyên nhân của việc các em nhỏ vùng cao ở truồng ngay cả trong tiết trời lạnh. Việc đi chân trần, ở truồng đã thành thói quen, tập quán của trẻ em vùng cao, cho nên dù có quần áo, có dép, giày, ủng được tặng, các em cũng ít dùng, có em đi ủng còn kêu ngứa chân! Đi chân trần cho thoáng, leo trèo dễ dàng hơn trên các mỏm đá.

Tôi lại nghĩ, phải chăng người thành phố chúng ta, cơ thể quen với việc ở trong phòng điều hòa ấm áp mùa lạnh, quen đi tất chân, đi giày và mặc quần áo ấm, còn người vùng cao lại quen với việc ở ngoài trời, dù rét cắt da cắt thịt cũng cảm thấy không có gì đáng sợ lắm. Thế cho nên người vùng cao vẫn làm việc trên núi đá gió hun hút, chân vẫn để trần, trẻ em được mẹ địu trên lưng, hoặc chạy theo bố mẹ đi làm nương rẫy, thì vẫn ở truồng, mà chẳng thấy có gì đáng sợ cả.

Nhớ lại có lần, tôi trèo lên lưng chừng núi, tới thăm một gia đình người H’Mông ở Mèo Vạc, thì thấy trong gia đình có năm đứa nhỏ, hai đứa lớn là con gái, có mặc quần áo, ba đứa nhỏ là con trai, thì ở truồng. Tôi nhìn lên sào treo sát vách, thấy có nhiều quần áo vắt trên đó, bèn hỏi đứa trẻ lớn tại sao không mặc quần áo cho em, thì chúng chỉ lắc đầu rồi im lặng. Một người bạn đi theo tôi, là người Kinh, nhưng sống ở Mèo Vạc, thì giải thích, rằng trẻ nhỏ người dân tộc thiểu số ở đây hay ở truồng lắm, ở truồng đã thành quen. Tôi hỏi lý do, thì bạn giải thích rằng có thể do trẻ nhỏ hay phóng uế ra quần, nên người lớn không muốn cho chúng mặc quần để khỏi phải thay liên tục. Ở vùng cao này người ta không có bỉm mà đóng cho trẻ em như ở đồng bằng.

Dĩ nhiên, việc làm từ thiện như tặng quần áo cho trẻ em vùng cao là cần thiết, tuy nhiên, để làm từ thiện được hiệu quả hơn, thì chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cho, mà cần có sự phối hợp với cơ sở giáo dục, để giáo dục thay đổi nhận thức cho các em, cùng người trong gia đình các em lập nên thói quen mới, tạo nếp sinh hoạt văn minh hơn, bảo vệ được sức khỏe của mình và sống tiến bộ.

Việt Châu