Sự trỗi dậy của BRICS và nỗ lực "phác thảo" trật tự thế giới mới

14:05 | 25/06/2023

135 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giới chuyên gia nhận định nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu và hướng tới mục tiêu thiết lập trật tự thế giới mới.
Sự trỗi dậy của BRICS và nỗ lực "phác thảo" trật tự thế giới mới

Vào đầu tháng này, để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, Ngoại trưởng các nước thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã tổ chức cuộc họp ở Cape Town, Nam Phi.

Hơn 10 quốc gia, một vài trong số đó bày tỏ mong muốn gia nhập khối như Ả rập Xê út, Iran, Argentina, Ai Cập, Bangladesh, Uruguay, cũng được mời tham dự.

Theo giới quan sát, hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 8 sẽ là cột mốc quan trọng khi BRICS có thể sẽ thay đổi cấu trúc và quy mô của khối bằng cách kết nạp thêm thành viên mới. Kịch bản này có thể sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của BRICS trên toàn cầu, hướng tới việc lập ra một trật tự thế giới mới.

BRICS là gì?

Khái niệm BRIC xuất hiện vào năm 2001 khi nhà kinh tế học Jim O'Neill khi đó đề cập tới tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. BRIC được ghép từ 4 chữ cái đầu trong tên tiếng Anh của 4 nước.

Bốn quốc gia trên sau đó áp dụng ý tưởng này và bắt đầu các cuộc họp và tiếp xúc chính thức. Tốc độ tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với việc các nước này có những mối quan tâm và thách thức chung.

Họ đã hợp tác với nhau trong các diễn đàn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cảm thấy tầm ảnh hưởng của họ trong một trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu sẽ mạnh mẽ hơn nếu tiếng nói của họ kết hợp lại với nhau, theo Washington Post.

Năm 2006, bốn nước BRIC chính thức lập ra khối. Nam Phi được kết nạp vào năm 2010 và chữ S đầu tiên trong tên tiếng Anh của nước này được thêm vào, tạo thành BRICS.

Nhóm này được lập ra vì cho rằng họ chưa có sự hiện diện đúng vị thế trong các tổ chức quốc tế. Vì vậy, họ lập ra một diễn đàn để đại diện cho lợi ích chung và vạch ra chương trình nghị sự liên quan tới những hoạt động mà họ quan tâm.

BRICS có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2 và tổng dân số 3,21 tỷ người, tương đương hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 41,53% dân số thế giới.

Điểm chung của BRICS là họ là các quốc gia có dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự lớn. Họ cũng là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, khi tổng GDP của các thành viên liên tục tăng trưởng ổn định trong hàng chục năm qua và dự kiến sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Sự trỗi dậy của BRICS và nỗ lực phác thảo trật tự thế giới mới - 1
Các thành viên BRICS liên tục tăng trưởng ổn định và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai gần (Đồ họa: DW).

Theo Megh Updates (Ấn Độ), một trong những nền tảng thông tin trực tuyến lớn nhất thế giới, tổng GDP của BRICS hiện thời chiếm 31,5% GDP toàn cầu, trong khi nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) chiếm 30,7% GDP toàn thế giới.

Dựa vào dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bloomberg dự đoán tới năm 2028, BRICS có thể tiếp tục nới rộng khoảng cách với G7.

Sự trỗi dậy của BRICS và nỗ lực phác thảo trật tự thế giới mới - 2
Phần trăm đóng góp của tổng GDP các nước BRICS vào tổng GDP toàn cầu đã bắt kịp và vượt chỉ số của G7 (Ảnh: The Print).

Ban đầu, BRICS có mục tiêu quan trọng là mở ra các kế hoạch đầu tư trong cũng như ngoài khối. Kể từ năm 2009, BRICS dần hình thành một khối địa chính trị gắn kết hơn, với các hội nghị thượng đỉnh hàng năm và hoạt động điều phối chính sách đa phương.

Theo DW, BRICS được xem là đối thủ địa chính trị hàng đầu của khối G7. Họ đã lập ra các sáng kiến cạnh tranh với các mô hình của phương Tây. Ví dụ, vào năm 2014, BRICS lập ra Ngân hàng Phát triển Mới được xem là một tổ chức thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ngoài ra, họ đã tạo ra một cơ chế thanh khoản được gọi là Thỏa thuận dự trữ dự phòng để hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn với các khoản thanh toán. Những sáng kiến này không chỉ hấp dẫn với chính các nước BRICS, mà còn thu hút nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Đó là lý do vì sao nhiều nước bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.

