Sự thống trị của Mỹ trên thị trường LNG sắp kết thúc

09:00 | 16/06/2020

897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thị trường LNG được dự báo sẽ suy giảm trong mùa hè này. Tổng công suất hóa lỏng khí của Mỹ đã giảm đáng kể. Các công ty Mỹ buộc phải từ bỏ các dự án LNG hoặc hoãn triển khai các dự án mới. Cơ sở tài nguyên của các nhà máy LNG tại Mỹ sụt giảm do sản xuất khí đốt tự nhiên giảm. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu LNG toàn cầu khác, trong đó có Novatek của Nga. 
su thong tri cua my tren thi truong lng sap ket thucDaewoo đóng 2 tàu chở LNG mới cho Novatek
su thong tri cua my tren thi truong lng sap ket thucExxonMobil đình chỉ dự án LNG P’nyang trị giá 13 tỷ USD
su thong tri cua my tren thi truong lng sap ket thuc

Một mùa hè khắc nghiệt trên thị trường LNG

Theo giới đầu tư thị trường, thương mại LNG toàn cầu năm 2019 đã đạt 360 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trung bình cả năm 2020 được dự báo giảm 6,7 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái và có thể giảm tới 13,8 triệu tấn trong trường hợp xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần hai và suy thoái kinh tế toàn cầu. Các thị trường tiêu thụ sụt giảm sẽ gồm Ấn Độ, Pakistan, Thái lan, Kuwait và Singapore; trong khi thị trường tiêu thụ LNG tại Trung Quốc và châu Âu có sự tăng trưởng không đáng kể. Trong 4 tháng đầu năm 2020, nhu cầu LNG toàn cầu đạt trung bình khoảng 32 triệu tấn/tháng, song giảm xuống còn 29 triệu tấn trong tháng 5.

Theo đánh giá của Wood Mackenzie, thị trường tiêu thụ LNG toàn cầu năm 2020 sẽ giảm nhẹ xuống còn 356,8 triệu tấn, trong đó nhu cầu LNG tháng 6, 7, 8 sẽ giảm 2,7%, tương đương -3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2019, đánh dấu sự giảm giảm tiêu thụ LNG lần đầu tiên trong thời gian hè từ năm 2012. Đồng thời, không ngoại trừ khả năng nguồn LNG giá rẻ trên thị trường giao ngay hoặc theo hợp theo hợp đồng dài hạn trên cơ sở giá dầu có thể kích thích nhu cầu từ các nhà nhập khẩu Ấn Độ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng từ than sang khí đốt tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Khác với đánh giá của Wood Mackenzie, các chuyên gia của S&P Global Platts dự báo nhu cầu LNG cả năm 2020 tiếp tục tăng trưởng và đạt 364 triệu tấn.

Dư thừa nguồn cung LNG

Năm 2019, công suất hóa lỏng khí toàn cầu tăng thêm 42,5 triệu tấn lên 430,5 triệu tấn, đồng thời tải trọng của các dây chuyền LNG giảm 4% so với năm 2018 xuống còn 81%. Sản xuất LNG tại Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất, đạt 46,6 triệu tấn/năm giúp nước này trở thành nhà sản xuất LNG lớn thứ ba thế giới sau Qatar và Úc. Xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh lên 33,8 triệu tấn. Theo kế hoạch của Mỹ, công suất hóa lỏng khí toàn cầu năm 2020 phải tăng lên 454,8 triệu tấn do sự mở rộng dây chuyền sản xuất LNG và một số dự án mới đi vào vận hành.

Theo số liệu của Cheniere Energy - nhà sản xuất LNG lớn nhất tại Mỹ, doanh số LNG bán ra trên thị trường toàn cầu trong quý I/2020 đạt 100 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn cung tăng mạnh trên thị trường xuất phát chủ yếu từ việc Mỹ tăng xuất khẩu LNG thêm 7 triệu tấn. Úc và Nga tăng thêm lần lượt 2 triệu tấn và 1 triệu tấn.

Tăng trưởng nguồn cung LNG diễn ra trong bối cảnh mùa đông 2019 - 2020 ấm áp và sụt giảm nhu cầu tiêu thụ do Covid-19 dẫn đến sự sụp đổ giá khí thiên nhiên tại thị trường châu Âu và châu Á. Trong tháng 5/2020, giá khí thiên nhiên tại thị trường Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2008 cao hơn giá khí tại các trung tâm giao dịch ở châu Âu và châu Á. Xuất khẩu LNG Mỹ sang châu Âu trở nên kém hiệu quả kinh tế. Tình trạng dư cung tại các thị trường châu Á cũng kéo theo giá khí giảm, do đó các nhà sản xuất LNG Mỹ không thể chuyển hướng xuất khẩu từ tây sang đông. Bên cạnh đó, do tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã từ chối các lô xuất khẩu LNG Mỹ.