BRICS được xem là nỗ lực của các nước thành viên nhằm lập ra giải pháp thay thế cho các diễn đàn chính trị và tài chính quốc tế mà phương Tây có tầm ảnh hưởng lớn. Họ dường như mong muốn có được tiếng nói xứng đáng với vị trí, tiềm lực của mình trên trường quốc tế.

Günther Maihold, phó giám đốc Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức, nhận định: "Các nước BRICS đang trải qua thời khắc địa chính trị của chính họ" khi hướng tới một nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng và rộng hơn là vẽ lại trật tự thế giới mới.

Phác thảo trật tự thế giới mới

Sự trỗi dậy của BRICS và nỗ lực phác thảo trật tự thế giới mới - 3
Ngoại trưởng 5 nước BRICS họp tại Nam Phi hồi đầu tháng (Ảnh: Reuters).

Hồi đầu tháng, trong cuộc họp ở Nam Phi, đại diện các nước BRICS kêu gọi "tái cân bằng" trật tự thế giới.

Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết: "Cuộc họp mặt của chúng ta phải gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng thế giới là đa cực, thế giới đang tái cân bằng và những cách thức cũ không thể giải quyết các tình huống mới. Chúng ta là một biểu tượng của sự thay đổi và phải hành động phù hợp".

Các cuộc thảo luận giữa thành viên BRICS tập trung vào khả năng sử dụng các loại tiền tệ thay thế cho đồng USD trong hoạt động thương mại quốc tế và củng cố Ngân hàng Phát triển Mới của nhóm.

Các thành viên của khối cũng thảo luận về việc cải cách quy trình ra quyết định toàn cầu, với việc Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor chỉ trích việc châu Phi thiếu đại diện thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

BRICS kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), cơ quan đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh toàn cầu để tổ chức này có tính đại diện cao hơn và hiệu quả hơn. UNSC hiện có 5 thành viên thường trực gồm Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Nga.

Nhiều ý kiến cho rằng, cấu trúc hiện tại của UNSC đang phản ánh một trật tự toàn cầu cũ, không phù hợp với những diễn biến hiện tại. Việc châu Phi, Trung Đông hay Mỹ Latinh không góp mặt trong danh sách thành viên thường trực của UNSC gây ra ý kiến trái chiều về tính hiệu quả trong hoạt động khi các khu vực này không được đại diện trong cơ quan quản lý cấu trúc an ninh toàn cầu.

Để gia tăng tầm ảnh hưởng, BRICS có thể kết nạp thành viên mới vào tháng 8 tới đây. Những cái tên tiềm năng được giới quan sát kể tới là Iran và Argentina, 2 nước đã nộp đơn tham gia trong thời gian dài.

Nếu kịch bản 2 nước được kết nạp xảy ra, BRICS sẽ có đại diện đầu tiên là một cường quốc tầm trung có tầm ảnh hưởng ở Trung Đông là Iran và 2 nền kinh tế hàng đầu Nam Mỹ là Brazil và Argentina. Với tổng GDP là 875 tỷ USD và dân số 133 triệu người, Argentina và Iran có thể mang lại giá trị chiến lược cho khối.

Ngoài ra, theo DW, những ứng viên tiềm năng khác có thể liệt kê là Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Iran - những nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới.

Nếu BRICS mở rộng, bổ sung thêm các nền kinh tế mới nổi và tiềm năng phát triển, họ có thể tiến tới mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tổng GDP toàn cầu. Điều này sẽ mang lại cho BRICS tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề kinh tế, chính trị trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Japan Times, để có thể trở thành một mô hình đối thủ với G7 và thay đổi trật tự thế giới, BRICS hiểu rằng họ cũng phải giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền dự trữ hàng đầu: USD.

BRICS đang thúc đẩy một thế giới không chỉ dùng đồng USD vì họ tin rằng một thế giới có nhiều đồng tiền dự trữ sẽ mang lại cho họ nhiều quyền tự chủ hơn về chính sách. Ví dụ, Brazil hay ứng viên Argentina đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Bắc Kinh để cho phép họ thực hiện giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc nhằm giảm chi phí thương mại song phương và giảm ảnh hưởng khi đồng USD biến động về giá trị.

Thêm vào đó, giám đốc Ngân hàng Phát triển mới Dilma Rousseff, đã tiết lộ vào tháng 4 rằng tổ chức này đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD. Ông cam kết rằng ít nhất 30% các khoản vay sẽ được thực hiện bằng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên.

Một số thành viên BRICS là đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga tin rằng hệ thống thanh toán bằng đồng USD khiến họ dễ tổn thương trước lệnh trừng phạt từ Washington. Trong thời gian qua, Moscow và Bắc Kinh đã gia tăng giao thương bằng đồng nội tệ của nhau sau khi phương Tây áp hàng loạt biện pháp cấm vận lên Moscow vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Việc giảm phụ thuộc vào USD được xem những bước đi đầu tiên để BRICS lập ra trật tự thế giới mới.

Tuy nhiên, BRICS không chỉ thảo luận các vấn đề về kinh tế, thương mại, tài chính. Chương trình nghị sự của khối cũng bàn luận tới các vấn đề nóng khác như xung đột Israel - Palestine, tình hình ở Syria, Iraq, Yemen, Libya. BRICS được xem có tiềm năng mang lại có hội cho các nền kinh tế mới nổi thảo luận và đưa ra giải pháp về những lĩnh vực khác.

Những thách thức

Sự trỗi dậy của BRICS và nỗ lực phác thảo trật tự thế giới mới - 4
Các nhà lãnh đạo 5 nước BRICS tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào năm 2018 ở Nam Phi (Ảnh: Điện Kremlin).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mở rộng BRICS có nhiều tác dụng nhưng cũng có những thách thức lớn, khi có thể làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thành viên.

Vấn đề lớn nhất mà khối có thể đối mặt là việc nếu như BRICS có thêm các quốc gia có thể chế chính trị và hệ thống kinh tế khác nhau tham gia, việc họ đạt được đồng thuận trong những vấn đề chủ chốt sẽ khó hơn so với G7. Mỗi quốc gia sẽ có một mối quan tâm riêng và tính toán riêng nên việc tìm tiếng nói chung với một khối BRICS đông thành viên sẽ khó khăn hơn.

Ví dụ, tại hội nghị ngoại trưởng G20 vào tháng 3 ở Indonesia, các nước thành viên không thể ra tuyên bố chung vì những bất đồng liên quan đến vấn đề cuộc xung đột Ukraine. Điều này cho thấy thách thức của một nhóm có đông thành viên và có những tính toán khác nhau.

Ngoài ra, theo The Conversation, dù BRICS rất có tham vọng giảm phụ thuộc vào đồng USD, nhưng đây không phải là việc có thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn.

Với 88% giao dịch quốc tế được thực hiện bằng USD và đồng USD chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, vị thế thống trị của đồng tiền này là không thể chối cãi. Việc phi đô la hóa - nghĩa là giảm sự phụ thuộc của một nền kinh tế vào đồng USD đối với thương mại và tài chính quốc tế - là một quá trình dài đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Vào năm 2014, khi các quốc gia BRICS ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới, khối này kỳ vọng có thể dùng đồng nội tệ các quốc gia để cung cấp tài chính. Tuy nhiên, tới năm 2023, ngân hàng này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đồng USD để duy trì hoạt động.

Việc phi đô la hóa song phương giữa các thành viên BRICS cũng đối mặt với thách thức. Ví dụ, Nga và Ấn Độ hiện chưa thể thông qua việc phát triển một cơ chế giao dịch bằng đồng nội tệ vì nó chưa có đủ tính khả thi.

Mặc dù có nhiều khác biệt giữa 5 quốc gia thành viên, nhưng BRICS đã cố gắng phát triển các chính sách chung trong những năm qua. BRICS đã tăng cường hợp tác, đầu tư vào các tổ chức tài chính mới và không ngừng mở rộng phạm vi các vấn đề chính sách mà tổ chức này giải quyết. Đây cũng được xem là tiền đề để BRICS có thể tạo ra một trật tự thế giới mới.

Theo Dân trí

Iran muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS

Iran muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS

Iran đã nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, bao gồm Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, một động thái có thể giúp nhóm kinh tế này mạnh hơn và cạnh tranh với phương Tây.