Tỷ trọng giảm, các kế hoạch bị thay đổi

Sáu nhà máy sản xuất LNG tại Mỹ đạt công suất cực đại trong 4 tháng đầu năm đã buộc phải giảm công suất xuống 65% so với thiết kế trong tháng 5. Theo tính toán của Platts, với dự báo suy giảm tiêu thụ khí thiên nhiên toàn cầu trong mùa hè này, công suất hóa lỏng khí tại Mỹ trong tháng 6 có thể giảm hơn 2 lần. Do đó, sản lượng xuất khẩu LNG của Mỹ đã giảm đáng kể. Theo đánh giá của VYGON Consulting, thị phần LNG của Mỹ tại thị trường châu Âu trong tháng 5 đã giảm từ 28% xuống còn 17%. Giá thấp cộng thêm nguồn dự trữ khí thiên nhiên cao kỷ lục khiến các nhà nhập khẩu châu Âu bắt đầu từ chối nguồn cung LNG từ Mỹ. Theo giới thương mại, hơn 60 lô hàng LNG Mỹ giao tháng 6 và tháng 7 cho thị trường châu Âu đã bị hủy và xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tiếp tục giảm.

Giá khí thấp và sụt giảm nhu cầu tiêu thụ buộc nhiều công ty dầu khí phải xem xét lại các dự án sản xuất LNG: ExxonMobil đang trì hoãn quyết định cuối cùng đối với dự án Rovuma LNG ở thềm lục địa Mozambique. Hai công ty Tellurian và Pacific Oil and Gas trì hoãn các dự án Driftwood và Wood Fibre. Nhà sản xuất Next Decade cũng xem xét lại dự án Rio Grande LNG với cơ sở tài nguyên là khí đá phiến. Tập đoàn dầu khí Shell rút khỏi dự án Lake Charles LNG tại Mỹ. Sempre Energy phải lùi triển khai dự án Port Arthur LNG sang năm 2021.

Dự báo của EIA

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ khí trung bình tại Mỹ trong năm 2020 sẽ đạt 2,3 tỷ m3/ngày, giảm 3,6% so với năm 2019, xuất phát chủ yếu từ sụt giảm nhu cầu khí 8,7% xuống còn 600 triệu m3/ngày trong lĩnh vực công nghiệp do tác động của đại dịch. Cũng theo EIA, sản lượng khai thác khí thiên nhiên tại Mỹ đã đạt kỷ lục 2,7 tỷ m3/ngày và bắt đầu giảm. Đà giảm được dự báo sẽ kéo dài đến tháng 3/2021, xuống còn 2,34 tỷ m3/ngày.

Bắt đầu từ quý II/2020, khai thác khí tại Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và đạt trung bình 2,4 tỷ m3/ngày trong năm 2021. Ngay cả khi mức tiêu thụ khí đốt năm 2021 vẫn ở mức của năm nay, sản lượng khai thác khí đốt tại Mỹ sẽ chỉ đảm bảo cho 50% công suất hóa lỏng khí của Mỹ hiện nay. Mỹ hiện đang chứng kiến công suất hóa lỏng khí dư thừa. Việc xây dựng các dây chuyền sản xuất LNG mới là không cần thiết do các cơ sở tài nguyên khí không đủ khả năng đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào.

Một năm trước, Tổng thống Mỹ D.Trump từng tuyên bố "kỷ nguyên vàng của ngành năng lượng Mỹ đã đến", đồng thời thông báo Mỹ sẽ chi phối ngành năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, kỷ nguyên vàng đó sẽ không kéo dài được lâu và có thể sớm kết thúc trong năm 2020.

Cánh cửa cơ hội cho Novatek

Nga đã chính thức trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới. Năm 2019, xuất khẩu LNG của Nga tăng lên 29,3 triệu tấn, cao hơn công suất thiết kế các dây chuyền LNG là 26,8 triệu tấn/năm.

su thong tri cua my tren thi truong lng sap ket thuc

Trong năm 2019, nhờ đưa vào vận hành toàn bộ công suất nhà máy "Yamal LNG" và ra mắt nhà máy LNG tầm trung tại Vysotsk với công suất 660.000 tấn/năm, Novatek đã sản xuất 18,6 triệu tấn LNG và trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất tại Nga. Năm 2020, Novatel dự kiến tăng công suất hóa lỏng khí thêm 5% lên 19,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, phía Novatek cũng kỳ vọng dây chuyền thứ 4 của nhà máy "Yamal LNG" với công suất 1 triệu tấn/năm sẽ sớm vận hành trong năm nay.

Cuối tháng 4/2020, Phó Chủ tịch Novatek Mark Jetway thông báo, hãng đang xem xét hoãn quyết định đầu tư cuối cùng vào dự án Obi LNG trong điều kiện thị trường hiện nay, song điều này sẽ không ảnh hưởng đến các kế hoạch dài hạn. Novatek đặt mục tiêu tăng sản lượng LNG lên 26 triệu tấn vào năm 2023, tăng lên 38 triệu tấn vào năm 2024 và lên 44 triệu tấn vào năm 2026. Đến năm 2030, tập đoàn này có thể tăng công suất lên 70 triệu tấn LNG/năm. Tại Mỹ, Novatek được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thống trị năng lượng của nước này, và do đó, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Novatek và các đối tác là không thể bị loại trừ.

Hiện tại Nga đang chiếm 8% thị phần LNG toàn cầu, nhưng nếu Novatek không từ bỏ kế hoạch của mình, thị phần LNG của Nga sẽ tăng gấp đôi.

Phạm TT.